Lo doanh nghiệp đuối sức trong RCEP
Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand) dự kiến hoàn tất trong năm 2019 sẽ mở ra một thị trường chiếm 50% dân số thế giới, 30% GDP toàn cầu và 28% thương mại thế giới
Khu vực kinh tế RCEP có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam và năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam. Đây là mối quan ngại với doanh nghiệp Việt.
Cơ hội cho thủy sản
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), nhận định khu vực RCEP có đặc điểm người tiêu dùng không quá khó tính, ngoại trừ 3 nước Nhật, Úc và New Zealand. Trong khi đó, nhu cầu của nhóm này đối với các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh lại tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến. "RCEP mang lại kỳ vọng bảo đảm tương lai tự do hóa cho khu vực trước xu hướng bảo hộ thương mại, nhất là trước căng thẳng của cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Những lợi ích này đến từ việc ưu đãi thuế quan có thể được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn khi hiệp định được ký kết" - bà Trang nhận định.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tỏ ra tự tin khi khẳng định thủy sản là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh tại thị trường này. "Đa số các nước trong khối đều có nhu cầu nhập khẩu lớn với thủy sản. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế về thủy sản, đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này, nên việc mở cửa thị trường không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ngay cả nước khó tính như Nhật Bản cũng đã trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản truyền thống của Việt Nam" - ông Hòe cho hay.
Nhiều nước trong khu vực có sản phẩm nông sản nhiệt đới tương đồng với Việt Nam. Ảnh: Ngọc Trinh
Bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh Sóc Trăng, cũng thừa nhận chỉ có ngành thủy sản là có thế mạnh xâm nhập vào các quốc gia đối tác trong RCEP như Nhật Bản, Hàn Quốc. Thực tế, Việt Nam đã xuất khẩu sang những thị trường này khá tốt từ hàng chục năm qua. "Chúng ta xuất khẩu rất tốt nhưng khảo sát ở các siêu thị nước ngoài thì thấy mặt hàng thủy sản Việt Nam không có tên tuổi. Việt Nam xuất ra nước ngoài nhưng trụ trên thị trường bằng thương hiệu của đối tác. Đây là vấn đề cần lưu tâm thêm" - bà Thanh nói.
Cạnh tranh yếu
Mặc dù nhận định RCEP mang lại nhiều kỳ vọng cho xuất khẩu của Việt Nam trước làn sóng bảo hộ thương mại thế giới nhưng bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng thừa nhận còn có rất nhiều điều đáng quan ngại khi Việt Nam bước chân vào khu vực chiếm tới 50% dân số thế giới này. Bà Trang phân tích: "Khu vực kinh tế RCEP có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam. Ngoài ra, các thị trường có khác biệt lớn về yêu cầu chất lượng hàng hóa. Nguy cơ xáo trộn, chuyển hướng thương mại, đặc biệt là ở các thị trường mà các đối tác chưa có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) chéo. Do vậy, Việt Nam có thể không đạt kỳ vọng về thị trường xuất khẩu khi cạnh tranh gay gắt hơn với các đối tác RCEP".
Bà Mã Thị Thanh cho rằng DN Việt thường không khai thác được lợi thế từ các FTA. Ngay như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vốn được coi là hiệp định thế hệ mới với rất nhiều lợi ích thì cũng không nhiều DN quan tâm khai thác. "Nguyên nhân là bởi công tác tuyên truyền, phổ biến hiệp định còn hời hợt, chưa đào tạo chuyên sâu cho từng ngành nghề. Bản thân DN cũng không thực sự quan tâm. Trước đây, tôi đi tập huấn về CPTPP 3 lần thì cả 3 lần đều thấy rất ít DN đến dự, mà dù họ đến dự thì cũng không thu được nhiều thông tin bởi các buổi tập huấn thường phổ biến thông tin chung, không đi sâu vào ngành. Rồi bản thân DN Việt cũng ngại chuyển đổi công nghệ, hài lòng những cái mình đang có, không nỗ lực vươn lên nên rất dễ mai một. Tất cả dẫn đến năng suất lao động thấp, tất yếu sẽ đuối sức khi hội nhập" - bà Thanh chỉ rõ.
Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng dẫn chứng thêm khi đi khảo sát tại Malaysia năm 2016, bà thấy nước này đã đi trước Việt Nam gần 20 năm. Chẳng hạn, với sự hỗ trợ của máy tách sầu riêng, một công nhân có thể tách 5 tấn mỗi ngày, trong khi Việt Nam cần tới vài chục nhân lực để hoàn thành. Hoặc khi nông sản các nước đã làm tốt việc truy xuất nguồn gốc, chiếu xạ thì Việt Nam vẫn còn loay hoay. Không chỉ vậy, Malaysia còn hỗ trợ mạnh mẽ cho DN thông qua ưu đãi giá thuê rẻ tại khu công nghiệp, ưu đãi vốn… Những yếu tố này tạo nên sức cạnh tranh của hàng hóa Malaysia tốt hơn Việt Nam rất nhiều.
Trong khi đó, theo các DN, RCEP với các sản phẩm hàng hóa khá tương đồng sẽ khiến cạnh tranh giữa các DN nội khối ngày càng gay gắt. Với Việt Nam, cạnh tranh không chỉ đến từ khu vực xuất khẩu mà còn ngay tại thị trường trong nước khi hàng hóa nước ngoài giá rẻ, chất lượng tốt ồ ạt tràn vào. Đáng lưu ý, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường tiềm năng Nhật Bản sẽ là Trung Quốc. Lý do bởi Nhật và Trung Quốc vốn chưa có hiệp định thương mại song phương và RCEP là cơ hội lớn cho họ. Do đó, nếu không cấp bách cải thiện chất lượng hàng hóa để cạnh tranh thì DN Việt sẽ mất lợi thế ở RCEP.
Phương Nhung
Người Lao động
|