Chứng khoán Việt thường ảm đạm vào nửa cuối năm, các quỹ đầu tư sẽ tiếp tục gặp khó?
So với thành tích tăng điểm của VN-Index trong bán niên 2019, các quỹ đầu tư lớn như VOF - VinaCapital, VEIL - Dragon Capital và PYN Elite Fund “dậm chân tại chỗ”, một phần vì thiếu vắng các cổ phiếu “họ Vin” trong danh mục. Khoảng thời gian tới có thể còn khó khăn hơn với các quỹ, khi nửa cuối năm thường là “giai đoạn thấp điểm” của chỉ số VN-Index.
Giữa những căng thẳng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, các chỉ số chứng khoán của 2 quốc gia này vẫn có được các mức tăng điểm lớn kể từ đầu năm 2019. Thị trường cổ phiếu của các quốc gia Đông Nam Á - vốn là các nước được kỳ vọng hưởng lợi từ thương chiến - lại có thành tích kém hơn hẳn so với thị trường cổ phiếu tại 2 quốc gia đối đầu trực tiếp là Mỹ và Trung Quốc (xét trên thành tích của các chỉ số đại diện).
Nguồn: IndexQ, Vietstock tổng hợp
|
Riêng trong bán niên 2019, VN-Index đã tăng 6.43%, chủ yếu nhờ những diễn biến tích cực trong khoảng thời gian từ đầu năm đến giữa tháng 3 (kết phiên 18/03/2019 tại mốc 1,011.86 điểm). Kể từ đó, chỉ số này trải qua nhiều biến động.
Mức tăng 6.43% kể trên tuy là tốt hơn nhiều so với thành tích cùng kỳ của năm 2018, nhưng không hề nổi bật khi so sánh với các con số quá khứ của VN-Index trong các nửa đầu năm.
Dù vậy, chừng đó là đủ để VN-Index “ngồi chiếu trên” khi so sánh với thành tích các quỹ đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam. 3 quỹ đầu tư lớn nhất trong số những cái tên được xét đến là VEIL, VOF, PYN đều bị chỉ số tham chiếu chung bỏ xa sau khi kết thúc bán niên 2019.
* “Buồn” về MSCI, VinaCapital vẫn lạc quan về tiềm năng hút vốn ngoại của chứng khoán Việt
* Quỹ ngoại PYN Elite vẫn lãi khi thị trường biến động “hình sin”
* Quỹ lớn nhất của Dragon Capital tăng “đặt cược” vào VHM
Đáng chú ý, VOF - VinaCapital gần đây thừa nhận rằng thành tích từ đầu năm 2019 của quỹ này bị kìm đi ít nhiều vì không nắm giữ cổ phiếu VIC. Còn VEIL - quỹ đầu tư lớn nhất thuộc Dragon Capital đã tăng “đặt cược” vào một cổ phiếu “họ Vin” khác là VHM trong quý 2/2019, ngay giữa giai đoạn suy giảm của cổ phiếu này.
Đối với PYN, danh sách 10 khoản đầu tư lớn nhất vào thời điểm cuối tháng 6/2019 không hề có sự góp mặt của cổ phiếu “họ Vin” nào.
Với việc nhóm “họ Vin” chiếm tỷ trọng cao trong thành phần chỉ số VN-Index thì thành tích tương quan giữa các quỹ đầu tư có quy mô lớn so với chỉ số tham chiếu cũng ít nhiều phụ thuộc vào việc các quỹ có hay không nắm giữ nhóm cổ phiếu này. Hơn nữa, xét trong khoảng bán niên 2019, các cổ phiếu VIC, VHM, VRE cũng có thành tích tốt hơn đáng kể so với VN-Index.
Thành tích của nhóm cổ phiếu “họ Vin” so với VN-Index kể từ đầu năm 2019
|
“Ngửi khói” VN-Index trong bán niên 2019, các quỹ đầu tư có thể sẽ còn khó khăn hơn trong thời gian tới, khi mà nửa cuối năm vẫn thường là khoảng thời gian ảm đạm của thị trường cổ phiếu Việt Nam.
Cụ thể, theo thống kê của Vietstock, trong một giai đoạn dài từ 2006-2018, chỉ có duy nhất 2 năm là 2008 và 2017 là thành tích của VN-Index trong nửa cuối của năm tốt hơn so với những gì đạt được trong nửa đầu.
Đáng chú ý, 2008 là năm thị trường Việt Nam chứng kiến cú rơi lịch sử và 2017 là năm mà giới đầu tư Việt trải qua một thị trường “con bò” đúng nghĩa.
Thừa Vân
FILI
|