Các công ty Mỹ đẩy nhanh kế hoạch di cư khỏi Trung Quốc vì bi quan về thương chiến
Một số công ty Mỹ ở Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch rút khỏi Trung Quốc đại lục khi thuế quan ngày càng tăng đang gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của họ. Đây là kết quả từ cuộc thăm dò của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Thượng Hải trong ngày thứ Tư (11/09).
Hơn 1/4 người tham gia khảo sát (26.5%) cho biết trong năm vừa qua, họ đã chuyển hướng đầu tư sang các khu vực khác, mặc dù lúc đầu họ định đầu tư vào Trung Quốc. Con số này tăng 6.9 điểm phần trăm so với năm 2018, trích dẫn báo cáo của AmCham. Trong báo cáo này, những công ty trong ngành công nghệ, phần cứng, phần mềm và dịch vụ có tỷ lệ thay đổi địa điểm đầu tư cao nhất.
Nghiên cứu này – vốn có sự hợp tác với PwC – khảo sát 333 thành viên của Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải. Nghiên cứu này được thực hiện trong giai đoạn 27/06-25/07 – giai đoạn mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý nối lại đàm phán thương mại và trước bước leo thang thuế quan trong tháng 8/2019.
Các công ty Mỹ ở Trung Quốc đại lục cũng cho biết các giới hạn tiếp cận đến thị trường nội địa khiến họ khó lòng triển khai hoạt động kinh doanh, trích từ báo cáo.
Khi được hỏi về kịch bản khả dĩ và tốt nhất trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung, hơn 40% người tham gia khảo sát cho rằng việc tăng khả năng tiếp cận tới thị trường Trung Quốc sẽ là kết quả quan trọng nhất giúp các doanh nghiệp này thành công. Kế đó là hơn 28% cho rằng việc tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ là yếu tố then chốt.
Kết quả được mong chờ thứ ba từ cuộc đàm phán thương mại là Trung Quốc tăng cường mua hàng hóa Mỹ, tỷ lệ này đạt 14.3%. Điều này có vẻ trái ngược với nỗ lực buộc Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ của chính quyền Trump.
Bị chặn tiếp cận tới thị trường
Các công ty Mỹ từ lâu đã phàn nàn về việc hoạt động ở Trung Quốc, họ cho biết nhiều ngành dường như khép lại cánh cửa với doanh nghiệp nước ngoài. Trong những lĩnh vực mở cửa, rất khó để cạnh tranh với doanh nghiệp Nhà nước hoặc các doanh nghiệp tư nhân vốn có thể hưởng lợi từ sự kết nối ở địa phương hoặc các chính sách, họ cho biết.
Cáo buộc chuyển giao công nghệ bắt buộc cho các đối tác Trung Quốc và thiếu sự bảo vệ dành cho sở hữu trí tuệ chỉ mà một vài trong số nhiều thách thức mà các doanh nghiệp Mỹ đề cập tới khi hoạt động ở Trung Quốc.
Cuộc khảo sát mới nhất của AmCham phát hiện ra việc tiếp cận tới thị trường Trung Quốc vẫn là một trong những vấn đề gây nhức nhối cho các công ty Mỹ, khi có hơn một nửa người tham gia (56.4%) cho rằng việc xin giấy phép nào có dễ dàng.
Xét theo ngành, các công ty mong muốn được nới khả năng tiếp cận nhất ở ngành ngân hàng, tài chính và bảo hiểm. Việc có đến 81% công ty trong những lĩnh vực này – vốn khao khát một môi trường kinh doanh tốt hơn – khá tương phản với việc Bắc Kinh tuyên bố sẽ nới lỏng quy định sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực tài chính trong 18 tháng vừa qua. Một số biện pháp bao gồm cho phép nước ngoài sở hữu đa số cổ phần tại một liên doanh chứng khoán trong nước và tăng sở hữu nước ngoài đối với các chứng khoán trong nước.
