Công ty Trung Quốc phải chuẩn bị cho chặng đường dài vì thương chiến có thể kéo dài 10 năm
Nhà nhập khẩu trái cây có công ty tại Thượng Hải, Lucas Liu, đang phải hứng chịu “mưa đạn” từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Các loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ, ví dụ như cherry, đã đội giá lên gần gấp đôi, khiến ông Liu phải giảm bớt lượng hàng đặt mua từ Mỹ.
Ông Liu, người nhập khẩu các loại trái cây như cherry, táo, cam, mận khô và mận tươi từ Mỹ về Trung Quốc, vẫn đang tiếp tục nhập hàng từ Mỹ để duy trì mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp – nhưng ông cũng đang tìm kiếm các nguồn nhập hàng khác.
Tháng 8 này, ông dự định làm một chuyến đi đến Uzbekistan để tiếp cận các đồn điền trồng cherry ở đây.
“Tôi đang nhập về ít hàng hơn hẳn so với năm ngoái (2018), nhưng tôi sẽ không chấm dứt việc mua hàng từ các nhà cung cấp Mỹ”, ông Liu cho biết. “Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Trung Á đã nhanh chóng bị thiếu hụt nguồn hàng khi là các nhà cung cấp thay thế”.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã ép các đại lý và nhà sản xuất ở Trung Quốc phải đa dạng hóa thị trường của họ, không có dấu hiệu nào cho thấy sắp có giải pháp giải quyết tranh chấp khi cuộc chiến này đã kéo dài sang năm thứ hai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải)
|
Quyết định đi sang phía Tây để tìm kiếm nguồn hàng của ông Liu được thúc đẩy bởi chiến lược kinh tế hướng về phía Tây của Bắc Kinh: Sáng kiến “Một vành đại, Một con đường” được thiết kế nhằm mục đích kết nối Trung Quốc với châu Âu và châu Mỹ thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng xuyên lục địa. Là một phần của Sáng kiến, các thương nhân có thể được lợi từ thủ tục hải quan hợp lý khi làm ăn với những quốc gia là thành viên của Vành đai và Con đường.
Đó quả là một triển vọng hấp dẫn đối với những thương nhân như ông Liu, những người đang phải hứng chịu chi phí gia tăng từ nơi khác.
“Thuế quan cao, còn thị trường thì bất ổn vì chiến tranh thương mại”, ông Liu nói. “Chúng tôi buộc phải cân nhắc những lựa chọn khác. Vùng Trung Á có lực lượng lao động giá rẻ và khí hậu tốt, cũng gần với Trung Quốc, nên có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển và lưu trữ”.
Ngay cả những người lạc quan nhất cũng xem việc Mỹ và Trung Quốc tiến đến thỏa thuận là một khả năng xa vời sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thả một tin chấn động bằng việc thông báo sẽ áp thêm 10% thuế quan lên lô hàng trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 01/09/2019.
Vào ngày thứ Sáu (09/08) và trong suốt những ngày cuối tuần vừa qua, ông Trump lần nữa khoe Trung Quốc “rất” muốn tiến đến thỏa thuận bởi vì hàng ngàn công ty nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc, nhưng ông Trump còn nói rằng ông chưa sẵn sàng ký kết thỏa thuận với Bắc Kinh. Các quan chức Trung Quốc thì cảnh báo họ đã chuẩn bị trả đũa nếu lời đe dọa áp thuế quan của ông Trump được thực hiện.
Mặc dù Trung Quốc không thể trả đũa Mỹ bằng cách tăng thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Mỹ, nhưng quốc gia này vẫn có thể gây thiệt hại cho lợi ích của các công ty Mỹ “theo cách mà thậm chí có thể gây nhiều thiệt hại hơn cả thuế quan”, theo Stephen Olson, Nghiên cứu viên tại Hinrich Foundation – một tổ chức có trụ sở tại châu Á chuyên nghiên cứu về thúc đẩy thương mại toàn cầu bền vững.
Ông Olson nói rằng Trung Quốc có thể tăng rào cản pháp lý để khiến các công ty Mỹ phải “đau đầu”, ví dụ như kéo dài quy trình kiểm tra hải quan, kiểm tra giấy tờ nghiêm ngặt hơn, độ an toàn thận trọng hơn và khiến việc cấp giấy phép tốn nhiều thời gian hơn; hơn nữa, Trung Quốc còn có thể sử dụng “danh sách đen không đáng tin mấy” của họ để hạn chế cơ hội quảng cáo của các công ty Mỹ tại Trung Quốc.
