Chậm chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp
Việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các công ty nông nghiệp và lâm nghiệp đang gặp những khó khăn nhất định khiến cho quá trình này bị chậm lại.
Nhiều công ty lâm nghiệp gặp khó khăn trong chuyển đổi mô hình hoạt động. Ảnh minh hoạ: Vũ Sinh - TTXVN
|
Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên là một trong những hình thức sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp Nhà nước nhằm gắn kết phát triển vùng nguyên liệu và người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường; phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất của địa phương và bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Tuy nhiên, do đây là mô hình mới nên nhiều địa phương, doanh nghiệp vẫn lúng túng trong chuyển đổi, sắp xếp dẫn đến việc thực hiện còn rất chậm.
Bắc Giang có 5 công ty lâm nghiệp phải thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Ngoài 1 đơn vị giải thể, 4 đơn vị còn lại của Bắc Giang đều thực hiện góp vốn với đối tác để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.
Là một trong những đơn vị đã thực hiện chuyển đổi thành công, ông Hoàng Văn Chúc, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế cho biết, khi chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên đã tránh được sản xuất manh mún, liên kết thành chuỗi giá trị, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản xuất gỗ nguyên liệu tập trung, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, đất đai vẫn được quản lý tập trung.
Ông Trần Văn Ngọc, xã Đồng Hưu, Yên Thế, Bắc Giang là một hộ được nhận khoán rừng cho biết, trước đây, công ty phải vận động nhân dân nhận khoán. Giờ lợi ích kinh tế từ rừng đem lại ổn định và nâng cao nên nhiều hộ muốn nhận khoán.
Hợp đồng nhận khoán giờ chặt chẽ hơn. Ngoài được hỗ trợ đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ, thì nếu không may thiên tai xảy ra ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, các hộ sẽ được giảm trừ năng suất để khuyến khích bà con trồng rừng.
Với hơn 3 ha nhận khoán, trừ chi phí ông có thu nhập trên 60 triệu đồng/năm.
Từ kinh nghiệm của mình, ông Hoàng Văn Chúc cho biết, việc sắp xếp, chuyển đổi theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên đối với công ty lâm nghiệp đang sản xuất thuần túy rừng trồng, khi kết hợp với thành viên thứ hai có tiềm lực kinh tế, có nhà máy chế biến thực sự sẽ có nhiều ưu thế và đáp ứng được 4/5 mục tiêu từ Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Chúc, nếu nhà đầu tư sau khi góp vốn không thực hiện đúng cam kết sẽ gây nhiều phức tạp, không phát huy được những ưu thế của việc gắn kết giữa chế biến và tiêu thụ thì coi như phương án sắp xếp chuyển đổi không đạt được 4/5 mục tiêu từ Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị.
“Do đó cần phải có biện pháp để xử lý cam kết về chế biến của thành viên thứ 2. Nếu không thực hiện đúng cam kết, không có nhà máy chế biến tiêu thụ gỗ như phương án thì yêu cầu rút vốn, nhà nước không phải bồi thường để công ty tìm đối tác chế biến khác”, ông Hoàng Văn Chúc góp ý.
Tuy nhiên, để có kết quả hôm nay, công ty đã mất 4 năm để chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.
Trong thời gian này đã phát sinh nhiều tranh chấp đất, kìm hãm phát triển sản xuất, tổ chức bộ máy vừa thiếu vừa không ổn định.
Công ty cố gắng duy trì sản xuất cầm chừng vừa chống đỡ với những khó khăn vướng mắc phát sinh, vừa tổ chức thực hiện phương án sắp xếp, chuyển đổi.
Tuy đã hoàn thành việc sắp xếp 3/4 doanh nghiệp sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, nhưng Bắc Giang vẫn còn chậm trong việc thực hiện Nghị định 118.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đây là mô hình mới nên khi xây dựng, phê duyệt phương án tổng thể gặp khó khăn khi xác định cơ cấu góp vốn và cơ cấu vốn điều lệ.
Việc triển khai gặp khó khăn do nhận thức của cán bộ, nhân viên, người lao động và người dân. Mọi người đều hiểu theo nghĩa nhà nước sẽ bán doanh nghiệp cho tư nhân.
Một số cán bộ công nhân lao động và người dân có hợp đồng liên doanh với công ty có tư tưởng sợ mất quyền lợi khi chuyển đổi mô hình, do vậy họ cản trở việc sắp xếp.
Việc thanh lý các hợp đồng đồng khoán liên doanh với người dân cũ gặp rất nhiều khó khăn. Người dân có diện tích đất lân cận cũng tranh thủ quá trình sắp xếp lấn chiếm đất rừng do công ty quản lý.
Bên cạnh đó, trong việc rà soát đất đai như công ty nông, lâm nghiệp có “vỏ” là doanh nghiệp nhà nước, nhưng “ruột” lại không còn hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Do đặc thù kinh doanh lâm nghiệp theo chu kỳ kéo dài, trên danh nghĩa đất đai công ty vẫn quản lý, báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế đã giao khoán hết cho các hộ dân. Dân tự sản xuất kinh doanh, còn công ty chỉ đứng ra thu khoán.
Thực tế này dẫn đến tình trạng tranh chấp đất đai, người nhận khoán tự mua đi bán lại, đất canh tác diễn ra rất phức tạp.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương nhận định, việc chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên sẽ là mô hình tốt vì đã gắn kết đơn vị sản xuất với đơn vị chế biến giúp đưa sản phẩm ra thị trường. Người dân vẫn ổn định sản xuất nhờ có đầu ra của thành viên thứ 2.
Trong khi trước đó, các công ty nông, lâm nghiệp thường không có lực lượng này nên hiệu quả kinh doanh thấp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Long, để chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức.
Bởi vấn đề khó đầu tiên là xác định đúng giá trị doanh nghiệp. Nếu xác định đúng, đủ thì vị thế của doanh nghiệp đem đi góp vốn (công ty nông, lâm nghiệp) sẽ có lợi thế.
Nếu định giá doanh nghiệp quá thấp sẽ dẫn đến tỷ lệ phần phần trăm vốn Nhà nước thấp, dẫn đến đối tác lợi dụng, thôn tính.
Đối tác cần tìm cũng phải thật sự gắn bó với chế biến, với sản vật của rừng chứ không phải với mục đích thôn tính đất đai.
Thứ ba là doanh nghiệp phải nắm đúng luật để khi xây dựng quy chế rõ ràng, minh bạch. Đây là 3 vấn đề cần thận trọng và quan trọng nhất.
Ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, trong quá trình sắp xếp này, vai trò của các cấp chính quyền rất quan trọng, đó là pháp lý và tuyên truyền.
Tuyên truyền để các hộ nhận khoán nhận thức được họ vẫn là chủ trên mảnh đất đó, tránh trường hợp các hộ có suy nghĩ là sẽ bị đẩy ra ngoài rồi dẫn đến tranh chấp, chiếm đoạt.
Việc tuyên truyền rất quan trọng và cần có cấp chính quyền, nếu chỉ các nông, lâm trường sẽ không làm được điều này.
Chính bởi rất nhiều khó khăn vướng mắc trên nên sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30 và Nghị định 118, đến ngày 31/5/2019, cả nước có 40 công ty nông, lâm nghiệp có kế hoạch chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 17 công ty đã hoàn thành việc chuyển đổi.
Bích Hồng/TTXVN
Bnews
|