Thứ Sáu, 07/06/2019 08:19

GDP có thể mất 6.000 tỉ đồng vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tranh chấp trên Biển Đông, bảo vệ ngư dân... là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra khi chất vấn Phó thủ tướng Phạm Bình Minh sáng 6.6.

GDP có thể mất 6.000 tỉ đồng vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời chất vấn sáng 6.6
Ảnh: Ngọc Thắng
 

Đủ kịch bản, chủ động ứng phó với chiến tranh thương mại

Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang vào hồi quyết liệt. ĐB Trí chất vấn Phó thủ tướng Phạm Bình Minh về thái độ ứng xử và hành động của VN nên thế nào cho phù hợp, hiệu quả.

Theo Phó thủ tướng, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã tác động đến kinh tế toàn thế giới và khu vực. Giám đốc Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đánh giá đó là 1 trong 4 đám mây bao phủ cho nền kinh tế. Trong khi, các tổ chức quốc tế khác phân tích, nếu cuộc cạnh tranh thương mại này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong những năm tới đang từ 3,5% xuống còn 3,2%. “Đối với một nền kinh tế độ mở rất lớn như chúng ta, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 200% GDP thì bất cứ một tác động nào của kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng. Khi cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra trong năm 2018, Thủ tướng hết sức quan tâm vấn đề này, đã thành lập ban chỉ đạo, nghiên cứu đánh giá tình hình, kiến nghị chính sách”, Phó thủ tướng cho biết. Trong ngắn hạn, theo Phó thủ tướng, cạnh tranh Mỹ - Trung giúp thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của VN nhưng có thể ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập về để làm hàng xuất khẩu và 5 năm tới có thể giảm GDP khoảng 6.000 tỉ đồng.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Chính phủ đã xây dựng nhiều kịch bản cũng như đề án biện pháp cần thiết để đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phát triển. “Một vấn đề rất quan trọng, hiện nay đã và đang mở ra xu hướng chuyển dịch làn sóng đầu tư nước ngoài vào VN. 5 tháng đầu năm nay, xu hướng đầu tư này có tăng lên và ta cần có sự lựa chọn, chọn lọc đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên phát triển chất lượng cũng như đảm bảo thân thiện môi trường và công nghệ. Chúng ta cũng phải hết sức cảnh giác với việc có thể các hàng hóa thông qua VN để xuất khẩu vào những thị trường đánh thuế cao để tránh thuế. Phải có biện pháp phòng vệ, tránh, ngăn ngừa gian lận thương mại”, Phó thủ tướng nói.

Kiên quyết đấu tranh với hành vi vi phạm chủ quyền biển đảo

Trong phần chất vấn của mình, ĐB Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị Phó thủ tướng cho biết những định hướng mang tính nguyên tắc về ứng xử và tổ chức các hoạt động trên Biển Đông để đảm bảo chủ quyền đất nước. ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) thì nêu tình trạng tàu cá và ngư dân VN liên tục bị lực lượng chức năng một số nước bắt giữ khi đánh bắt ở vùng biển chưa phân định ở Biển Đông giữa VN và một số nước trong khu vực ASEAN và đề nghị Phó thủ tướng đưa ra biện pháp để bảo vệ ngư dân.

Trả lời ĐB, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói, VN có đầy đủ cơ sở lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo luật pháp quốc tế, Công ước luật Biển 1982, VN có đầy đủ quyền lợi về kinh tế trên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. “Quan điểm của chúng ta là kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền trên biển và chủ quyền của chúng ta trên các hòn đảo chúng ta đang quản lý. Việc tranh chấp chủ quyền phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước luật Biển 1982; không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực; đặc biệt là không được làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông”, Phó thủ tướng nói, đồng thời cho biết, trong thời gian qua, các hoạt động kinh tế trên vùng biển đặc quyền kinh tế của VN vẫn được thực hiện và lực lượng chức năng bảo vệ; kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm đối với chủ quyền biển đảo của VN, thông qua các biện pháp ngoại giao và các biện pháp cần thiết khác.

Đối với vấn đề bảo vệ ngư dân, Phó thủ tướng cho hay trong thời gian vừa qua, có một số ngư dân VN bị bắt giữ trên vùng biển chưa được phân định, cụ thể là giữa VN và Indonesia do năm 2003 hai nước đã phân định vùng thềm lục địa nhưng chưa phân định vùng đặc quyền kinh tế. “Khi các vụ va chạm xảy ra, Bộ Ngoại giao đều trực tiếp trao đổi và phản đối với Đại sứ quán Indonesia tại VN cũng như đối tác Indonesia yêu cầu thả người và đền bù”, Phó thủ tướng nói, song cũng cho biết, có nhiều trường hợp ngư dân VN đánh bắt cá ở những vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước và bị bắt, do đó kiến nghị phải tăng cường giáo dục ngư dân tôn trọng pháp luật quốc tế, chỉ đánh cá trong vùng biển hợp pháp của VN được các lực lượng chức năng bảo hộ.

Các thành viên Chính phủ đã không né tránh vấn đề khó

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn kéo dài 2 ngày rưỡi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết kết quả phiên chất vấn cho thấy, nội dung chất vấn rất đúng và trúng những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội mà nhân dân và cử tri cả nước cũng như các vị ĐB Quốc hội quan tâm. Trong phiên chất vấn, đã có 230 lượt ĐB chất vấn và tranh luận; phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. “Các thành viên Chính phủ đã không né tránh những vấn đề khó, phức tạp và đã giải trình, làm rõ thêm những vấn đề ĐB nêu. Đồng thời, nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, của lĩnh vực và cam kết khắc phục để tạo ra một sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới”, bà Ngân nói.

Vũ Hân

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 5-6% trong 10 năm tới (06/06/2019)

>   'Ấm ức' với chất vấn trực tiếp, trả lời 'bằng văn bản' (06/06/2019)

>   Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (05/06/2019)

>   Phó thủ tướng nói gì trước chất vấn vụ 8B Lê Trực, HH Linh Đàm? (05/06/2019)

>   Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu hai phó chủ tịch UBND TP.HCM (05/06/2019)

>   PMI tháng 6 tăng lên 52.5 điểm (01/07/2019)

>   Tăng giờ làm thêm: Cần nhìn ở góc độ chất lượng cuộc sống (01/06/2019)

>   Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6 (01/06/2019)

>   Lo doanh nghiệp đuối sức trong RCEP (01/06/2019)

>   Xăng dầu, điện gây áp lực lên lạm phát (30/05/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật