Thứ Ba, 20/08/2019 21:54

Ngôi làng nghèo ở Indonesia xem rác thải như kho báu

Nhiều quốc gia trên thế giới đang đau đầu trong việc xử lý rác thải nhựa để tránh gây hại cho môi trường. Thế nhưng, tại một ngôi làng nghèo ở Indonesia, rác là tài nguyên quý giá.

Khuôn mặt phong trần, nụ cười hớn hở, Keman - một người nhặt rác 52 tuổi - hào hứng kể lại cho phóng viên AFP biết công việc này đã giúp anh trả tiền học phí của con cái mình như thế nào.

Nhiều quốc gia đang đau đầu với việc xử lý rác thải nhựa nhằm để không gây hại cho tự nhiên. Nhưng đối với Bangun, một ngôi làng hẻo lánh nằm ở đảo Đông Java (Indonesia) thì những núi rác chất đống chính là nguồn tài nguyên dồi dào để khai thác.

Keman giữa "biển" rác ở làng Bangun. Ảnh: AFP

“Tôi có 3 đứa con, tất cả chúng đều học đại học. Việc nhặt rác đã giúp tôi trang trải chi phí cho chúng”, Keman tự hào khoe với AFP.

Siêu lợi nhuận từ rác

Sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu rác nước ngoài từ đầu năm 2019, rác thải nhựa lại tăng lên đáng kể ở Bangun, phần lớn đến từ Mỹ, Anh, Bỉ, và Trung Đông.

Nhập khẩu chất thải nhựa ở Indonesia đã tăng vọt trong vài năm qua, từ 10.000 tấn/tháng vào cuối năm 2017 lên 35.000 tấn/tháng vào cuối 2018.

Khoảng 40 chiếc xe tải ồ ạt tiến vào Bangun mỗi ngày để đổ rác cạnh nhà người dân địa phương, hay trên những cánh đồng rộng lớn, nơi chứa đầy những ngọn núi rác đôi khi cao hơn cả mái nhà. Và dân làng Bangun bới rác bằng đôi bàn tay trần, cào và xẻng.

Trong nhiều năm gần đây, gần 70% dân làng Bangun đã không ngại nắng nóng gay gắt, nhúng chân sâu vào các bãi rác để thu gom, phân loại, và bán lại chai, giấy gói, cốc nhựa cho những công ty địa phương.

Khoảng 40 chiếc xe tải ồ ạt tiến vào Bangun mỗi ngày để đổ rác cạnh nhà người dân địa phương. Ảnh: Channel NewsAsia

Bao quanh bởi những núi chất thải, Pumisna dùng đôi bàn tay đầy bụi bẩn để phân loại những mảnh nhôm, chai nhựa. Công việc này đem lại Pumisna vài USD mỗi ngày, nhưng có lúc cô kiếm được những tờ tiền USD, euro, hay bảng Anh nhàu nát bị lẫn vào đống rác.

“Tôi đang kiếm tiền để sắm sửa, mua thức ăn và trả học phí cho con mình”, Pumisna vừa chia sẻ, vừa ngồi dưới hiên nhà dột nát và chia rác vào các thùng container.

Lãnh đạo địa phương, ông Ikhsan, phủ nhận việc ngành công nghiệp rác của ngôi làng đang ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng. Ông chia sẻ rằng những loại rác không thể tái chế sẽ được chuyển đến các xưởng chế biến đậu phụ gần đó để làm chất đốt.

“Những núi rác đem đến lợi nhuận vô cùng lớn cho người dân chúng tôi và giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương”, Ikhsan nhận định.

Mặt trái của “kho báu” rác thải

Ngược lại với bức tranh kinh tế tươi sáng, các nhà hoạt động môi trường đã vẽ ra một viễn cảnh khác. Theo đó, rác nhựa không thể tái chế sẽ được các nhà máy đốt vào ban đêm, thổi làn khói độc đi khắp ngôi làng. Trong khi đó, những mảnh nhựa siêu nhỏ sẽ lẫn vào nguồn nước sinh hoạt của người dân, gây hại đến sức khỏe.

Theo tổ chức Greenpeace, tình hình tại Indonesia đang “tồi tệ hơn” bởi ảnh hưởng xấu của rác thải đến môi trường và sức khỏe người dân.

Indonesia là quốc gia gây ô nhiễm biển lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Nước này đã cam kết sẽ giảm 70% nguồn rác thải đổ ra biển vào năm 2025.

“Điều này sẽ cực kỳ tốn kém cho hệ thống y tế cũng như thế hệ con em chúng ta trong việc khắc phục hậu quả của sự ô nhiễm và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên”, nhà hoạt động môi trường danh tiếng Prigi Arisandi nhận định.

“Không chỉ Bangun, hơn 5 ngôi làng khác ở đảo Đông Java đang tham gia vào ngành công nghiệp rác thải”, Arisandi bổ sung.

Những nhà hoạt động môi trường cho rằng hoạt động khai thác rác thải nhựa đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân địa phương. Ảnh: Channel NewsAsia

Chính phủ Indonesia đã tăng cường giám sát chất thải nhập khẩu trong những tháng gần đây để chống lại việc dần trở thành bãi rác quốc tế. Họ đã gửi lại cho Pháp, Australia, Mỹ và Hong Kong những container vi phạm các quy tắc xuất nhập khẩu rác thải sinh hoạt.

Một số địa phương khác của quốc gia này tập trung hơn vào chất thải nhựa. Hành khách có thể sử dụng nhựa có thể tái chế để đổi lấy vé xe bus miễn phí ở Surabaya, thành phố lớn thứ 2 Indonesia. Đảo Bali, điểm nóng du lịch quốc gia, đã ban hành lệnh cấm sử dụng loại nhựa không thể tái chế.

Nhưng quan điểm của dân làng Bangun thì hoàn toàn ngược lại. “Rác là kho báu tại đây”, Keman nói.

Minh Đức

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Nhà sáng lập cảnh báo Huawei đang ở thời điểm sống còn (20/08/2019)

>   Liên đoàn kinh doanh Ấn Độ kêu gọi áp thuế 500% lên hàng hóa Trung Quốc (20/08/2019)

>   Dòng tweet của ông Trump gây thiệt hại kinh tế hơn thuế nhập khẩu (20/08/2019)

>   Mỹ thêm 46 công ty liên kết của Huawei vào danh sách đen (20/08/2019)

>   Apple đầu tư 6 tỉ USD ứng dụng xem phim, cạnh tranh với Netflix (20/08/2019)

>   Bị “vạ lây” từ thương chiến Mỹ-Trung, 487 doanh nghiệp bị hạ bậc tín nhiệm (19/08/2019)

>   Ông Trump: CEO Apple sợ đánh mất lợi thế vào tay Samsung vì hàng rào thuế quan (19/08/2019)

>   Công ty Trung Quốc phải chuẩn bị cho chặng đường dài vì thương chiến có thể kéo dài 10 năm (19/08/2019)

>   Tỷ lệ ủng hộ Trump suy giảm (19/08/2019)

>   Mỹ phải bỏ ra bao nhiêu nếu muốn mua Greenland? (19/08/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật