Cạnh tranh với Việt Nam, Thái Lan đưa ra nhiều ưu đãi đón sóng dịch chuyển sản xuất
Thái Lan đang lên kế hoạch cho “gói tái định cư” nhằm cạnh tranh với Việt Nam trong việc thu hút các công ty dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Theo đó, khả năng giảm thuế, nới lỏng các quy định, cũng như đẩy nhanh việc cấp phép đã được các quan chức kinh tế Thái Lan thảo luận vào ngày 6/9.
Chính phủ Thái Lan đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á. Trong quý II/2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này ở mức thấp nhất trong gần 5 năm.
Ông Nattapol Rangsitpol, Tổng giám đốc Văn phòng Kinh tế Công nghiệp của Bộ Công nghiệp Thái Lan, cho biết việc đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài là điều rất quan trọng.
“Để thu hút các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại, chúng ta phải hiểu họ đang tìm cách thoát khỏi cái chết, nên tốc độ rất quan trọng. Chúng ta phải cho phép họ xây dựng các nhà máy một cách nhanh chóng, sản xuất nhanh chóng và bán hàng nhanh chóng”, ông nói.
Trước đó, nhiều người phàn nàn rằng, quy tắc nhập cư và chế độ báo cáo nghiêm ngặt đã gây khó khăn cho Thái Lan trong việc thu hút đầu tư.
Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) đang xem xét giảm thuế nhiều hơn, đặc biệt là các ngành công nghiệp mũi nhọn, để tăng sức hấp dẫn, ông Nattapol nói. Đồng thời ông cũng cho biết, hiện các ưu đãi của Thái Lan và Việt Nam là như nhau.
Theo Reuters, Thái Lan tìm cách thu hút khoảng 100 công ty, phần lớn là của Trung Quốc.
Trước đó, chính phủ nước này đã miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 13 năm và giảm 50% thuế tối đa 5 năm cho các công ty trong Hành lang Kinh tế Phương Đông (EEC). Hiện tại, thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%.
Phó Thủ tướng Thái Lan, ông Somkid Jatusripitak, cho biết nước này sẽ đưa ra một gói hỗ trợ về phát triển nhân sự cho các công ty, nhằm huấn luyện công nhân Thái Lan.
Việt Nam mới là điểm đến hàng đầu
Thái Lan đã thu hút một số công ty nước ngoài tìm cách di chuyển sản xuất từ Trung Quốc để thoát thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Reuters, Việt Nam mới là điểm đến hàng đầu của các công ty bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại.
Theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới 2018, Thái Lan xếp thứ 38 về năng lực cạnh tranh tổng thể, trong khi Việt Nam chỉ xếp thứ 77. Nhưng trong nửa đầu năm 2019, vốn FDI của Thái Lan chỉ đạt tổng cộng 4,8 tỉ USD. Con số này của Việt Nam là 18,74 tỉ USD.
Cùng với đó, mức lương tối thiểu của Việt Nam dao động từ hơn 97 nghìn đồng (4,2 USD) đến 139 nghìn đồng (6USD)/ ngày trong khi mức lương tối thiểu hàng ngày của Thái Lan là 308 baht (10U SD) - 330 baht (10,78 USD).
Ông Supant Mongkolsuthree, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, cho biết sự mạnh lên của đồng baht đang là một trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và chính phủ cần có biện pháp để giải quyết vấn đề. Trong năm nay, đồng baht đã tăng giá 6,5% so với đồng USD.