Không thể dựa mãi vào FDI
Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới. FDI chiếm tỉ trọng khá lớn trong GDP của Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đưa công nghệ cao vào sản xuất như hệ thống kiểm tra sơn ôtô của VinFast - Ảnh: VG
|
Tại Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam (ARDF) 2019 sáng 19-9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới. Tính đến cuối năm 2018, quy mô GDP Việt Nam đạt trên 250 tỉ USD, lọt vào nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, TS David Dollar, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings (Mỹ), cho rằng có một nghịch lý cần được khắc phục: FDI chiếm tỉ trọng khá lớn trong GDP của Việt Nam, ngược lại, tỉ lệ đầu tư bằng vốn trong nước trong GDP lại khá thấp.
FDI áp đảo đầu tư nội địa
TS David Dollar xuất hiện ở diễn đàn với lời nhận xét đầu tiên rằng "tôi ấn tượng với những kết quả và tiến bộ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam".
Ông có mặt ở Việt Nam từ năm 1989, thời điểm Việt Nam đang tiến hành đổi mới, với tư cách là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Ông cho rằng Việt Nam hiện có mức độ pháp quyền tốt so với các nước có cùng mức thu nhập trung bình, do đó thu hút khá tốt FDI, nhưng khu vực tư nhân của Việt Nam lại phát triển chậm và nhất là thiếu các doanh nghiệp có quy mô lớn.
"Tại sao Việt Nam lại thu hút tốt FDI? Đây là yếu tố quan trọng để thành công. Nhưng tại sao đầu tư vốn từ tư nhân trong nước lại thấp, thấp nhất trong số các quốc gia khu vực châu Á? Đây là một nghịch lý đối với tôi. Có vẻ như môi trường cho khu vực tư nhân trong nước chưa tốt" - TS Dollar nhận xét.
Từ đó, TS Dollar khuyến nghị Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy khối kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt là các chính sách nhằm tháo bỏ rào cản trong tiếp cận tín dụng, đất đai, đầu vào nhập khẩu. Việt Nam cũng cần kết nối tốt hơn giữa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực FDI để hấp thụ được công nghệ cao từ các nước phát triển hơn và thông qua quá trình này để nâng cao năng suất lao động.
"Nghiên cứu chuỗi giá trị toàn cầu cho thấy thường thì xuất khẩu trực tiếp do các doanh nghiệp đa quốc gia thực hiện, nhưng khu vực tư nhân trong nước có vai trò quan trọng nhằm tăng cường chiều sâu chuỗi giá trị và tạo việc làm ở quy mô lớn" - ông nói.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, TS Jonathan Pincus - chủ tịch Quỹ Rajawali (RF), nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP Việt Nam và giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM - phân tích: dù quan trọng, FDI cũng không thể thay thế cho đầu tư trong nước. Thông qua đầu tư trong nước, các quốc gia sẽ có được sự phát triển bền vững dài hạn, và có sự cân bằng hơn trong vấn đề chi phí.
"Các công ty nội địa sẽ sản xuất số lượng lớn chất liệu, linh kiện đầu vào, hơn là chỉ lắp ráp như chúng ta đang thấy" - TS Jonathan Pincus nói.
Cải cách và cẩn trọng giữa thương chiến Mỹ - Trung
Hầu hết giới quan sát cho rằng Việt Nam hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt khi xét tới những tín hiệu cho thấy các công ty rục rịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm né thuế quan của Mỹ. Tuy vậy, điều này lại tiếp tục khoét sâu vào mối lo mất cân bằng đầu tư và khả năng cạnh tranh của công ty Việt Nam, đặc biệt ở khu vực tư nhân.
TS Pincus cho rằng trong ngắn hạn, đầu tư FDI sẽ đổ về Việt Nam khi các công ty từng ở Trung Quốc dời địa điểm sản xuất sang Việt Nam và tạo ra việc làm, góp phần tăng GDP. Tuy nhiên về dài hạn, lại không đóng góp gì vào giải pháp cho các công ty trong nước hoặc ở khu vực tư nhân.
Cũng chia sẻ với Tuổi Trẻ về vấn đề này, TS Dollar lo ngại về hậu quả của sự dịch chuyển mang tính nhất thời.
"Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, dòng vốn FDI có thể chuyển vào Việt Nam. Nhưng đặt trường hợp Mỹ - Trung tìm được giải pháp, các dòng vốn ấy có thể đổi hướng đi nơi khác. Vì vậy FDI dạng này sẽ không chắc chắn lắm, và điều đó không tốt cho Việt Nam" - ông nói.
Các chuyên gia cũng đề cập khá nhiều về việc tự do hóa tài chính, tạo điều kiện cho công ty tư nhân Việt Nam tiếp cận vốn, nguồn lực tài chính, công nghệ, môi trường kinh doanh... nhưng tất cả đều cần sự bọc lót từ chính sách.
Nói như TS Pincus, việc ưu đãi cho khối FDI và công ty quốc doanh sẽ càng khiến hai khối này thống trị thị trường, từ đó giảm khả năng vươn lên của công ty tư nhân Việt Nam - vốn dĩ phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy biến động, khi các biên giới đang đóng lại, và căng thẳng thương mại đang gia tăng.
Đồng thời, những thay đổi công nghệ đang diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy. Những đặc điểm này ở trong thời điểm mà mô hình kinh tế của Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức trong nước, bao gồm dân số già hóa nhanh, hình thành vốn và tỉ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất.
Vì thế Việt Nam cần xác định các phương án chính sách để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo và tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Ousmane Dione (giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)
|
NHẬT ĐĂNG - LÊ KIÊN
Tuổi trẻ