Thứ Bảy, 14/09/2019 08:56

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Xuất khẩu nông sản giảm sút do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu"

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian qua là do nước này siết chặt quy định về hàng hóa nhập khẩu đường tiểu ngạch, nâng cao tiêu chuẩn về kiểm định, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, những yếu tố khách quan như thương chiến Mỹ - Trung cũng là một phần nguyên nhân.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chỉ số về xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản sang thị trường quan trọng Trung Quốc đã suy giảm đáng kể.

Trước thực trạng trên, chiều 13/09, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì hội nghị “Phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 'Xuất khẩu nông sản giảm sút do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu' hình ảnh 1

Hai bộ trưởng bắt tay tìm giải pháp gỡ "khó" cho nông sản xuất khẩu Trung Quốc.

Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho biết những chuyển động không ngừng của nền kinh tế, chính trị trên thế giới đặt ra cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam rất nhiều thách thức, Chính phủ cần có chiến lược duy trì xuất khẩu bền vững.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian vừa qua?  

8 tháng đầu năm 2019, chứng kiến tình hình chung về kinh tế, thương mại của thế giới đang có diễn biến phức tạp, điều này đặt ra những thách thức cho xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam nói riêng.

Trên bình diện toàn cầu đang có những thay đổi, cả những câu chuyện xung đột thương mại, tác động của chiến tranh thương mại Mỹ Trung ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và cả thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác trong đó có Trung Quốc. 

Do đó, 8 tháng đầu năm, mặc dù có sự nỗ lực chung của toàn hệ thống cùng các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT, hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng đạt được 8%, tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị sụt giảm hơn 7%. 

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó, nguyên nhân khách quan như chiến tranh thương mại Mỹ Trung, tác động thương mại khu vực đến cả những câu chuyện các quốc gia nhập khẩu. Cụ thể, Trung Quốc đã siết chặt hàng rào kỹ thuật liên quan đến kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, có cả những vấn đề do nguyên nhân chủ quan của chúng ta làm chưa tốt. Ví dụ, công tác mở cửa thị trường mặc dù đã làm nhưng chưa đẩy nhanh được tốc độ nên các sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn trong đó có Trung Quốc còn chậm. 

Ngoài ra, việc tổ chức lại để đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong các thị trường còn chậm. Trong đó, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn trước kia có 1 phần rất lớn là xuất khẩu theo phương thức tiểu ngạch. 

Hiện nay, chúng ta phải đối mặt với việc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, do đó, ngành nông sản còn lúng túng, rất nhiều địa phương, hiệp hội ngành hàng… chưa đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc dẫn đến việc xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm.

Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ Trung khiến tồn dư một lượng hàng hóa rất lớn, khiến nhu cầu tại thị trường Trung Quốc giảm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có những ngành hàng mang tính tương đồng, do vậy, sản phẩm của Việt Nam vấp phải sự cạnh tranh rất lớn tại thị trường này ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang gia tăng quan hệ về phát triển thị trường cũng như thương mại với Trung Quốc, tranh thủ điều kiện thuận lợi để phát triển. Do đó, đối với hàng hóa của Việt Nam cho dù là ngành hàng mà chúng ta có thị trường lớn, hay những sản phẩm mà chúng ta đang mới tiếp cận thì cũng vấp phải sự cạnh tranh rất lớn.

Đơn cử, đối với sản phẩm thủy sản chế biến hay rau quả, trái cây hoặc các mặt hàng mới rất có tiềm năng của chúng ta như sữa, vừa qua được Trung Quốc cấp phép cho xuất khẩu nhưng chúng ta cũng đang phải đối diện với cạnh tranh rất lớn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 'Xuất khẩu nông sản giảm sút do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu' hình ảnh 2

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị chiều 13/09.

Bộ Công Thương đã, đang và sẽ làm những công việc cụ thể gì để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc?

