Quỹ ngoại PYN Elite: Tổng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục sẽ hỗ trợ VNĐ ổn định
Kể từ đầu năm đến cuối tháng 7/2019, thặng dư thương mại của Việt Nam là 1.8 tỷ USD. Thêm nữa, lượng FDI giải ngân tăng 7.1% đã góp phần trong việc nâng tổng dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên mức kỷ lục 68 tỷ USD. Theo quỹ ngoại PYN Elite, điều này chắc chắn sẽ hỗ trợ VNĐ ổn định trong thời gian tới.
Trong tháng 7 vừa qua, chỉ số VN-Index tiến sát ngưỡng 1,000 điểm và thanh khoản có phần cải thiện. Giá trị giao dịch hàng ngày tăng 4.2% so với tháng trước lên mức 178 triệu USD. Trong tháng 7/2019, VN-Index tăng 4.4%, trong khi danh mục của quỹ ngoại PYN Elite chỉ tăng 2.2% nhờ chủ yếu vào MWG (tăng 15.1%), VEA (tăng 5.5%) và BIC (tăng 24.7%).
Tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của Quỹ vào cuối tháng 7/2019 tăng lên mức 7%, từ mức 6% đầu tháng.
Tỷ trọng tiền mặt và cổ phiếu trong danh mục PYN Elite
Nguồn: PYN Elite
|
Danh sách 10 cổ phiếu hàng đầu của PYN cũng có những thay đổi cần lưu ý trong tháng 7 vừa qua.
Danh sách các khoản đầu tư lớn nhất của PYN
Nguồn: PYN Elite
|
Cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục của PYN là MWG. MWG vừa công bố kết quả sơ bộ trong nửa đầu năm 2019 với doanh thu tăng 16%, trong khi lãi ròng tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mức tăng trưởng lãi ròng của MWG lên đến 48% tính riêng trong quý 2/2019 và 29% trong quý 1/2019, khi Công ty hoạt động ngày càng hiệu quả và doanh thu vẫn tăng trưởng tốt đẹp. Trên thị trường chứng khoán, MWG đang từng bước đi lên các mức cao mới, theo đó tỷ trọng cổ phiếu này trong danh mục PYN cũng tăng từ 17.15% cuối tháng 6/2019 lên mức 18.46% vào cuối tháng 7/2019.
2 cổ phiếu có tỷ trọng thay đổi đáng kể trong danh sách những khoản đầu tư lớn nhất của Quỹ là VEA và CEO. Vào thời điểm cuối tháng 6/2019, tỷ trọng của VEA và CEO trong danh mục Quỹ lần lượt là 6.69% và 2.42%, đến cuối tháng 7/2019 là 7.6% và 3.74%.
Thị trường “hú vía” vì chiến tranh thương mại
Tháng 7 đánh dấu thời điểm khởi đầu của mùa công bố báo cáo tài chính quý 2/2019. Cuối tháng 7, đã có đến 628 công ty (chiếm 32% vốn hóa thị trường) công bố báo cáo tài chính. Xét chung, tăng trưởng doanh thu và lãi ròng so với cùng kỳ năm trước khá tốt, ở mức 6.4% và 13%. Nhờ đó, giá cổ phiếu cũng được hỗ trợ tích cực.
Tuy nhiên, thị trường có một phen "hú vía" vào cuối tháng 7/2019, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo áp thêm thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bất ổn gia tăng khiến chứng khoán toàn cầu đi lùi và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Bức tranh vĩ mô vẫn tươi sáng
Bức tranh vĩ mô của Việt Nam vẫn tươi sáng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2019 tăng 2.44% so với cùng kỳ năm trước, nếu tính trung bình trong 7 tháng đầu năm 2019 thì con số này là 2.61%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Chỉ số PMI của Việt Nam phục hồi lên mức 52.6 trong tháng 7/2019, mặc dù PMI của các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan vẫn duy trì ở các mức điểm số thể hiện sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất (dưới 50).
Theo ước tính của GSO, Việt Nam có thặng dư thương mại 200 triệu USD trong tháng 7/2019 và tính từ đầu năm 2019 thì thặng dư đến 1.8 tỷ USD. Thêm nữa, lượng FDI giải ngân tăng 7.1%, nhờ đó góp phần nâng tổng dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên mức kỷ lục là 68 tỷ USD. Theo PYN, điều này chắc chắn sẽ hỗ trợ VNĐ ổn định trong thời gian tới, nhất là khi tỷ giá USD/CNY rớt ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD vào ngày 07/08/2019.
Thừa Vân - Vũ Hạo
FILI
|