Cầu đường sắt Bình Lợi 117 năm ở Sài Gòn sắp thôi "sứ mệnh"
Cầu đường sắt Bình Lợi 117 năm bắt qua sông Sài Gòn (TP.HCM) chính thức được bảo tồn, và cầu đường sắt Bình Lợi mới từ sau hôm nay 14.9, sẽ bắt đầu hành trình “gánh” những đoàn tàu lửa bắc - nam xuôi ngược.
Cầu đường sắt Bình Lợi được xây dựng từ năm 1900 và đưa vào sử dụng năm 1902. Đây là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành của Sài Gòn - TP.HCM và của ngành đường sắt Việt Nam. ẢNH: KHẢ HÒA
|
Cầu đường sắt Bình Lợi tại Km1719+089 (nối Q.Bình Thạnh-Q.Thủ Đức) nằm trong khu Bình Triệu - Gò Vấp, trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Cầu có chiều dài 276m, gồm 6 nhịp với độ tĩnh không thông thuyền thấp (chỉ 1,8 m) nên có tình trạng phương tiện thủy va chạm vào cầu gây tai nạn, làm gián đoạn hoạt động của ngành đường sắt. ẢNH: KHẢ HÒA
|
|
Với giá trị lịch sử của công trình, UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ GTVT bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi, nhằm lưu giữ dấu tích của cây cầu đường sắt 117 năm tuổi, gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch. ẢNH: KHẢ HÒA
|
|
Trên cơ sở đề nghị của UBND TP.HCM, Bộ GTVT vừa thống nhất giữ lại nguyên trạng gồm hai nhịp cầu, trong đó có một nhịp cầu quay và một tháp canh phía quận Thủ Đức nhằm bảo tồn. ẢNH: KHẢ HÒA
|
|
Đối với các kết cấu cầu Bình Lợi được đề nghị bảo tồn, UBND TP.HCM sẽ bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo tồn, bảo đảm công tác duy tu, bảo dưỡng, vận hành khai thác theo quy định. ẢNH: KHẢ HÒA
|
|
Bộ GTVT bàn giao lại cho TP.HCM quản lý phạm vi khu vực cầu đường sắt Bình Lợi cũ (phía bờ Q.Bình Thạnh) sau khi hoàn thành tháo dỡ công trình để nghiên cứu xây dựng bến thủy nội địa phục vụ giao thông vận tải đường thủy. ẢNH: KHẢ HÒA
|
|
Ngày 14.9, sau 4 năm thi công cầu đường sắt Bình Lợi mới (cầu bên phải), Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) sẽ cho tàu lửa bắc - nam chạy thử nhằm đưa vào vận hành chính thức. Cầu đường sắt Bình Lợi mới có tĩnh không 7m, sẽ tránh được tình trạng ùn ứ phương tiện đường thủy lưu thông neo đậu trên sông Sài Gòn chờ nước xuống mới qua khu vực này, tạo thuận lợi cho tàu, sà lan có tải trọng đến 5.000 tấn lưu thông dễ dàng từ TP.HCM đến Bình Dương và ngược lại. ẢNH: KHẢ HÒA
|
|
Sau khi hoàn thành "sứ mệnh", cầu đường sắt Bình Lợi cũ sẽ trở thành công trình được bảo tồn, gắn liền với dấu ấn hình thành, phát triển của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM. ẢNH: KHẢ HÒA
|
Đình Phú
Thanh niên