Thứ Hai, 15/07/2019 17:22

“Buồn” về MSCI, VinaCapital vẫn lạc quan về tiềm năng hút vốn ngoại của chứng khoán Việt

Tổng kết bán niên 2019, VOF - VinaCapital đặt cược lớn vào nhóm ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng và NAV của Quỹ đánh mất 0.5% giữa bối cảnh VN-Index đã tăng 6.43%. Về môi trường kinh tế đầu tư, VOF bày tỏ lo ngại rằng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam và vấn đề hàng hóa của “người láng giềng” này mượn đường sang Mỹ.

Khi nhà đầu tư trông chờ kết quả tích cực từ cuộc gặp Trump-Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 (Nhật Bản) vào cuối tháng 6/2019, thị trường trên khắp thế giới tăng điểm tích cực, trong đó chỉ số các thị trường mới nổi và S&P 500 tăng lần lượt 5.7% và 6.9%. Tuy vậy, chứng khoán Việt lại thụt lùi khi chỉ số VN-Index giảm 0.6% trong tháng 6/2019. Tổng kết 6 tháng đầu năm, VN-Index đạt mức tăng 6.43%.

Môi trường thương mại của Việt Nam cho thấy thêm chỉ báo lạc quan, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), theo đó sẽ loại bỏ gần như 100% hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Việt được xuất khẩu sang EU. Việc giảm thuế sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho hàng Việt so với hàng hóa từ Trung Quốc và các quốc gia ASEAN khác.

Về thị trường chứng khoán, VOF nhận định rằng vai trò của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng lớn tại Việt Nam và phần lớn khối ngoại vẫn đang trông chờ tín hiệu lãi suất từ cuộc họp tháng 7/2019 của Fed. Kết quả cuộc họp sẽ ảnh hưởng tới “khẩu vị” rủi ro của giới đầu tư đối với thị trường mới nổi, cận biên nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng. Giới đầu tư tin chắc rằng Fed sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 7/2019.

Đợt đánh giá xếp hạng thị trường của MSCI trong tháng 6/2019 cho ra kết quả rằng Việt Nam thêm lần nữa chưa lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị tường mới nổi. MSCI dự kiến nâng bậc Kuwait lên thị trường mới nổi vào tháng 6/2020, song còn tùy vào việc điều chỉnh quy định hiện tại của Kuwait. Mặc dù không có gì chắc chắn, nhưng nếu Kuwait được nâng hạng thì tỷ trọng của Việt Nam sẽ lên mức cao nhất trong rổ thị trường cận biên (có khả năng là 30%), so với mức 15-18% của hiện tại có được sau khi Argentina được nâng lên thị trường mới nổi vào tháng 6/2019.

VOF tổng kết nửa đầu năm 2019 với hiệu suất -0.5% (NAV/chứng chỉ quỹ). Quỹ vẫn tập trung phần lớn danh mục vào các khoản đầu tư là cổ phiếu niêm yết (tỷ trọng 69%). Về cơ cấu chia theo ngành, VOF ưa thích nhóm ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng; các ngành này chiếm tổng tỷ trọng lên đến 34.4% danh mục đầu tư.

Nguồn: VOF

Trong danh sách 10 khoản đầu tư lớn nhất của VOF có 3 cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng là HPG (tỷ trọng 11.4%), KDH (9.2%) và CTD (2.7%). Trong đó, tỷ trọng đầu tư vào CTD đã giảm đáng kể so với mức 3.9% vào thời điểm đầu năm 2019.

Nguồn: VOF

Ngoài ra, so với đầu năm thì top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VOF có sự “rời đi” của POW và thay thế là OCB (tại vị trí thứ 10).

Lo ngại hàng Trung Quốc mượn đường sang Mỹ

Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm xuống mức 6.76% trong 6 tháng đầu năm 2019, thấp hơn mức 7.1% cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất giảm tốc từ 13% xuống 11% do sản lượng điện thoại thông minh ước tính giảm 10%. Các chuyên viên phân tích ngành này tin rằng thị trường điện thoại thông minh đã chạm tới đỉnh, giữa bối cảnh doanh số điện thoại thông minh toàn cầu giảm 7% trong quý 1/2019, theo IDC.

