TS Vũ Đình Ánh: Điều đáng sợ nhất của Việt Nam hiện nay không phải là nợ xấu
Nhận định về tình hình kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề của Việt Nam hiện nay có nhiều, và điều sợ nhất không phải là nợ xấu, mà là từ năm 2020, mỗi tháng, Việt Nam sẽ phải trả 20,000 tỷ đồng cả gốc và lãi nợ công.
TS Vũ Đình Ánh chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay.
|
Chiều 18/06, tại buổi hội thảo tại TPHCM, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh chia sẻ, nhiều người hỏi ông là năm 2018 tăng trưởng kinh tế 7.08% có đúng không? Ông cho rằng, đúng hay không đúng thì cũng đành phải nghe vì trên thế giới và cả Việt Nam, không có đơn vị tổ chức nào thay được Tổng Cục thống kê về hai chỉ số tăng trưởng kinh tế và tốc độ lạm phát. Điểm quan trọng là Việt Nam đang có dấu hiệu cho thấy sẽ bước vào một giai đoạn kinh tế mới sau giai đoạn gặp cực kỳ khó khăn từ 2008 đến 2014. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 không kém năm 2018 và kỳ vọng đến 2021 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 7%. Đó là triển vọng kinh tế rất tốt của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Thứ hai là về lạm phát, ông phân tích, từ khoảng năm 2017-2019, Việt Nam bước vào giai đoạn tuyệt vời đối với các nhà đầu tư khi lạm phát tương đối ổn định dưới mức 4%. Và lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát ổn định dưới ngưỡng 5% tới cả năm 2020 dù có nhiều yếu tố lớn hiện nay như giá xăng dầu, giá điện và dịch tả lợn châu Phi…
"Những yếu tố này cũng chưa làm lạm phát rơi vào trạng thái nóng", TS Vũ Đình Ánh nói thêm.
Vậy Việt Nam đang ở đâu?
Ông Ánh chia sẻ, Bloomberg vừa dự báo, 10 năm nữa (tức đến 2029), GDP của Việt Nam sẽ vượt Singapore. Điều này rất đáng tự hào, bởi 20 năm trước ông không dám nghĩ Việt Nam có thể vượt được Malaysia. Việt Nam vượt Singapore là không khó. Nhưng vấn đề là quy mô GDP hiện tại của Việt Nam là 224 tỷ USD, còn Singapore là 324 tỷ USD, trong khi dân số Việt Nam là 95 triệu người, còn Singapore là 5.6 triệu người.
Vấn đề của Việt Nam hiện nay có nhiều, và điều sợ nhất không phải là nợ xấu, vì vừa qua đã xử lý được xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng, cơ bản đã tạm ổn. Sợ nhất là từ năm 2020, mỗi tháng, Việt Nam sẽ phải trả 20,000 tỷ đồng cả gốc và lãi nợ công.
Đối với thị trường tiền tệ, điều quan trọng là câu chuyện tăng tổng tín dụng. Năm 2018, đột nhiên tăng tổng tín dụng chỉ 14%, trong khi tăng trưởng kinh tế lại cao ngất ngưởng, không thể giải thích được. Tỷ lệ tín dụng trên GDP đã lui về ngưỡng an toàn. Dự báo tổng tín dụng 2019 sẽ tăng tương tự như 2018 vừa qua, khoảng 14%, không có cơ hội để tăng thêm.
Còn lãi suất thì cầm cự theo hiện tại và không có khả năng giảm, việc tăng hay không thì tùy thuộc vào một số yếu tố nước ngoài. Gần đây, việc Fed rục rịch hạ lãi suất sẽ hỗ trợ nhiều cho sức ép về tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.
Hiện chiến tranh thương mại Trung - Mỹ chưa chuyển sang chiến tranh tiền tệ. Người ta sợ nhất là câu chuyện Trung Quốc phá giá nhân dân tệ. Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu tỷ giá 2-3%. Cuối 2019 tỷ giá sẽ chạm mốc 24,000 VNĐ/USD. Đó không phải là câu chuyện mạnh hay yếu của đồng tiền, mà câu chuyện ở đây là Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách xem xét thao túng tiền tệ. Không ít chuyên gia đề xuất phá giá lên 30,000 VNĐ/USD.
Tuy nhiên, theo TS Ánh, nếu không ổn định được tỷ giá hối đoái trong bối cảnh độ mở nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 200% GDP, thì phá giá lập tức làm sụp đổ tất cả về mặt đối ngoại, chưa kể về mặt đầu tư.
Minh An
Fili
|