Thứ Sáu, 20/09/2019 08:40

Sóng gió sau cơn "địa chấn" Alibaba

Khách hàng hoang mang; các chi nhánh văn phòng, dự án "ma" hoang tàn... là những gì xảy ra khi Chủ tịch HĐQT và giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba bị bắt giữ

Ngày 18-9, Bộ Công an bắt Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) Nguyễn Thái Luyện và giám đốc là Nguyễn Thái Lĩnh (em Luyện) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại công ty này.

"Không có cách nào đòi lại tiền"

Rất nhiều người tham gia mua bán đất của Alibaba đang tìm cách lấy lại tiền. Một vài người nói chỉ biết sơ về Alibaba nhưng vẫn mua vì thấy trả lợi nhuận tốt, sau đó không lấy lại được đồng nào.

Anh T. là công nhân ở Bình Dương vừa chuyển đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được nhân viên Công ty Alibaba chiêu dụ mua dự án Alibaba Tóc Tiên Resident từ tháng 2 với giá 290 triệu đồng. Theo cam kết của Alibaba, anh T. đóng 50% tiền (gần 150 triệu đồng), còn lại mỗi tháng góp 3 triệu đồng, đến khi nhận đủ 95% thì nhận nền đất có đầy đủ giấy tờ. Khi thấy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cưỡng chế một số dự án của Công ty Alibaba, anh hoang mang, tìm mọi cách để lấy lại tiền nhưng không được.

Chị L. ở quận Thủ Đức, TP HCM cũng đang lo lắng và mệt mỏi vì không đòi được tiền từ Công ty Alibaba. Chị mua nền đất ở Đồng Nai từ tháng 6-2018, tái đầu tư lại đất ở tỉnh Bình Thuận với chính sách 38%/năm. Sau đó, chị mua thêm 1 lô ở Đồng Nai với chính sách thanh toán 60%, trả góp 3 triệu đồng/tháng. Với giá bán 460 triệu đồng, chị đã đóng hơn 200 triệu đồng, cộng với 500 triệu đồng cho dự án ở Bình Thuận nhưng giờ không có cách nào đòi lại tiền, vì theo cam kết thì chưa tới hạn.

"Ban đầu, thấy công ty làm đúng cam kết nên tôi tin nhưng hiện chưa lấy được bất cứ đồng lãi nào. Giờ cơ quan chức năng xử lý lãnh đạo Alibaba, tôi rất hoang mang và mong lấy được tiền gốc đã bỏ ra" - chị L. cho biết.

Ngày 19-9, cảnh hoang tàn, vắng lặng bao trùm các "dự án" và chi nhánh, văn phòng của Công ty Alibaba tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Tại văn phòng ở mặt Quốc lộ 51 (xã Phước Thái, huyện Long Thành), cổng vẫn mở nhưng không thấy người ra vào. Cách đó khoảng vài km, văn phòng trái phép khác của công ty này tại xã Long Phước đang bị tháo dỡ.

Trước đó, chiều 18-9, Bộ Công an đã khám xét các chi nhánh, văn phòng Công ty Alibaba tại các xã Long Phước, Phước Thái (huyện Long Thành). Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết công an đã mang đi nhiều tài liệu. Xã Long Phước là nơi Công ty Alibaba "vẽ" ra 19 dự án trong tổng số 29 dự án ở Đồng Nai. Tỉnh Đồng Nai khẳng định chưa có dự án nào của Alibaba được cấp phép tại địa phương này.

Hiện tỉnh Bình Thuận có 2 dự án của Alibaba tại huyện Hàm Tân, là: Alibaba Thắng Hải Newtimes City (xã Thắng Hải) và ALi Venice City (xã Tân Phúc). Trong 2 ngày 17 và 18-9, Thanh tra tỉnh Bình Thuận đã làm việc với chính quyền và Chi cục Thuế huyện Hàm Tân quanh các vấn đề liên quan dự án ALi Venice City và kiểm tra thực địa dự án này. Đây nguyên là một trang trại có diện tích khoảng 200 ha, thuộc sở hữu của một người dân ở ngoài tỉnh Bình Thuận. Diện tích này là đất nông nghiệp. Sau khi chủ sử dụng lô đất sang nhượng cho Alibaba, doanh nghiệp này "vẽ" thành dự án ALi Venice City, đồng thời tổ chức nhiều chuyến xe đưa khách hàng đến tham quan, giới thiệu là khu đô thị sinh thái mang phong cách Ý, giá bán mỗi nền khoảng 120-150 triệu đồng, có giấy tờ hợp pháp thổ cư.

Còn diện tích đất được xem là dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City do ông Nguyễn Thái Lĩnh nhận chuyển nhượng lại của 3 hộ dân, hiện trồng keo lá tràm, đang khai thác, chưa tác động gì đến việc san lấp mặt bằng.

Sóng gió sau cơn địa chấn Alibaba - Ảnh 1.
Nơi đây từng được xem là một văn phòng của Công ty Alibaba tại tỉnh Đồng Nai (ảnh chụp vào trưa 19-9). Ảnh: Xuân Hoàng

Nước mắt và những vụ kiện

Trước đó, trong sáng cùng ngày, bà Như đã livestream trên facebook của Alibaba nhằm trấn an khách hàng. Bà Như cho biết trong buổi khám xét ngày 18-9, công an thu giữ nhiều hồ sơ, giấy tờ; nhiều khách hàng được công an kêu lên ký khống vào tờ giấy trắng không có nội dung để kiện công ty.

Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Đoàn Luật sư TP HCM, việc doanh nghiệp bất động sản (BĐS) huy động vốn để đầu tư vào một sản phẩm không phải của họ thì sản phẩm này hoàn toàn không đủ điều kiện để cơ quan có thẩm quyền cấp phép và những công ty như thế không được phép mua bán sản phẩm đó.

Đa cấp về BĐS không phải chuyện mới. BĐS là sản phẩm sinh lợi cao và là kênh được nhiều người lựa chọn đầu tư. Đánh vào tâm lý chạy theo lợi nhuận khủng của nhiều người, các lớp dạy làm giàu từ đầu tư BĐS ra đời. Sẽ là bình thường nếu như những diễn giả có kiến thức chuyên môn bài bản về BĐS, có kiến thức đúng và đầy đủ về pháp luật và truyền đạt kiến thức hữu ích ấy cho mọi người. Ngược lại thì người chủ, người giảng, người hướng dẫn, một khi đã khuyếch đại, phô trương khả năng và lôi kéo mọi người dưới mọi hình thức là những gì chúng ta đã và đang thấy trong vài năm trở lại đây... Tiếp sau đó sẽ là nước mắt và những vụ kiện từ những người góp vốn.

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn nhấn mạnh gần đây, một số chủ đầu tư do chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho dự án nên đã sử dụng hình thức hợp đồng vay vốn thay thế cho thỏa thuận đặt cọc. Các đơn vị này đều khẳng định hình thức này là dựa trên nhu cầu của khách hàng và không trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ hơn về vấn đề.

Cụ thể: Mục đích chính của hợp đồng góp vốn kêu gọi vốn đầu tư của chủ đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh. Hợp đồng này thể hiện quyền sở hữu của bên góp vốn đối với một phần của dự án và khẳng định hình thức, giá trị của phần vốn góp đó. Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận của hai bên. Tuy nhiên với hợp đồng này, thường các chủ đầu tư sẽ soạn sẵn mẫu, người mua cũng gần như không có cơ hội thảo luận hay bàn bạc với chủ đầu tư về điều khoản hợp đồng. Khi soạn sẵn như vậy thì thường các điều khoản rất lỏng lẻo và có lợi cho các công ty BĐS. Một khi tranh chấp xảy ra thì khách hàng hoàn toàn bất lợi.