VOF cũng lưu ý rằng Samsung có lẽ đang đóng góp hơn 10% sản lượng sản xuất và chế tạo của Việt Nam.

Dù vậy, chỉ số PMI Việt Nam lại tăng từ mức 52 (tháng 5/2019) lên 52.5 trong tháng 6/2019, nhờ số lượng đơn hàng mới tăng lên đỉnh 6 tháng. VOF cho biết, Việt Nam nằm trong số một vài quốc gia có chỉ số PMI trên ngưỡng 50 (ngưỡng ranh giới giữa tăng trưởng và thu hẹp) và cũng thuộc số ít quốc gia có PMI tăng trưởng trong tháng 6/2019.

VOF lo ngại sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể tác động tới Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ ở mức 1%, quá thấp so với mức 28% của cùng kỳ năm trước, điều này là do hàng điện thoại di động xuất khẩu sang Trung Quốc giảm tới 46%. Tổng thể, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7%, giảm từ mức 16% của cùng kỳ năm trước. Do đó, thặng dư thương mại của Việt Nam giảm từ 3% GDP (6 tháng đầu năm 2018) xuống gần 0% GDP trong nửa đầu năm 2019.

Trong khi đó, vào 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu từ Việt Nam tới Mỹ lại tăng vọt 27% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc cũng tăng 22%. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng các công ty đang nhập khẩu hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam và sau đó xuất khẩu lại sang Mỹ để né tránh những hàng rào thuế quan. Những lo ngại này càng dâng cao khi đối diện những nhận định của Tổng thống Donald Trump, khi ông cho rằng Mỹ đang bị Việt Nam lợi dụng về mặt thương mại. Mặc dù thế, VOF không cho rằng Việt Nam sẽ bị Mỹ áp hàng rào thuế quan vì một vài lý do, trong đó có lý do địa chính trị. Thị trường dường như cũng đồng tình, điều này được thể hiện qua việc tiền đồng của Việt Nam tăng giá 0.6% trong tháng 6/2019.

Chỉ số CPI giảm từ mức 4.7% trong tháng 6/2018 xuống 2.2% trong tháng 6/2019, khi giá dầu ổn định trở lại và giá thực phẩm rớt mạnh từ 5% xuống 2% trong tháng 6/2019. Dịch tả heo châu Phi khiến giá thịt heo giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng VOF nhận định giá thịt heo chắc chắn sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2019 khi gần 10% lượng heo Việt Nam đã bị tiêu hủy để ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Việt Nam tiếp tục chứng kiến số lượng lớn khách du lịch quốc tế, mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2019 con số này ghi nhận mức tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nửa đầu năm 2018 tăng trưởng tới 27%. Đà giảm 6% đối với lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn tới việc các con số tăng trưởng chậm lại. VOF lưu ý rằng khách du lịch nước ngoài đóng góp hơn 10% doanh số bán lẻ của Việt Nam. Tuy nhiên, tăng trưởng thực tế của doanh số bán lẻ tại Việt Nam về cơ bản không thay đổi, khi ghi nhận ở mức gần 9% trong cả nửa đầu các năm 2018 và 2019, nhờ sự lạc quan của người tiêu dùng trong nước.

Thừa Vân - Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   Quỹ đầu tư mua bán sôi động (15/07/2019)

>   VNM ETF lại mua ròng (14/07/2019)

>   Quỹ ngoại PYN Elite vẫn lãi khi thị trường biến động “hình sin” (10/07/2019)

>   Quỹ đầu tư diễn “tuồng cũ”  gom VNM (08/07/2019)

>   VNM ETF mua ròng trở lại (07/07/2019)

>   Quỹ chuyên đánh game nâng hạng đón tháng 6 tệ nhất, vẫn lạc quan về Việt Nam (05/07/2019)

>   Quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF giao dịch trở lại (02/07/2019)

>   Gần 18 triệu USD được bơm vào VNM ETF (02/07/2019)

>   Quỹ đầu tư nghiêng về bên bán (01/07/2019)

>   Quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF giao dịch cổ phiếu Việt ra sao sau kết quả review từ MSCI? (26/06/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật