Chứng quyền phát triển mạnh ở các thị trường châu Á và châu Âu
Chứng quyền là một sản phẩm phổ biến tại nhiều thị thường chứng khoán trên thế giới với nhiều tên gọi khác nhau: Covered Warrant (Anh, Đức, Thụy Sỹ, Úc, Canada), Derivative Warant (Hồng Kông, Thái Lan), Call/Put Warrant (Đài Loan, Malaysia), Equity-linked Warrant (Hàn Quốc),…
Thị trường chứng quyền trên thế giới đã phát triển rất nhanh, được đánh giá là một trong những thị trường năng động nhất dành cho nhà đầu tư cá nhân.
Tài sản cơ sở của chứng quyền cũng rất đa dạng, bao gồm: cổ phiếu trong và ngoài nước, chỉ số chứng khoán, rổ chứng khoán, ETF, chứng chỉ quỹ lưu ký, ngoại tệ, hàng hóa và tài sản khác. Tiêu chuẩn đối với tài sản cơ sở (về tính thanh khoản, giá trị vốn hóa, các chỉ tiêu tài chính cơ bản,…) thường được cơ quan quản lý quy định cụ thể. Đối với một số thị trường, cơ quan quản lý đặt hạn mức đối với tài sản cơ sở dùng để phát hành chứng quyền nhằm kiểm soát rủi ro đối với thị trường giao ngay. Ví dụ, tại thị trường Đài Loan, tổng số cổ phiếu làm tài sản cơ sở cho tất cả chứng quyền được niêm yết không được vượt quá 22% số cổ phiếu tự do chuyển nhượng.
Tính đến năm 2018, theo số liệu thống kê của Liên đoàn các Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) thế giới (WFE), số lượng chứng quyền phát hành và niêm yết trên các Sở GDCK trên thế giới đạt gần 2.3 triệu chứng quyền, tương đương với giá trị giao dịch đạt gần 937 tỷ USD. Với những ưu điểm nêu trên, thị trường chứng quyền đã phát triển mạnh mẽ ở cả thị trường châu Á và châu Âu, với giá trị giao dịch chứng quyền tại các khu vực này cao rõ rệt hơn so với châu Mỹ.
Ngoài ra, tại thị trường châu Mỹ vẫn cho thấy sự phát triển của sản phầm chứng quyền, với 32% tăng trưởng về giá trị giao dịch trong năm 2018.
Giá trị giao dịch chứng quyền trên toàn thế giới năm 2018 (triệu USD)
Nguồn: Số liệu thống kê WFE, 2019
|
Đáng chú ý, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tuy chỉ chiếm gần 2% số lượng chứng quyền phát hành trên thế giới nhưng giá trị giao dịch đạt lên đến 87% tổng doanh số giao dịch chứng quyền toàn cầu. Nhiều Sở GDCK tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đứng trong top 10 Sở GDCK có doanh số giao dịch chứng quyền lớn nhất trên thế giới, ví dụ như Sở GDCK Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan,… Đặc biệt, Sở GDCK Hồng Kông trong nhiều năm qua vẫn luôn đứng đầu về giá trị giao dịch chứng quyền.
Năm 2018, giá trị giao dịch chứng quyền của Sở GDCK Hồng Kông đạt 728,289.95 triệu USD, chiếm 76% tổng giá trị giao dịch chứng quyền toàn cầu. Các thị trường chứng quyền tại Châu Á khác cũng có nhiều hoạt động ấn tượng như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan,.... Ngoài ra, trong năm qua, tuy chỉ đứng thứ 11 trong danh sách các thị trường có doanh số giao dịch chứng quyền lớn nhất thế giới, thị trường Malaysia đã có sự tăng trưởng vượt bậc với gần 300%.
10 Sở GDCK có doanh số giao dịch chứng quyền lớn nhất thế giới 2018 (triệu USD)
Nguồn: Số liệu thống kê WFE, 2019
|
Sản phẩm chứng quyền là một sản phẩm có tốc độ phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và là một trong những sản phẩm chủ lực của một số thị trường chứng khoán như Đài Loan, Hồng Kông,… Với đặc điểm là tỷ lệ đòn bẩy cao hơn giao dịch ký quỹ, chứng quyền thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân mà không làm gia tăng rủi ro mất thanh toán từ khối nhà đầu tư cá nhân. Hơn nữa, chứng quyền giúp gia tăng tính thanh khoản cho tài sản cơ sở thông qua hoạt động giao dịch tài sản cơ sở của nhà phát hành để phòng hộ rủi ro.
Đặc điểm đòn bẩy tuy là một lợi điểm thu hút nhà đầu tư giúp khuếch đại lợi nhuận nhưng cũng là hạn chế của sản phẩm mang tính chất rủi ro cao so với việc đầu tư trực tiếp từ tài sản cơ sở, và nhà đầu tư sẽ gánh chịu % tổn thất cao hơn nhiều lần so với đầu tư cổ phiếu.
Thị trường chứng quyền chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi trình độ hiểu biết của nhà đầu tư và tổ chức phát hành là ngang nhau. Đối với những thị trường chứng quyền có bề dày kinh nghiệm và lịch sử phát triển tương đối dài như Đài Loan và Hồng Kông, ngoài việc tăng cường thắt chặt quản lý và giám sát thị trường để không xảy ra các tác động tiêu cực đến tính bền vững của thị trường chứng khoán, công tác đào tạo nhà đầu tư luôn là vấn đề cốt lõi nhằm đảm bảo sự phát triển chung của thị trường.
Yến Chi
FILI
|