Sự thù địch đang ngày càng gia tăng giữa hai quốc gia trên nhiều mặt trận vì cả hai bên đụng độ nhau ở nhiều khía cạnh từ kinh tế, công nghệ, cho đến quân sự, những vấn đề như quyền con người cũng nằm trong những căng thẳng – có thể kể đến việc Chính phủ Trung Quốc giam giữ nhiều người dân tộc thiếu số Hồi giáo tại các trại tập trung ở Tân Cương, một khu vực xa xôi ở phía tây Trung Quốc, và cách mà họ xử lý các cuộc biểu tình chống Chính phủ ở Hồng Kông.
Cuộc chiến thương mại đã làm tổn thương đến tăng trưởng kinh tế chung của Trung Quốc. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng ở mức 6.2% trong quý 2/2019, là mức tăng yếu nhất trong vòng 27 năm trở lại đây. Tỷ lệ xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 06/2019 giảm 7.8% so với cùng kỳ năm 2018, đây cũng là tháng đầu tiên phản ánh đầy đủ tác động từ việc Mỹ tăng thuế quan từ 10% lên 25% đối với lô hàng trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc vào tháng 05/2019 như một hành động đáp trả của Mỹ đối với việc đàm phán thương mại bị sụp đổ.
Với sự sụt giảm lớn hơn trong lĩnh vực nhập khẩu từ Mỹ, giảm 31.4% trong tháng 6/2019, Trung Quốc vẫn còn thặng dư thương mại đối với Mỹ, thặng dư thương mại đã tăng từ 26.9 tỷ USD vào tháng 5/2019 lên đến 29.9 tỷ USD trong tháng 6.
Nền kinh tế Mỹ cũng bị chậm lại trong quý 2/2019, nhưng GDP vẫn tăng 2.1 %, cao hơn một chút so với mức dự kiến là 2%.
Mặc dù bị áp lực kéo xuống nhưng năng suất kinh tế chung của Washington vẫn tốt hơn so với Bắc Kinh, một Nhà cố vấn của Chính phủ Trung Quốc cho biết.
“Đây cũng là phép thử để xem nền kinh tế nào có thể trụ vững lâu hơn, Trung Quốc hay Mỹ”, vị cố vấn trên cho biết – ông yêu cầu được ẩn danh bởi vì tính chất nhạy cảm của vấn đề.
Theo ước tính của Louis Kujis, Chuyên gia kinh tế của công ty Oxford Economics tại Thượng Hải, một khi lời đe dọa áp 10% thuế quan mới nhất của ông Trump được thực hiện thì tăng trưởng kinh tế chung của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2019 có thể bị giảm 0.1% và sẽ giảm thêm 0.2% nữa trong năm 2020.
“Việc Mỹ áp thêm thuế quan sẽ làm tăng áp lực đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng chắc chắn vẫn chưa đủ để khiến Bắc Kinh phải hoảng loạn”, ông Kujis nói.
“Vẫn còn cơ hội để nới lỏng một số chính sách bổ sung, việc này rất có khả năng nếu xét theo góc nhìn của một nhà hoạch định chính sách. Tất nhiên, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, cùng với các biện pháp ăn miếng trả miếng, tác động có thể trở nên nghiêm trọng hơn nữa”.
Lu Xiang, Nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề của Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận thấy tâm lý của các doanh nghiệp Trung Quốc trở nên bình tĩnh đến không ngờ trong các cuộc trò chuyện gần đây của ông với các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng phía đông tỉnh Chiết Giang, một trong những trung tâm kinh tế của Trung Quốc.
“Viễn cảnh xấu nhất đối với họ là lợi nhuận bị suy giảm”, ông Lu nói. “Họ rất bình tĩnh khi đối mặt với tình hình hiện tại và không có kế hoạch sa thải nhân viên – chỉ giảm thêm giờ làm việc. Các nhân viên cũng cảm thấy rằng đây là cơ hội tốt để nghỉ ngơi sau nhiều năm phải làm việc quá sức”.
Ông Lei Congrui – Nhà sản xuất đồ lót ở Liên Vân Cảng, thành phố cảng ở tỉnh Giang Tô, lân cận Chiết Giang – cũng đồng tình với ý kiến trên. Việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ vốn chiếm đến 40% trong tất cả công việc kinh doanh của ông.