Khuôn khổ pháp lý về kinh doanh BĐS dưới hình thức ký kết các hợp đồng như thế này hiện chưa được hoàn chỉnh khiến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng chưa được chặt chẽ, đặc biệt là các cá nhân có nhu cầu đầu tư hoặc mua nhà để ở. Hợp đồng góp vốn hay hợp đồng hợp tác đầu tư đối với việc mua bán BĐS về bản chất là hình thức huy động vốn để thực hiện dự án. Nếu bất cẩn, khách hàng có thể bị chiếm dụng vốn, bị mất trắng vốn mà không thể ngờ tới. Đây là một dạng hợp đồng hợp tác đầu tư nên sẽ theo dạng phân chia lợi nhuận là chính, do đó nếu có tranh chấp xảy ra cũng xét theo hướng là bên chủ đầu tư chia lợi nhuận chứ không phải là bồi thường thiệt hại.

"Theo Bộ Luật Dân sự, một giao dịch dân sự vô hiệu khi có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật. Khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên hoàn trả những gì đã nhận và khôi phục lại tình trạng ban đầu. Vì vậy, trước khi quyết định đầu tư và ký kết các loại hình thì cần kiểm tra kỹ tính pháp lý của dự án, của chủ đầu tư, của bên liên kết và bên được ủy quyền (bên bán)" - luật sư Toàn nói. 

Tối 19-9, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã gửi giấy triệu tập bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó Tổng Giám đốc đối ngoại và Đào tạo của Công ty Alibaba, yêu cầu đúng 8 giờ 30 phút ngày 20-9 phải có mặt ở trụ sở Cơ quan CSĐT Công an TP HCM để làm việc, phục vụ công tác điều tra liên quan vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Alibaba.

Nạn nhân cần tố cáo

Ngay từ lúc này, những người lỡ ký hợp đồng với Công ty Alibaba phải tích cực hợp tác với Cơ quan CSĐT Công an TP HCM, làm đơn trình báo, tố cáo hành vi của Công ty Alibaba, kèm theo các giấy tờ, biên nhận nhận tiền, chuyển khoản hoặc các tài liệu khác để chứng minh việc nộp tiền vào công ty này. Khi cơ quan CSĐT khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì người bị lừa nhận chuyển nhượng đất sẽ trở thành bị hại trong vụ án, được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, biện pháp yêu cầu bồi thường, mức hình phạt đối với người thực hiện tội phạm. Cần lưu ý, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại là yêu cầu Công ty Alibaba bồi thường, bởi khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giữa đại diện hợp pháp của công ty và người bị hại, không phải ký với tư cách cá nhân.

Ngoài ra, những người ký hợp đồng với Công ty Alibaba không nên khởi kiện ra TAND có thẩm quyền theo thủ tục tố tụng dân sự mà cần trình báo đến Cơ quan CSĐT Công an TP HCM để được giải quyết trong vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Việc giải quyết bồi thường thiệt hại do bị lừa đảo sẽ được thực hiện trong vụ án hình sự.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)

SƠN NHUNG - XUÂN HOÀNG - VIỆT KHÁNH - SỸ HƯNG - PHẠM DŨNG

Người lao động

Các tin tức khác

>   "Việt Nam gần như mất thị trường gạo Trung Quốc" (20/09/2019)

>   Thực phẩm Việt lách cửa hẹp vào Thái Lan (20/09/2019)

>   TP HCM rút ngắn nhiều thời gian giải quyết thủ tục nhờ ủy quyền (19/09/2019)

>   Asanzo nói gì khi bị Sharp Việt Nam thông báo sẽ kiện? (19/09/2019)

>   Ngoài "ông chủ" Nhật Cường Bùi Quang Huy, còn ai đang bị Interpol truy nã đỏ? (19/09/2019)

>   "Bộ máy Nhà nước như con nhộng lột xác một nửa" (19/09/2019)

>   Sharp Việt Nam khẳng định Asanzo “giả mạo chứng thư hợp tác” (19/09/2019)

>   Lượng nước về các hồ thủy điện trên sông Đà thấp nhất trong 30 năm (19/09/2019)

>   Hải quan “tuyên bố” không làm thủ tục nhập máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu (19/09/2019)

>   Kiểm toán Nhà nước phát hiện loạt sai phạm gì trong quản lý rác thải? (19/09/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật