Xây dựng văn kiện không phải làm trong phòng lạnh, mà phải làm từ thực tiễn cuộc sống, từ khát vọng của nhân dân, yêu cầu phát triển của đất nước...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như trên tại hội nghị Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng 13 xin ý kiến các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với Chiến lược 10 năm và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm.
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban chủ trì.
Dự hội nghị có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các vị nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng và các vị nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tp.HCM…
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng bày tỏ mong muốn được nghe trực tiếp ý kiến đóng góp của các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những người dày dạn kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành công việc của Đảng, Nhà nước trên nhiều cương vị, trọng trách khác nhau.
Thủ tướng nhấn mạnh, văn kiện Đại hội Đảng chính là kết tinh trí tuệ, tiềm năng, sức mạnh của Đảng, Nhà nước và nhân dân, vì vậy, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội nhận thức rõ đây là trách nhiệm to lớn và rất nặng nề, cần chắt lọc những ý kiến tinh hoa, tinh tuý nhất của các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, đặc biệt là ý kiến của các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện.
Thủ tướng đánh giá, nhìn trên phạm vi toàn xã hội, ở bất cứ nơi đâu, đất nước đều có thay đổi lớn lao, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến biên giới, hải đảo, đời sống người dân mọi miền của Tổ quốc được nâng lên rõ rệt. Nhưng không vì những thành quả đạt được mà chủ quan, thỏa mãn. Nhiều ý kiến của các tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều đề cập đến nguy cơ Việt Nam "chưa giàu đã già", có khoảng cách phát triển về tuyệt đối, sự tụt hậu với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, cả về thu nhập, mức sống, trình độ khoa học công nghệ, sức sản xuất và năng lực cạnh tranh.
Như vậy, cả yêu cầu nội tại và yêu cầu từ bên ngoài để tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn. Đó mới chính là thể hiện rõ ràng, cụ thể tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, sự quyết tâm, ý thức tinh thần trách nhiệm cao của thế hệ hôm nay trước Đảng.
Thủ tướng cũng cho biết, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã trao đổi nhiều, suy nghĩ rất nhiều trên các mặt xây dựng dự thảo văn kiện, trong việc đặt ra mục tiêu chiến lược, quan điểm phát triển, đột phá chiến lược và định hướng, giải pháp trọng tâm 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045.
Để làm được điều đó, cần có chiến lược, định hướng giải pháp mạnh mẽ, đột phá, có cách làm, có lộ trình bước đi phù hợp, đặc biệt bao trùm lên tất cả là sự đồng thuận, trên dưới một lòng, là tinh thần ý chí khát vọng vươn lên của tất cả các cấp, các ngành, từng cán bộ, đảng viên, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Thực tế cho thấy giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị có điều kiện hoàn cảnh tương đồng, nơi nào làm quyết liệt, nỗ lực đổi mới vươn lên thì nơi đó đạt kết quả tốt.
Nêu một số nét lớn về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho rằng, nhận định đánh giá tình hình quốc tế, trong nước phải đúng, phải trúng, không "tô hồng" nhưng cũng không "bôi đen", từ đó có quan điểm, định hướng, giải pháp đúng đắn trong thời gian tới, không để bỏ lỡ cơ hội, tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của cuộc cách mạng lần thứ 4, đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xây dựng văn kiện là không phải làm trong phòng lạnh, mà phải làm từ thực tiễn cuộc sống, từ khát vọng của nhân dân, yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm tinh thần là "Đảng chấp nhận, dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao".
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến góp ý, trong đó có ý kiến về quan điểm phát triển, là tiếp tục kế thừa nội hàm của Chiến lược 10 năm trước và bổ sung thêm nội hàm mới, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
Thủ tướng cũng điểm lại và tiếp thu các nội dung mà các vị nguyên lãnh đạo góp ý, trong đó nhấn mạnh phần tổ chức thực hiện, đó là nâng cao trình độ quản trị quốc gia, vấn đề bộ máy phục vụ nhân dân hay đề nghị có một số chương trình quốc gia về các lĩnh vực gồm phát triển rừng, bảo vệ nguồn nước, năng lượng, chống tụt hậu, chống bẫy thu nhập trung bình, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…