Sông Mê Kông đang 'diễn biến xấu'
Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đưa ra cảnh báo về tình trạng dòng sông này đang diễn biến xấu, khi mực nước đồng loạt giảm mạnh, nhất là từ 2 tháng gần đây.
Mực nước và dòng chảy sông Mê Kông sụt giảm mạnh từ giữa tháng 6 vừa qua. Ảnh Hoàng Thiện
|
Mực nước sụt giảm mạnh
Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam dẫn thông tin số liệu từ mạng lưới quan trắc thủy văn của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, Lào, Thái Lan cho thấy, mực nước ở tất cả các trạm quan trắc trên dòng chính sông Mê Kông đều sụt giảm mạnh, nhất là từ khoảng giữa tháng 6 vừa qua.
Cụ thể, tháng 7, tại Chiềng Sẻn (Thái Lan), mực nước và dòng chảy trung bình sụt giảm 2,89 m và 70% so với dòng chảy trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mực nước thấp kỷ lục tại đây là ngày 18.7 m, thấp hơn 3,02 m so với mức trung bình cùng kỳ, thấp hơn 0,75 m so với mực nước tối thiểu từng đo được.
Tại Vientiane (Lào), mực nước và dòng chảy trung bình sụt giảm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ là 4,47 m và 75% so với dòng chảy trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Ở Việt Nam, tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc, được ví là cửa ngõ của đồng bằng sông Cửu Long, nơi sông Mê Kông chảy vào, mực nước bắt đầu xuống thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm từ ngày 18.6 và trong tháng 7, mực nước ở hai trạm này thường xuyên thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm từ 0,8 - 2,3 m.
Tương tự, dòng chảy ở Tân Châu và Châu Đốc cũng thấp hơn dòng chảy trung bình nhiều năm tới 14.000 m3/s, giảm tới 75% dòng chảy trung bình nhiều năm cùng thời kỳ trong tháng 7 tại hai trạm này.
Lượng mưa ít, hoạt động của đập thủy điện và nhu cầu sử dụng nước tăng lên là các nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm mạnh mực nước và dòng chảy sông Mê Kông. Ảnh Nguyễn Minh Luân
|
Tình trạng sụt giảm mạnh mực nước và dòng chảy trên dòng chính sông Mê Kông diễn ra ở phạm vi toàn lưu vực, kể cả phần ở Vân Nam (Trung Quốc). Sông Mê Kông sẽ còn diễn biến theo chiều hướng xấu trong thời gian tới.
Do mưa ít, vận hành các hồ thủy điện và nhu cầu sử dụng nước tăng cao
Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra là lưu vực có ít mưa, việc vận hành các hồ thủy điện, nhu cầu sử dụng nước tăng lên. Cụ thể, lượng mưa ở Vân Nam (Trung Quốc) vào đầu mùa lũ 2019 sụt giảm bất thường so với trung bình nhiều năm (lượng mưa trong tháng 6 chỉ đạt 90% so với lượng mưa trung bình nhiều năm là khoảng 100 mm). Đặc biệt, suốt tháng 7 vừa qua, vùng này không có mưa.
Trong khi đó, tại phần giữa Lào và Thái Lan cũng có lượng mưa thấp, chỉ đạt 30 - 50% lượng mưa trung bình nhiều năm. Còn lượng mưa trên phần lưu vực của Campuchia tháng 6 vừa qua chỉ đạt 40 - 60% lượng mưa trung bình nhiều năm và sang đến tháng 7 thì lượng mưa chỉ đạt 30 - 50% lượng mưa trung bình nhiều năm.
Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam nhận định, mùa khô năm nay, lưu vực sông Mê Kông thiếu mưa rất nhiều, tổng lượng mưa chỉ đạt khoảng một nửa lượng mưa trung bình nhiều năm.
Lượng mưa sụt giảm mạnh cộng với việc vận hành các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông. Cụ thể, dòng chảy xả tháng 6 vừa qua từ đập Cảnh Hồng (đập cuối cùng của bậc thang thủy điện của Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam) vẫn ở mức khá cao là tăng khoảng 20% so với mức trung bình nhiều năm nhưng mức xả tháng 7 sụt giảm từ 20 - 60% dòng chảy xả trung bình tháng 7 nhiều năm.
Đầu tháng 7, phía Trung Quốc đã thông báo cho các quốc gia hạ du sông Mê Kông với mục tiêu để bảo dưỡng công trình, đập Cảnh Hồng sẽ giảm lưu lượng xả nước từ ngày 5 - 19.7, tương ứng giảm tới 50% lượng nước xả trung bình nhiều năm.
Việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi được cho là chưa tính toán kỹ hết tác động tiêu cực. Ảnh EBSE
|
Trong khi đó, tại Lào, hiện đã có 2 công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông bắt đầu đi vào vận hành, trong đó đập thủy điện Xayaburi với quy mô lớn hơn sẽ gây ra tác động đến chế độ dòng chảy vùng hạ lưu sông Mê Kông, nhất là trong giai đoạn hồ bắt đầu tích nước, công trình mới đi vào hoạt động.
Nhu cầu sử dụng nước gia tăng khiến các nước tích nước ở các hồ, giảm lưu lượng xả cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh mực nước sông Mê Kông.
Mùa khô khắc nghiệt tại đồng bằng sông Cửu Long
Theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, tình hình diễn biến xấu về mực nước, dòng chảy sông sẽ được cải thiệt chút ít trong thời gian tới nhưng vẫn không mấy khả quan.
Việc mực nước, dòng chảy sông Mê Kông bị sụt giảm sẽ khiến đồng bằng sông Cửu Long ở vùng hạ lưu đối mặt với một mùa khô khắc nghiệt, xâm nhập mặn tăng, mùa lũ thấp hay thậm chí không có lũ.
Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các biến động về nguồn nước sông Mê Kông ở thượng nguồn, thúc đẩy Ủy hội sông Mê Kông quốc tế và các quốc gia thành viên xây dựng mạng quan trắc khí tượng thủy văn và môi trường; xây dựng cơ chế toàn diện chia sẻ thông tin số liệu và hành động chung trong toàn lưu vực để ứng phó với các tình trạng hạn hán trong mùa khô.
Lê Quân
Thanh niên