Trung Quốc lại hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc giữa cơn bão thương chiến Mỹ-Trung
Trong ngày thứ Sáu (06/09), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thông báo sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tất cả ngân hàng thương mại, giải phóng lượng vốn dài hạn khoảng 900 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 126 tỷ USD) và nhờ đó các ngân hàng có thể tăng cường cho vay, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ để vực dậy nền kinh tế.
Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bớt 0.5 điểm phần trăm sẽ có hiệu lực từ ngày 16/09/2019, PBoC cho biết.
Động thái này sẽ tăng cường khả năng cho vay của các ngân hàng và quan trọng hơn là giảm chi phí sử dụng lượng vốn mà họ nhận được từ NHTW.
PBoC cũng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc bớt 1 điểm phần trăm đối với một số ngân hàng thương mại đô thị nhất định. Đợt hạ 50 điểm cơ bản đầu tiên sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2019 và đợt thứ hai diễn ra vào 1 tháng sau đó, PBoC tiết lộ.
PBoC đưa ra động thái hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc sau khi Chính phủ Trung Quốc thông báo kế hoạch tăng cường kích thích kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với áp lực suy giảm ngày càng nhiều vì thương chiến Mỹ-Trung.
Tại cuộc họp vào ngày thứ Tư (04/09), Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, đã yêu cầu tăng cường đầu tư và hỗ trợ tín dụng để thúc đẩy nền kinh tế, công khai đề cập đến việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng như giảm lãi suất thị trường.
Thị trường kỳ vọng PBoC hạ lãi suất đối với cơ chế cho vay trung hạn (MLF) sau đó trong tháng này, từ đó cung cấp vốn giá rẻ cho thị trường liên ngân hàng.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|