Thứ Sáu, 14/06/2019 13:50

"Đã uống rượu bia thì không lái xe" chính thức được Quốc hội đưa vào luật

Sau 3 lần biểu quyết, Quốc hội đã đồng ý đưa quy định "đã uống rượu, bia thì không lái xe" vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

'Đã uống rượu bia thì không lái xe' chính thức được Quốc hội đưa vào luật
Quốc hội chính thức đồng ý đưa quy định "đã uống rượu, bia thì không lái xe" vào Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 14.6, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thuý Anh đã thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bà Thuý Anh cho biết, một số ý kiến đề nghị cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Kết quả biểu quyết đưa quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ảnh: Thành Trung

Một số ý kiến khác đề nghị vẫn giữ quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Về vấn đề này, bà Thuý Anh cho biết, UBTVQH đã thực hiện xin ý kiến các vị ĐBQH hai phương án, trong đó phương án Cấm người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là phương án 1. Nhưng các phương án này đều không đạt được trên 50% ĐBQH tán thành.

Tuy nhiên, theo bà Thuý Anh, do UBTVQH nhận thấy, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.

Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ĐBQH, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.

Đồng thời, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan để có các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm pháp luật về giao thông do sử dụng rượu, bia.

"Do đó, trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, dư luận, mong muốn của cử tri gửi đến Quốc hội, UBTVQH tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản.

Khoản bổ sung này được ghi rõ là "Khoản 6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông", bà Thuý Anh nói.

Sau khi UBTVQH xin được đưa điều khoản trên vào Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Quốc hội đã biểu quyết lần thứ 3.

Kết quả, có 374 đại biểu có mặt tán thành, bằng 77.27%. Như vậy, quy định "đã uống rượu, bia thì không lái xe" chính thức được đưa vào luật.

C.Nguyên - Đ.Chung - T.Trung

Lao động

Các tin tức khác

>   Ủy ban Thường vụ tha thiết đề nghị Quốc hội bổ sung quy định 'đã uống rượu bia không lái xe' (14/06/2019)

>   Đang tinh giản biên chế, sao lại tăng tuổi nghỉ hưu? (12/06/2019)

>   Giữa năm 2020 phải sửa Luật Đất đai (11/06/2019)

>   Nợ công vẫn tiềm ẩn rủi ro (10/06/2019)

>   Nợ công gia tăng áp lực: Nhiều dự án được bảo lãnh sắp phá sản (08/06/2019)

>   GDP có thể mất 6.000 tỉ đồng vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (07/06/2019)

>   Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 5-6% trong 10 năm tới (06/06/2019)

>   'Ấm ức' với chất vấn trực tiếp, trả lời 'bằng văn bản' (06/06/2019)

>   Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (05/06/2019)

>   Phó thủ tướng nói gì trước chất vấn vụ 8B Lê Trực, HH Linh Đàm? (05/06/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật