Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lưu ý các cơ quan trong vấn đề chọn mẫu kiểm toán đảm bảo thận trọng, chặt chẽ và an toàn, khi phát sinh các vấn đề trọng yếu, các phát hiện kiểm toán quan trọng cần kịp thời báo cáo.
Đây là chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước tại cuộc họp giao ban trực tuyến thường kỳ tháng 9/2019 vừa được tổ chức.
Phát hiện kiểm toán quan trọng phải kịp thời báo cáo
Theo đó, trong tháng 8/2019, ngành kiểm toán đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, các cuộc kiểm toán đợt 2 đã kết thúc theo kế hoạch.
Nổi bật trong tháng, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, bổ sung, Kế hoạch kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước, Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác năm 2019…
Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc chỉ đạo các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực triển khai các cuộc kiểm toán đợt 3 theo kế hoạch.
Đặc biệt lưu ý vấn đề chọn mẫu kiểm toán đảm bảo thận trọng, chặt chẽ và an toàn, khi phát sinh các vấn đề trọng yếu, các phát hiện kiểm toán quan trọng cần kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước và Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước phụ trách.
Song song với đó, Tổng Kiểm toán cũng chỉ đạo khẩn trương phát hành báo cáo kiểm toán các cuộc kiểm toán đợt 2 đã kết thúc, đặc biệt lưu ý các kết luận, kiến nghị kiểm toán phải rõ ràng, cụ thể, hợp pháp, hợp lý, sát hợp với tình hình thực tiễn.
Đối với thủ trưởng các đơn vị quan tâm chỉ đạo các Đoàn kiểm toán nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán và chất lượng lập Báo cáo kiểm toán, tập trung hoàn thành các cuộc kiểm toán trong kế hoạch trước 31/10/2019, phát hành toàn bộ các báo cáo kiểm toán trước 31/12/2019 (trừ các cuộc kiểm toán phát sinh).
"Dự kiến hội nghị tổng kết ngành trước ngày 10/01/2020, vì vậy yêu cầu các đơn vị hết sức khẩn trương thực hiện các hoạt động tổng kết, đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng ngay sau khi kết thúc các cuộc kiểm toán đợt 3", Tổng Kiểm toán chỉ đạo.
Các đơn vị trong toàn ngành thực hiện xây dựng Kế hoạch công tác năm 2020 của đơn vị. Lãnh đạo các đơn vị khuyến khích, tạo điều kiện cho các công chức, viên chức, Kiểm toán viên của đơn vị tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ chuyên môn trong và ngoài nước.
Nghiêm cấm sách nhiễu, vòi vĩnh, chung chi
Song song với kế hoạch kiểm toán của tháng và năm 2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng ký và ban hành Công điện số 1138 về việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán thông qua việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ.
Theo đó, Tổng Kiểm toán yêu cầu cán bộ, công chức, kiểm toán khu vực nhà nước phải tuân thủ đầy đủ các quy định về Chuẩn mực Đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.
Giữ gìn tác phong, đạo đức công vụ; giữ gìn uy tín, hình ảnh và nguyên tắc độc lập, khách quan và liêm chính của kiểm toán viên nhà nước.
Thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải chủ động báo cáo kịp thời hoạt động của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và kiểm toán viên đang trong quá trình thực hiện kiểm toán, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Kiểm toán Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Chẳng hạn, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, kiểm toán viên không kịp thời báo cáo về các hành vi, dấu hiệu tham nhũng phát hiện qua kiểm toán để chuyển cơ quan điều tra theo quy định.
Hoặc vi phạm Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn kiểm toán, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, đưa, nhận, môi giới hối lộ dưới mọi hình thức.
Kiểm toán ngoài phạm vi theo kế hoạch đã được phê duyệt; Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán và vi phạm các quy định khác về thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn kiểm toán.
Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán, tiết lộ kết quả kiểm toán khi báo cáo kiểm toán chưa dược phát hành.
Đồng thời, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị lãnh đạo các đơn vị giám sát hoạt động của Đoàn kiểm toán, các kiểm toán viên trong suốt quá trình kiểm toán tại đơn vị.
Nếu phát hiện có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật hoặc có dư luận về tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi", gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán… thì đề nghị lãnh đạo đơn vị được kiểm toán, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành và địa phương thông báo ngay Tổng Kiểm toán nhà nước để có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định.