“Tôi không hy vọng chiến tranh thương mại kết thúc đột ngột hoặc kết thúc sớm”, ông Lei nói, ông cũng là người dự đoán sự bất ổn và các căng thẳng Mỹ-Trung sẽ kéo dài ít nhất 10 năm. “Tôi đã đưa ra quyết định sản lượng dựa trên những viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra”.
Ông Lei còn nói ông đã hạ bớt 10% giá bán đối với các đối tác người Mỹ để giảm bớt tác động của thuế quan cao, “tôi đang cố tìm sự cân bằng giữa chúng tôi và các nhà phân phối Mỹ”.
Ông Lei chia sẻ rằng cụm công nghiệp dệt may của Trung Quốc có ý nghĩa đối với toàn thế giới và điều đó đã giúp ngành công nghiệp này được bảo vệ trước việc áp thêm thuế quan, nhưng các nhà sản xuất với sức xuất khẩu lớn hơn sang thị trường Mỹ có khả năng sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn.
“Chúng tôi không vội vàng cắt giảm doanh số bởi vì việc đó sẽ làm ảnh hưởng đến sản lượng, nhưng giá bán có thể điều chỉnh được”, ông Lei nói. “Chúng tôi khá linh hoạt và có thể nhanh chóng đáp ứng các đơn đặt hàng nhỏ”.
“Mỹ là thị trường quan trọng nhưng thị trường đó không phải là tất cả. Chúng tôi đã coi việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ như một thị trường phi lợi nhuận nhưng chúng tôi vẫn sẽ duy trì việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đồng thời mở rộng sang các thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Thị trường nội địa Trung Quốc cũng là có tiềm năng rất lớn”.
Mỹ rất mạnh trong công nghệ sợi hóa học, một công nghệ quan trọng đối với hàng dệt may đặc biệt và hàng may mặc quân đội, và lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên việc xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà sản xuất dệt may Trung Quốc chuyển sang học hỏi và tiếp thu công nghệ từ Nhật Bản và các quốc gia châu Âu, ông Lei cho biết.
Ông Kujis đến từ công ty Oxford Economics, nói rằng lời đe dọa mới nhất của ông Trump đã làm giảm khả năng tiến đến thỏa thuận giữa hai quốc gia.
“Chúng tôi dự đoán bước đi này sẽ khiến Trung Quốc bớt sẵn lòng tiến đến thỏa thuận hơn và trở nên quyết đoán hơn trong việc chuẩn bị đối phó với căng thẳng kinh tế kéo dài với Mỹ”, ông Kujis nói.
Các nhà quan sát cũng nói rằng hiện tại, tình hình trở nên khó khăn hơn đối với Trung Quốc trong việc thực hiện bất cứ sự nhượng bộ quan trọng nào mà không bị xem là đã bị khuất phục trước áp lực từ Mỹ, trong khi đó nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường trụ vững đã tạo cho Mỹ chỗ dựa vững chắc trong các cuộc đàm phán.
Một nguồn công nghiệp Mỹ đã được Chính phủ Mỹ nêu tóm tắt trong các cuộc đàm phán cho biết thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đã thành công trong việc đặt áp lực lên Trung Quốc và dự đoán ông Trump sẽ tiếp tục áp dụng loại áp lực đó vào thời điểm tranh cử Tổng thống năm 2020 tới.
“Ông Trump miễn nhiễm với những chỉ trích xung quanh các vấn đề Trung Quốc trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống chừng nào các xung đột vẫn còn tiếp tục, bởi vì ông là vị Tổng thống cứng rắn nhất trong lịch sử nước Mỹ”, một nguồn thân cận cho biết.
“Việc để cho các căng thẳng thương mại tiếp diễn càng lâu càng tốt là vì lợi ích chính trị của ông Trump, đồng thời nền kinh tế Mỹ vẫn ổn. Nếu thị trường chứng khoán hoặc kinh tế sụt giảm, đó lại là chuyện khác. Nhưng chừng nào chúng còn ổn, ông Trump vẫn có thể chờ và hưởng lợi ích chính trị từ việc đó”.
Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, cho biết các công ty thuộc EU phải thực tế hơn về chiến tranh thương mại và lên kế hoạch đối phó với việc bế tắc trở nên sâu rộng hơn.
“Hướng đi ít có sự chống đối nhất là để cho hai bên hoàn thành việc này mà không có kế hoạch gì trước, tránh gây tổn hại đến nền kinh tế do căng thẳng leo thang nhưng cũng không hy sinh các quan điểm chính trị để hoàn tất thỏa thuận cuối cùng”, ông Wuttke nói.
Trung Quốc cần cải cách trên phạm vi rộng để đạt được điều đó, và một lượng áp lực chiến lược đúng đắn có thể giúp dịch chuyển mọi việc theo hướng đó, nhưng lời đe dọa thuế quan mới nhất lại không có điểm nào gọi là chiến lược cả”, ông Wuttke chia sẻ.
“Vào thời điểm mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc thật sự cần sửa chữa bằng các biện pháp chu đáo và có ý nghĩa, quả bóng phá hoại mang tên thuế quan - sẽ gây tác động đến mọi thứ mà Mỹ mua từ Trung Quốc - chỉ tiếp thêm sức mạnh cho những giọng nói kêu gọi Trung Quốc phải tự lực và không cần hợp tác với Mỹ”.
Một vài công ty nước ngoài đã di dời các cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc hoặc giảm tốc độ của các kế hoạch đầu tư ở Trung Quốc vì ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, nhưng Chính phủ Trung Quốc đã giảm bớt lo ngại về việc xảy ra làn sóng cắt giảm sản lượng, họ khẳng định đó chỉ là những trường hợp lẻ tẻ.
Các chuyên gia kinh tế tại công ty China Intenational Capital, Liang Hong và Yi Huan ước tính lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc đã mất đi 5 triệu việc làm vào cuối năm 2018, trong đó có 1.8 đến 1.9 triệu việc làm bị mất do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại – chiếm 1.2% trong tổng số việc làm trong ngành sản xuất.
Báo cáo của hai chuyên gia trên cho thấy lĩnh vực thiết bị máy tính và viễn thông đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đồng thời báo cáo trên còn thể hiện số lượng công ty đa quốc gia đã đóng cửa một số hoặc toàn bộ nhà máy ở Trung Quốc vì giá lao động tăng cao và thuế quan từ Mỹ.
Công ty Sony Mobile đã đóng cửa nhà máy tại Bắc Kinh vào tháng 03/2019, nhà sản xuất điện thoại Hàn Quốc Samsung cũng được dự đoán sẽ đóng cửa nhà máy tại Huệ Châu nằm ở phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Trong số các công ty Mỹ tham gia cuộc khảo sát môi trường kinh doanh tại Trung Quốc được thực hiện bởi Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ và viễn thông, tự động hóa và dịch vụ là những công ty có thái độ bi quan nhất đối với mối quan hệ Mỹ-Trung.
Trong lĩnh vực công nghệ phần cứng, 40% công ty tham gia khảo sát trả lời họ không có kế hoạch mở rộng đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2019. Lĩnh vực này thể hiện “sự bi quan cao độ” trong dự đoán về mối quan hệ Mỹ-Trung, nhưng lại thể hiện “sự lạc quan đáng chú ý” đối với sự tăng trưởng trong thị trường nội địa Trung Quốc.
“Các công ty đang lên kế hoạch đầu tư ít hơn bởi vì sự bất ổn trong mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung và thuế quan song phương gây ra, những lo ngại về môi trường chính sách không ổn định của Trung Quốc và rào cản tiếp cận thị trường cũng là những lý do chính”, báo cáo nói về sự bi quan của các công ty đa quốc gia.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 1/4 công ty được khảo sát trong lĩnh vực này đã di dời các nguồn lực của họ ra khỏi Trung Quốc từ 3 năm trước và 12% công ty tham gia khác đang cân nhắc đến việc di dời nguồn lực sang các quốc gia khác trong vòng 3 năm tới.
Nhưng sự đan xen chặt chẽ trong lợi ích kinh tế của Trung Quốc và Mỹ được xem là quá rộng lớn để có thể từ bỏ.
“Trung Quốc vẫn là thị trường khổng lồ và các công ty Mỹ vẫn sẽ tiếp tục đầu tư để thâm nhập vào thị trường này”, theo Arthur Kroeber, Nhà nghiên cứu hàng đầu tại Gavekal Dragonomics – công ty dịch vụ tài chính có trụ sở chính ở Hồng Kông.
Ông ví dụ công ty ExxonMobil đã nhận được “đèn xanh” cho phép xây dựng nhà máy hóa dầu ở Trung Quốc và công ty Tesla gia tăng sự hiện diện ở thị trường này đồng thời đóng cửa hoạt động của những nhà máy khác ở châu Á.
“Trong nhiều lĩnh vực, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc tiếp tục giữ vững ở hai con số”, ông Kroeber nói. “Thậm chí, khi một vài công ty rút lui, những công ty khác lại tăng trưởng gấp đôi”.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|