Nói về tổng thể, chúng ta đã có một chiến lược xuất khẩu bền vững được Chính phủ ban hành, quy định rõ chức năng, vai trò của các Bộ, ngành. Trong đó, Bộ Công Thương có vai trò rất lớn, vừa là cơ quan quản lý nhà nước, đầu mối trong việc thực hiện công tác hội nhập và phát triển thị trường nhưng đồng thời phối hợp với các Bộ ngành khác để đôn đốc thực hiện các chương trình hành động của Việt Nam gắn với chiến lược phát triển bền vững này. 

Chúng tôi xác định rất rõ vai trò của Bộ Công Thương và càng phải đẩy mạnh trong thời gian tới. Theo đó, thứ nhất, công tác nghiên cứu và nắm bắt thông tin thị trường, trong đó, các thông tin về vĩ mô liên quan đến thể chế và pháp luật của nước sở tại, nguyên tắc thương mại quốc tế của họ trong đó có quan hệ thương mại với Việt Nam để từ đó cung cấp cho các Bộ, doanh nghiệp, để xây dựng các kế hoạch, chiến lược thị trường mang tính bền vững.

Thứ hai, cần phải phối hợp, cung cấp thông tin cụ thể, đặc biệt là tập quán kinh doanh cũng như nhu cầu, dung lượng và cơ hội của thị trưởng để cộng đồng doanh nghiệp và địa phương xây dựng đối tác chiến lược với các đầu mối. Đặc biệt với những đầu mối về phân phối lớn, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Thứ ba, trách nhiệm của chúng tôi trong việc phối hợp với các Bộ ngành, trong đó có Bộ NN&PTNT để tổ chức xây dựng quy hoạch ngành sản xuất, đảm bảo các nguồn hàng, dung lượng, các yêu cầu quy định cũng như chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì. 

Từ đó, có định hướng phối hợp với các địa phương trong tổ chức sản xuất, cung ứng nguồn hàng, đáp ứng được các yêu cầu hàng rào kỹ thuật của thị trường Trung Quốc cũng như đảm bảo được sự ổn định khối lượng nguồn hàng để đáp ứng được yêu cầu này. Thị trường Trung Quốc là thị trường rất đặc thù khi quy mô dân số lớn và tầng lớp trung lưu đang phát triển, nhu cầu nông lâm thủy sản nhất là các sản phẩm chế biến đang tăng mạnh và đòi hỏi rất cao về chất lượng.

Thứ tư, trong câu chuyện phối hợp liên bộ để tiếp tục đôn đốc, tổ chức mở cửa thị trường cần nhấn mạnh vai trò của Bộ NN&PTNT trong việc có các chứng nhận, hiệp định và các thỏa thuận song phương. Điều này liên quan đến vấn đề chứng nhận kiểm dịch động thực vật cũng như các thủ tục cụ thể để mở cửa thị trường cho các nhóm ngành hàng sản phẩm cụ thể như: rau quả, trái cây, sản phẩm chăn nuôi…. Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT thực thi nhiệm vụ này.

Thứ năm, về các hoạt động hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, công tác tiếp cận thị trường sau khi thị trường đã mở. Câu chuyện này liên quan đến việc xây dựng thương hiệu cũng như hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ cũng như bảo vệ cho doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp thương mại là những nội dung cơ bản mà chúng tôi đã, đang và sẽ thực hiện.

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu theo đúng các tiêu chuẩn chung của WTO, điều này đặt ra trách nhiệm cho cả Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương rất lớn trong việc hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông có khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp nông lâm thủy sản, khi thị trường Trung Quốc đang có những thay đổi?

Hai Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, các Hiệp hội, ngành hàng, các địa phương thông điệp, chúng ta đã đi thuyền ra biển lớn thì phải thực thi những điều cần thiết để đảm bảo an toàn và có hiệu quả cho chuyến hàng hải khơi xa của chính mình. 

Chúng ta phải chấp nhận và thực thi theo đúng luật chơi chung của quốc tế cũng như thị trường Trung Quốc. Chắc chắn không bao giờ được hiểu đây là thị trường đơn giản, dễ tính để chúng ta xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa mà chưa đáp ứng được yêu cầu chung về chất lượng sản phẩm,cũng như các hàng rào kỹ thuật.

Chúng tôi khuyến nghị trước tiên tới lãnh đạo các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nhất là Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương để có thể định vị rõ yêu cầu, quy mô, tính chất, yêu cầu cụ thể đối với các nhóm hàng cụ thể của thị trường Trung Quốc nhằm quy hoạch rõ ràng đầy đủ trên cơ sở năng lực và quy mô sản xuất mà chúng ta có thể huy động được.

Cùng với đó, các Bộ, ngành các địa phương cần tổ chức tập huấn thông tin đầy đủ với sự phối hợp của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người nông dân có thể có đầy đủ thông tin về thị trường này. Qua đó, hiểu được cách thức, tập quán kinh doanh với thị trường, từ đó cùng phối hợp tạo chuỗi giá trị từ người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối để có thể tiếp cận một cách sâu rộng xuất khẩu theo con đường chính ngạch với Trung Quốc.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đồng hành nhằm cụ thể hóa việc mở cửa thị trường, gắn hiệp hội ngành hàng với các doanh nghiệp để từ đó tạo động lực tăng trưởng vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt là đối với các ngành hàng, sản phẩm mà chúng ta  đang rất có tiềm năng như: trái cây (chanh leo, sầu riêng); chăn nuôi; thủy sản chế biến… 

Chúng tôi sẽ sớm thống nhất với Bộ trưởng NN&PTNT để sớm chỉ đạo cho việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật của chính chúng ta. Thiết lập các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa cho các sản phẩm nông thủy sản để nâng cao hơn nữa chất lượng nông thủy sản.

Từ đó, nông thủy sản Việt Nam không chỉ tiếp cận tốt với Trung Quốc mà cả các thị trường khác trên thế giới. Chúng ta cũng có đủ điều kiện đảm bảo năng lực cạnh tranh sản phẩm, chỉ có như vậy mới xây dựng được một nền sản xuất hàng hóa lớn, sản xuất hữu cơ, hiện đại, đảm bảo năng lực cạnh tranh cho người nông dân, doanh nghiệp.

Chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình đối thoại, phối hợp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để tuyên truyền, phổ biến nội dung các chương trình xúc tiến thương mại, các hoạt động xây dựng thương hiệu, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý tranh chấp. Bên cạnh đó, tạo điều kiện lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong việc tiếp cận nguồn lực và sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các chương trình Bộ Công thương đang quản lý hoặc phối hợp với các Bộ ngành khác để tổ chức thực hiện.

Xin cảm ơn ông.

Thanh Phong

Dân Việt

Các tin tức khác

>   10 năm không giải phóng mặt bằng, dự án chăn nuôi nợ hơn 80 tỉ (14/09/2019)

>   Cầu đường sắt Bình Lợi 117 năm ở Sài Gòn sắp thôi "sứ mệnh" (14/09/2019)

>   Cạnh tranh với Việt Nam, Thái Lan đưa ra nhiều ưu đãi đón sóng dịch chuyển sản xuất (13/09/2019)

>   Vụ đường 250 tỷ vừa xong đã hỏng: Tạm dừng giao việc đối với 2 lãnh đạo (13/09/2019)

>   Chính phủ muốn "đổi vai" trong xây dựng luật (13/09/2019)

>   Bộ giao thông vẫn muốn xe taxi công nghệ phải có hộp đèn "taxi" gắn trên nóc (13/09/2019)

>   Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo "nóng" về tình trạng buôn lậu đường cát (13/09/2019)

>   5 tấn phế thải độc hại được gom trong kho Rạng Đông (13/09/2019)

>   Giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,4% kế hoạch (13/09/2019)

>   Chủ app cho vay 5 triệu đòi trả gốc và lãi 100 triệu là ai? (13/09/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật