Hai kênh bán hàng trực tuyến Alibaba và Amazon đều rốt ráo với thị trường hàng hóa Việt Nam.
Vốn là một doanh nghiệp đứng đầu thị trường thủy sản nên Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn dễ dàng thâm nhập thị trường Trung Quốc. Lãnh đạo của Vĩnh Hoàn nhận thấy thương mại điện tử đang là một kênh quảng báo thương hiệu rất hiệu quả và bán hàng khá tốt, thậm chí người tiêu dùng có tiền ở Trung Quốc cũng tin tưởng vào chất lượng của những sản phẩm đã được quảng cáo trên sàn thương mại điện tử.
Vì vậy, Vĩnh Hoàn đã bắt tay với Tmall Fresh của Alibaba đưa hàng vào Trung Quốc. Nhanh chóng sau đó, giá trị hàng hóa đã lên tới 3 triệu USD. Mặc dù không đưa ra doanh thu cụ thể của thị trường Trung Quốc, nhưng bà Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, chia sẻ các sản phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc chủ yếu là cá tra fillet đông lạnh và dự kiến sẽ tăng 20-30% sản lượng trong năm 2019.
Qua Alibaba, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang cố gắng đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc. Bà Nguyễn Huyền, Giám đốc Công ty Sản xuất nguyên liệu gia vị Đông Dương Food, chia sẻ vào năm 2008, bà đã mở tài khoản bán hàng trên Alibaba nhằm tìm kiếm đối tác mua hàng nước ngoài. Nhưng phải 3 năm sau, Công ty mới bán được đơn hàng đầu tiên qua kênh trực tuyến này.
Trường hợp của Công ty Xuất nhập khẩu Quốc Gia là một ví dụ khác. Vì chuyên cung cấp phân bón hữu cơ nên Công ty chủ yếu bán hàng qua các kênh đại lý truyền thống. Tuy nhiên, theo ông Vũ Việt Thắng, Giám đốc Công ty Quốc Gia, trước tình hình kinh doanh ngày càng gặp nhiều khó khăn, Công ty chuyển hướng xây dựng hệ thống marketing và bán hàng online. Đó cũng là lý do vì sao ông Thắng tìm đến sàn thương mại điện tử Fado để nhờ kết nối với Alibaba.
Ông Phạm Đạt, Tổng Giám đốc Fado, cho biết theo thống kê được Alibaba và Fado thực hiện, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở tài khoản trên Alibaba nhưng chỉ khoảng 2.000 doanh nghiệp thực sự đầu tư cho kênh bán hàng này, còn lại chỉ dừng ở bước mở tài khoản. Theo ông Đạt, con số này còn quá khiêm tốn so với tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam, nguyên nhân đến từ nhiều rào cản mà các doanh nghiệp gặp phải khi tham gia vào sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Alibaba.com là sàn thương mại điện tử có hệ sinh thái lên đến 260 triệu doanh nghiệp mua hàng tại 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Alibaba đạt gần 56 tỉ USD doanh thu và 12 tỉ USD thu nhập ròng trong năm tài chính gần nhất. Vì vậy, mặc dù tham gia vào Alibaba gặp nhiều khó khăn nhưng nếu đã vào được thì lợi thế cũng rất lớn. Theo bà Tâm, trở thành nhà cung cấp cá tra cho Alibaba giúp Vĩnh Hoàn khẳng định vị thế về bán hàng chất lượng cao vào thị trường này, tạo tiền đề để các nhà phân phối, nhà nhập khẩu mua hàng của Vĩnh Hoàn.
Trong các kênh phân phối ở Trung Quốc, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhấn mạnh thương mại điện tử là kênh đang phát triển mạnh. Trong đó, thủy hải sản cũng thuộc nhóm ngành được người tiêu dùng mua online nhiều trên các website. Tính từ năm 2013-2017, Trung Quốc đã nhập hơn 8 tỉ USD thủy sản các loại, trung bình đạt 3 triệu tấn sản phẩm mỗi năm. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt hơn 1,5 tỉ USD.
Trên website của Alibaba, sản phẩm cá tra được bán trên Alibaba phổ biến nhất là cá tra fillet với giá khoảng 1.130-1.460 USD/tấn, số lượng thấp nhất cho mỗi đơn hàng là khoảng 25 tấn. Ngoài ra, các sản phẩm cá tra khác của Việt Nam cũng được chào bán trên sàn thương mại điện tử này với giá 2-3 USD/kg với số lượng tối thiểu là 1 tấn.
Ngoài thủy sản, nông sản của Việt Nam cũng được trang điện tử Alibaba đăng tải như các dòng sản phẩm của Công ty Vinamit cũng có mặt khá nhiều trên Alibaba và tạo được uy tín với người tiêu dùng tại Trung Quốc. Theo ông Steven Zheng, chuyên gia đào tạo về thương mại điện tử đến từ Alibaba.com, Việt Nam đang được xem là điểm sản xuất mới của thế giới với nhiều sản phẩm chất lượng cao, đặc biệt là nhóm thủ công mỹ nghệ, nông sản, may mặc. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ vừa đưa hàng lên sàn thương mại điện tử đã có ngay một vài đơn hàng sỉ. Trong đó, không ít doanh nghiệp nhỏ có đơn hàng qua sàn lên đến 500.000USD.
“Căng thẳng thương mại với Mỹ, các rào cản về thuế, kiểm tra hàng hóa được dựng lên, khá nhiều nhà thu mua đến từ Mỹ hay châu Âu đã chuyển hướng lên nền tảng này để tìm kiếm các nhà cung ứng từ Việt Nam. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt”, ông Steven Zheng cho biết.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Công Thương, cho biết theo xu hướng toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành một kênh quan trọng cho xuất khẩu. Hiện nay, có 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến.
Xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử có nhiều lợi thế như tăng hiệu quả tiếp cận, marketing đến khách hàng, giảm thời gian chuyển hàng, đặc biệt lợi nhuận có thể tăng gấp 3 lần so với cách xuất khẩu truyền thống.
Ngoài Alibaba, doanh nghiệp Việt Nam cũng tìm kênh bán hàng qua Amazon. Bởi vì, với 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng, hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến 185 quốc gia và khu vực, Amazon có thể trở thành đối tác của các doanh nghiệp đang có chiến lược tìm đơn hàng xuất khẩu qua nền tảng trực tuyến. Ông Bernard Tay, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á và Úc của Amazon Global Selling, cho biết, thông qua xuất khẩu trực tuyến, Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng may mặc, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ... Doanh thu năm 2017 của Amazon là hơn 200 tỉ USD với 300 triệu người mua hàng.
Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3.300 tỉ USD trong 2 năm tới. “Xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới là tất yếu và ngày càng trở thành kênh quan trọng cho việc xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, nhận định.