Tài xế công nghệ có đang chịu bất công vì thuế TNCN?
Thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với các tài xế công nghệ đang làm việc cho các ứng dụng gọi xe bắt đầu phát sinh từ sau năm 2015.
Ảnh: Yahoo News
|
Đại diện Cục Thuế TP.HCM nhìn nhận hai điểm đang gây nhiều phản ứng từ các tài xế công nghệ hiện nay là tỉ lệ khấu trừ thuế trên doanh thu cao, trong khi ngưỡng chịu thuế TNCN (100 triệu đồng/năm) của đối tượng này quá thấp so với thực tiễn cuộc sống.
Hiện Cục Thuế TP.HCM đã có kiến nghị với lãnh đạo Tổng cục Thuế về những nội dung phản ảnh của các đối tác để có những điều chỉnh phù hợp hơn. Ông NGUYỄN VĂN THIỆN - trưởng phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế TP.HCM - cho biết như vậy khi trao đổi với TTCT về cách thức thu thuế TNCN của các tài xế công nghệ.
Hiện nay, cách thu thuế áp dụng cho đối tượng này theo Luật thuế TNCN dành cho cá nhân kinh doanh (còn gọi là thuế khoán) tính theo tỉ lệ phần trăm (%) trên doanh thu và không được giảm trừ gia cảnh.
Cơ sở để cơ quan thuế áp dụng cách thu thuế này là gì?
- Tài xế công nghệ là ngành nghề mới, chỉ thực phổ biến từ sau năm 2015, khi Luật thuế TNCN đã ra đời. Thời gian đầu, các công ty công nghệ cũng bối rối trong cách đóng thuế TNCN của nhóm này, nên đều có văn bản xin hướng dẫn từ Tổng cục Thuế.
Theo văn bản hướng dẫn từ năm 2016, 2017 của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính với các doanh nghiệp công nghệ thì cá nhân kinh doanh vận tải ký hợp đồng hợp tác với công ty, hoặc tổ chức kinh doanh vận tải phải có nghĩa vụ nộp thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) và thuế TNCN theo tỉ lệ % trên doanh thu.
Trong đó, tỉ lệ % tính thuế VAT trên doanh thu chịu thuế VAT là 3% và tỉ lệ tính thuế TNCN trên doanh thu chịu thuế TNCN là 1,5%. Đối với các khoản tiền thưởng khuyến khích theo doanh thu thì tỉ lệ 1% trên tiền thưởng. Với khoản tiền thưởng chất lượng phục vụ theo đánh giá sao thì tính thuế TNCN, với 10% trên tiền thưởng từ 2 triệu đồng/lần trở lên.
Theo tài xế công nghệ, việc đóng 4,5% cho toàn bộ 80% doanh thu (20% thuộc về Grab) là chưa phù hợp. Họ đề nghị được giảm tỉ lệ thuế phải đóng hoặc nâng mức doanh thu bắt đầu tính thuế lên vì thông thường tài xế mất khoảng 15% chi phí xăng dầu, khấu hao xe cộ… Do vậy, thu nhập thực của tài xế chỉ chiếm khoảng 65% số tiền mà họ thu được hằng ngày?
- Cái băn khoăn của các tài xế công nghệ là họ bị trừ 4,5%, trong đó có 3% VAT. Nhiều tài xế cho rằng họ không thu của khách hàng, sao lại bắt nộp. VAT là loại thuế gián thu đã nằm trong giá bán của doanh nghiệp, phí dịch vụ khách hàng phải trả. Chúng tôi cũng có yêu cầu doanh nghiệp khi xây dựng giá bán cần cho tài xế rõ 3% là thuế khách hàng phải trả và doanh nghiệp đứng ra thu hộ.
Riêng với tỉ lệ % để tính thuế TNCN, cơ quan quản lý cũng đã có những tính toán riêng cho phù hợp với chi phí bỏ ra từ đầu, như tỉ lệ % thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh vận tải là 1,5%, ngành dịch vụ là 5% hay hoạt động thương mại là 0,5%. Cơ sở để có cách ấn định mức thuế cố định này là bởi cơ quan thuế dựa trên mức chi phí, do đặc thù chi phí bỏ ra của mỗi dịch vụ.
Tuy vậy, cùng với thời gian, có nhiều điểm chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tế thì nhiệm vụ của chúng tôi là lắng nghe, ghi nhận tất cả ý kiến và sau đó kiến nghị với cơ quan cấp trên để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Trong quá trình trao đổi, đối thoại với các tài xế, Cục Thuế ghi nhận tâm tư của tài xế là nghề của họ vất vả, phải chạy trên đường đối mặt với nhiều rủi ro trong khi các hộ kinh doanh thì tính cố định cao hơn nhiều. Cơ quan thuế đã ghi nhận và tiếp thu.
Thực tế Cục Thuế đã có văn bản kiến nghị nâng mức chịu thuế cho các đối tượng cá nhân có doanh thu từ kinh doanh từ năm 2018.
Tại sao cách thức tính thuế TNCN theo thuế khoán của hộ kinh doanh này đang bị tài xế phản ứng?
- Hiện nay, trong cách thức tính thuế TNCN với người có thu nhập từ tiền công, tiền lương, họ được giảm trừ gia cảnh thì sẽ áp dụng theo biểu thuế lũy tiến, thu nhập càng cao thì bậc thuế đóng cũng sẽ tăng nên đóng thuế nhiều hơn. Trong khi thu thuế với cá nhân kinh doanh thì cơ quan quản lý cũng đã tính toán mức thu đơn giản, tỉ lệ % vừa phải.
Theo Luật thuế TNCN, có 10 loại cách tính thuế TNCN khác nhau như cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công, từ đầu tư vốn, trúng thưởng, chuyển nhượng bất động sản… Câu chuyện quan tâm hiện nay là các tài xế đang là đối tác của các công ty công nghệ thì nên áp dụng theo thu nhập tiền công, tiền lương hay xem họ là các cá nhân kinh doanh.
Thực tế trước năm 2015, Luật thuế TNCN quy định cộng gộp các khoản thu nhập của cá nhân sẽ thu theo biểu thuế lũy tiến. Tuy nhiên, sau năm 2015 đến nay, thu thuế các đối tượng như tài xế công nghệ mới bắt đầu phát sinh và hướng dẫn tính thuế cho đối tượng này dựa trên hợp đồng của các tài xế với công ty kinh doanh dịch vụ vận tải.
Các tài xế cho rằng việc thu thuế đối với tài xế công nghệ giống như người lao động và việc thu thuế TNCN chỉ dựa trên doanh thu một đầu mà không hề được khấu trừ phương tiện, chi phí là bất hợp lý?
- Nếu tính theo cách đề xuất này, tức có khấu trừ chi phí, thì cũng giống áp dụng cách tính thuế dành cho các doanh nghiệp hiện nay, tính thuế trên lợi nhuận có được sau khi lấy doanh thu trừ chi phí. Tỉ lệ thuế sẽ khác, phải lên đến 20%, theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bất cập mà cơ quan thuế ghi nhận đến nay là tài xế phản ảnh ngưỡng chịu thuế thu nhập 100 triệu đồng/năm là thấp.
Chi phí cho cuộc sống hiện nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đang ở mức cao hơn so với mặt bằng chung, áp dụng ngưỡng 100 triệu hiện nay, tức 8,3 triệu đồng/tháng đã phải đóng thuế thì không công bằng với các tài xế, nên cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp; mức 100 triệu đồng đưa ra năm 2015 thì đến năm 2019 cũng cần xem xét điều chỉnh.
Tôi nghĩ băn khoăn lớn nhất của các tài xế là ngưỡng chịu thuế TNCN còn thấp, cần phải nâng lên. Mức bao nhiêu sẽ do Bộ Tài chính tính toán. Theo quy định của Luật thuế TNCN, việc điều chỉnh ngưỡng giảm trừ gia cảnh dành cho đối tượng cá nhân có nguồn thu từ tiền lương, tiền công thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, ngưỡng chịu thuế TNCN của các tài xế thì lại quy định bởi pháp luật và cần nhiều thời gian hơn để sửa luật, phải trình và được Quốc hội thông qua.
Chúng ta có thể tranh thủ lúc Bộ Tài chính đang xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh với đối tượng người nộp thuế tiền lương, tiền công thì với đối tượng cá nhân kinh doanh cũng có thể xem xét nâng ngưỡng chịu thuế lên so với mức 100 triệu đồng/năm hiện nay cho phù hợp với thực tiễn, chia sẻ với người nộp thuế cũng như nuôi dưỡng nguồn thu.
Mỗi nơi một cách thu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ứng dụng gọi xe Go-Viet, Vato thông báo đang đóng thuế giùm cho tài xế nhưng thực tế tỉ lệ tài xế có đủ thu nhập 100 triệu đồng/năm không nhiều, nên tỉ lệ đối tượng nằm trong nhóm chịu thuế TNCN không đáng kể.
Riêng ứng dụng Be hoạt động như công ty vận tải, nên ngay khi nhận cuốc xe thì tài xế đã bị thu thuế TNCN, chứ không đợi đến ngưỡng 100 triệu đồng/năm mới thu.
Theo đại diện ứng dụng gọi xe Be, mức chiết khấu của hãng đối với tài xế là 25% và sẽ là 26,125% nếu tính cả thuế TNCN. Mức thuế TNCN 1,125% được tính trên 75% sau khi trừ đi chiết khấu 25%. Với cách tính thuế TNCN ngay trên mỗi cuốc xe này, dựa trên doanh thu sau mỗi năm, doanh nghiệp sẽ tính toán để hoàn thuế TNCN cho các tài xế.
Đang sở hữu mạng lưới tài xế đông đảo nhất cả nước, thống kê đến tháng 5-2019, mạng lưới tài xế gồm 2 bánh và 4 bánh của Grab đã lên đến 190.000 tài xế, trong đó chỉ riêng tại TP.HCM có khoảng vài ngàn tài xế đang nằm trong ngưỡng chịu đóng thuế TNCN, nghĩa là có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Đây là một con số tương đối lớn, gây thiệt thòi cho các tài xế bởi so với các thành phố khác thì chi phí, mức sống của TP.HCM đắt đỏ hơn nhiều. Grab VN cho biết từng nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng nâng ngưỡng chịu thuế này lên.
Tính đến kỳ tháng 5-2019, Grab đã đóng tổng cộng hơn 947 tỉ đồng tiền thuế vào ngân sách nhà nước trong 5 năm qua.
|
NHƯ BÌNH thực hiện
Tuổi trẻ