Dự án PPP có vấn đề gì thì ai giải trình với dân?
Đó là băn khoăn được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức chiều 26/8.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại cuộc họp.
|
Theo thông tin từ ban soạn thảo, dự thảo luật gồm 11 chương và 10 điều. Trong đó có một chương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư theo phương thức PPP.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận xét, dự thảo luật quy định rất nhiều thứ thuộc về quy trình, rất nhiều khâu, nhiều đối tượng nhưng lại không rõ trách nhiệm giải trình.
Đội vốn, kéo dài thời gian, rồi tham nhũng...việc này ở các dự án BOT quá nhiều. Vì thế Luật PPP cần quy định thật rõ ai chịu trách nhiệm giải trình với dân khi có quyết định không đúng trong dự án PPP, bà Lan góp ý.
Theo phân tích của vị chuyên gia này thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án PPP chủ yếu là ở các bộ và chính quyền địa phương, dự án cần Quốc hội hay Thủ tướng quyết định thì rất ít. Mà ở Quốc hội và Chính phủ thì việc thẩm định có thể chặt chẽ hơn, còn ở bộ và địa phương thì khó lắm.
Chưa kể quy định như dự thảo luật thì mỗi ông làm mỗi kiểu, mỗi bộ 1 cách đánh giá khác nhau dẫn đến khó quy trách nhiệm, khó kiểm soát quyền lực, khó tránh được kẽ hở cho việc thông đồng, bà Lan nhận xét.
Ngoài ra, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, dự thảo luật hầu hết mới chỉ quy định về quy trình, mà không có quy định về thời gian cụ thể cho các khâu.
Lấy ví dụ đường cao tốc Bắc - Nam, bà Lan nói, khi dư luận lên tiếng nhiều về lựa chọn nhà thầu thì tháng 5/2019 Bộ Giao thông Vận tải giải trình với Quốc hội là các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên doanh tham gia thầu dự án này. "Nhưng tháng 8 đã khoá thầu, chỉ có 3 tháng thì ai mà bàn được sẽ liên kết thế nào để kịp nộp hồ sơ thầu, thời gian gấp gáp như thế có thể gạt các nhà đầu tư tốt ra khỏi dự án này", bà Lan nhấn mạnh.
"Cũng có người nêu câu hỏi tại sao các nhà đầu tư Nhật không tham gia, theo kinh nghiệm của tôi làm việc với các nhà các nhà đầu tư Nhật Bản thì họ bỏ cả năm trời xem có tham gia dự án nào hay không. Một dự án hạ tầng với số km đường không dài họ cũng phải xem kỹ điều kiện địa phương thế nào, thiên tai bão lụt ra sao... từ đó đánh giá được khả năng tham gia và cần đầu tư thế nào cho đảm bảo kỹ thuật và phải đầu tư bao nhiêu để đảm bảo hiệu quả kinh tế".
Sau khi giải thích lý do về thời gian như trên, bà Lan nói tiếp: những nhà đầu tư có trách nhiệm thì như vậy, còn nếu thời gian đưa ra quá ngắn mà đầu bài không rõ thì không nhà đầu tư tử tế có thể tham gia được, mà tình trạng đó hay xảy ra ở Việt Nam.
Nữ chuyên gia cũng nhấn mạnh trong đầu tư công, không ít trường hợp các đơn vị chịu trách nhiệm đầu tư cố tình kéo dài thời gian lập đầu bài để từ lúc phê chuẩn chủ trương đến lúc phải thực hiện chỉ còn một thời gian rất ngắn. Và như vậy sẽ dẫn đến chỉ định thầu hoặc chỉ có ít người có thông tin mới tham gia được còn những người không có thông tin đầy đủ thì không thể nào tham gia nổi.
Vì thế luật phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong các khâu, ai phải làm trong thời gian bao lâu, thông tin phải công bố cho nhà đầu tư ít nhất bao lâu để người ta tham gia, bà Lan góp ý.
Nội dung nữa theo bà Lan là Luật PPP cũng phải có quy định thưởng, phạt rõ ràng. Bởi vừa qua đã có biết bao dự án vi phạm tùm lum nhưng có phạt được ai đâu mà chỉ có dân "bị phạt" vì phải chịu giá dịch vụ cao.
Quyết định sai hay thẩm định để lọt thì phải có phạt, bà Lan nhấn mạnh.
Quy định rõ về thời gian, thưởng phạt, trách nhiệm giải trình, theo chuyên gia Phạm Chi Lan chính là để tạo nên chiếc "khoá", chặn bớt kẽ hở cho tình trạng thông thầu, méo mó thông tin, ai quen biết thì dễ lọt hơn....
Sau góp ý của bà Lan, từ vị trí điều hành phần thảo luận, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nói, dự án đường cao tốc Bắc - Nam thì không chỉ có 3 tháng khiến các nhà thầu không kịp chuẩn bị như phản ánh của bà Lan.
Ông Kiên đề nghị nhà thầu nào có ý kiến như thế thì cứ đến Uỷ ban ban Kinh tế của Quốc hội, Uỷ ban này sẽ giải thích vì nghị quyết của Quốc hội ban hành từ cuối 2017 đã duyệt 11 gói thầu trong đó ba gói thầu là dùng vốn ngân sách, 8 gói dự án PPP, chia gói thầu nào dài bao nhiêu km đã rất rõ rồi.
Ông Kiên cũng nhấn mạnh vừa rồi là sơ tuyển nhà đầu tư chứ chưa phải là đấu thầu nhà đầu tư cũng như đấu thầu thi công. Theo luật hiện hành thì khi sơ tuyển nhà đầu tư thời gian công bố kết quả cuối cùng là không được chậm quá 180 ngày từ ngày đóng gói thầu. Gói thầu đóng vào ngày 15/7/2019 như vậy đến ngày 15/1/2020 thì sẽ công bố kết quả sơ tuyển nhà đầu tư.
"Trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ dư luận xã hội, báo chí, với tư cách là cơ quan được Quốc hội giao giám sát việc thực hiện dự án công trình trọng điểm quốc gia đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông xin thông tin như vậy để chị Lan yên tâm" ông Kiên nói.
Xin thêm một phút trao đổi, bà Lan nói đúng là Quốc hội đã thông qua nghị quyết từ 2017 nhưng đầu bài cụ thể cho các nhà đầu tư không có nên rất nhiều nhà đầu tư lúng túng. Còn câu chuyện sơ tuyển thì điều lo ngại là tới hơn 1 nửa là các nhà đầu tư Trung Quốc.
Hồ sơ mời thầu tương đối chặt chẽ, đảm bảo quốc phòng an ninh, ông Kiên hồi âm.
Theo dự kiến, dự án Luật PPP sẽ được Uỷ ban Kinh tế thẩm tra vào cuối tuần này, sau đó được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.
Nguyễn Lê
VnEconomy