Tuy nhiên, những người tham gia khảo sát nhấn mạnh đến sự cải thiện chung trong gần như tất cả vấn đề - bao gồm bảo vệ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết Chính phủ Trung Quốc đối xử công bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại cũng tăng từ 34% lên 40% trong cuộc khảo sát gần nhất.
Hàng rào thuế quan gây tổn thương đến doanh nghiệp Mỹ
Những doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc vẫn đang mạnh, trong đó các công ty Mỹ và công ty liên kết của họ tạo ra hơn 450 tỷ USD doanh thu ở Trung Quốc, theo báo cáo nghiên cứu tháng 8/2019 của Gavekal Dragonomics. Bài phân tích cũng chỉ ra doanh số mà các công ty Mỹ tạo ra ở Trung Quốc còn hơn gấp đôi so với tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà Mỹ xuất khẩu đến Trung Quốc.
Thế nhưng, các hàng rào thuế quan đáp trả từ cả Mỹ và Trung Quốc đang làm giảm doanh thu và khiến một số công ty Mỹ phải thay đổi chiến lược ở Trung Quốc, khảo sát của AmCham cho thấy.
Nếu Washington định áp hàng rào thuế quan như lời đe dọa trước đó, thì gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu đến Mỹ sẽ bị áp thuế trước khi kết thúc năm 2019. Trả đũa lại hàng rào thuế quan của Mỹ, Bắc Kinh cũng đưa ra hàng rào thuế quan để đáp trả lại Mỹ.
Chỉ hơn 50% người tham gia khảo sát cho biết doanh thu giảm vì hàng rào thuế quan. 1/3 trong số này cho rằng 1-10% đà giảm của doanh thu là do hàng rào thuế quan.
Khả năng tạo lợi nhuận nhìn chung không giảm trong năm 2018, báo cáo này cho thấy. Thế nhưng, ngày càng nhiều người tham gia khảo sát cho biết doanh thu và biên lợi nhuận đã giảm trong năm vừa qua, nhất là khi đặt lên bàn cân với hoạt động ở các quốc gia khác. Mức độ bi quan tăng vọt thêm 14 điểm phần trăm lên 21%. Những người trả lời phỏng vấn cảm thấy kém lạc quan về triển vọng của năm 2019, một phần là do nền kinh tế nội địa giảm tốc.
Vẫn có những điểm sáng ở Trung Quốc
Khảo sát cũng cho thấy một số điểm sáng của Trung Quốc giúp các doanh nghiệp cảm thấy lạc quan.
Phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có doanh thu tăng ở các lĩnh vực như dược phẩm, thiết bị y tế và khoa học cuộc sống. Những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này cũng xếp hạng thứ 2 trong số những doanh nghiệp lạc quan nhất về năm 2019.
Báo cáo của Amcham có đoạn cho biết triển vọng tích cực có khả năng xuất phát từ những thay đổi trong chính sách của Chính phủ, bao gồm việc đẩy nhanh quá trình xét duyệt thuốc nước ngoài.
Hơn 2/3 doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp cho biết có ý định tăng đầu tư tại Trung Quốc trong năm 2019. Các công ty bán lẻ và hàng tiêu dùng cũng dự định tăng đầu tư vào nước này, đặc biệt là tại các thành phố nhỏ với triển vọng tăng trưởng lớn.
Dù vậy, các doanh nghiệp này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để rút khỏi Trung Quốc nhằm tránh chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. 35% doanh nghiệp được hỏi dự báo căng thẳng thương mại sẽ còn tiếp diễn trong 1-3 năm tới, và gần 13% dự báo cho rằng thời gian tiếp diễn là 3-6 năm tới. Khoảng 17% tỏ ra bi quan hơn khi dự báo xung đột thương mại sẽ kéo dài mãi mãi.
Báo cáo của Amcham có đoạn cho biết: "Hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào về một thỏa thuận thương mại, 2019 sẽ là một năm khó khăn. Và năm 2020 sẽ còn tồi tệ hơn nữa nếu không có thỏa thuận nào".
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|