Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã gửi công văn hỏa tốc đề nghị Hà Nội phối hợp xử lý sự cố môi trường vụ cháy Công ty Rạng Đông.
Tối 8.9, thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), xác nhận cơ quan này đã gửi công văn hỏa tốc đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội báo cáo về ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố cháy tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội có nhiệm vụ tham mưu cho UBND TP đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp với các lực lượng chức năng, nhanh chóng xử lý môi trường bảo đảm sức khỏe cộng đồng trên địa bàn Q.Thanh Xuân và khu vực lân cận; đồng thời có báo cáo gửi Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước 16 giờ hôm nay (9.9).
Công ty Rạng Đông báo cáo gian dối
Trong báo cáo công bố ngày 6.9, liên quan đến vụ cháy kho hàng của Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (gọi tắt Công ty Rạng Đông) xảy ra ngày 28.8, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đề nghị công ty này cần tiếp tục thống kê chính xác số lượng hàng hóa, nguyên vật liệu sử dụng đã bị cháy, đặc biệt là việc sử dụng thủy ngân lỏng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, báo cáo cơ quan chức năng để tính toán chính xác lượng thủy ngân phát tán ra môi trường.
Đáng lưu ý, theo Tổng cục Môi trường, trong báo cáo ban đầu của Công ty Rạng Đông, từ năm 2016, công ty này chỉ sử dụng viên amalgam (hỗn hợp của Hg - Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài ki lô gam. Tuy nhiên, trong ngày 31.8, Tổng cục Môi trường đã kiểm tra thực tế và qua quá trình đấu tranh với lãnh đạo công ty, phía Công ty Rạng Đông đã thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng (có độc tính cao hơn so với viên amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng. Khối lượng hóa chất còn lại là hơn 4,5 triệu viên amalgam, với trọng lượng là 41,75 kg; còn thủy ngân lỏng là 108,9 kg, trong đó 34,3 kg được bảo quản an toàn cùng với viên amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy. Theo đó, lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy trong khoảng 15,1 - 27,2 kg.
Đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh
Trong quá trình cháy, lượng thủy ngân trong các bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy, nên tại thời điểm cháy, lượng thủy ngân và các chất khí độc hại đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Theo Tổng cục Môi trường, đặc thù của thủy ngân là kim loại tồn tại ở dạng lỏng, không tan trong nước, rất nặng và dễ sa lắng, dễ bốc hơi ngay cả ở nhiệt độ thường và có thể còn nằm lại trên các mái nhà, cây cối, trên các bề mặt và các vật dụng lưu chứa hở, nên có nguy cơ gây ô nhiễm trở lại môi trường.
Cơ quan này khuyến cáo các hộ dân trong bán kính 500 m tính từ hàng rào của Công ty Rạng Đông cần phun rửa mái nhà, tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng, vệ sinh cá nhân, thau rửa các bể chứa nước hở; người dân sống trong bán kính 200 m tính từ hàng rào công ty cần đi khám sức khỏe định kỳ; đối với người dân trong bán kính từ 200 - 500 m cần đi khám khi có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân. Cán bộ, công nhân và người lao động của công ty cần được kiểm tra sức khỏe.
Theo Tổng cục Môi trường, để xử lý và kiểm soát tốt vấn đề môi trường sau sự cố cháy, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân, Bộ TM-MT đã đề nghị Công ty Rạng Đông cô lập khu vực bị cháy, che chắn bằng mái tôn, phủ bạt tại khu vực bị cháy để tránh nước mưa và không để hơi thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường. Đối với chất tàn dư sau vụ cháy, tiến hành thu gom, lưu giữ tạm thời trong các container để xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, công ty cần phối hợp các đơn vị có năng lực để tẩy độc khu vực bị cháy bằng bột lưu huỳnh, sau đó bê tông hóa đối với chất thải nguy hại.