Cần 95.000 tỉ đồng cho hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long
Đại diện Bộ GTVT, ông Lê Đỗ Mười - Viện chiến lược phát triển GTVT - thông tin như vậy tại diễn đàn 'Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long' sáng 18-6.
Các đại biểu dự diễn đàn giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long sáng 18-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Chủ trì diễn đàn chuyên đề trên còn có ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM và ông Nguyễn Văn Thể - bộ trưởng Bộ GTVT.
Theo ông Lê Đỗ Mười, để tập trung cho 32 công trình trọng điểm dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ cần nguồn vốn 95.000 tỉ đồng.
Các dự án cần đầu tư, hoàn thiện trong giai đoạn này bao gồm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; các cầu Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2; đầu tư hoàn chỉnh tuyến N1, nâng cấp quốc lộ 60...
Việc triển khai 32 dự án trên không chỉ tăng cường sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long mà còn tăng tính kết nối, liên kết vùng với TP.HCM, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng.
Về phía TP.HCM, ông Mười đề nghị cần sớm đầu tư hoàn thành dự án mở rộng quốc lộ 50B, đường vành đai 3 và 4 nhằm tăng tính kết nối giữa đồng bằng sông cửu long với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Theo phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ, kịp tiến độ theo quy hoạch - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết sẽ kết nối TP.HCM với đồng bằng cả 4 phương thức, đường bộ, thủy, hàng hải và hàng không.
Theo quy hoạch, các tuyến đường cao tốc, vành đai, quốc lộ đường sắt… phải được đầu tư hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, một số trục kết nối hiện mới được đầu tư giai đoạn 1 hoặc trong quá trình nghiên cứu đầu tư, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các dự án kết nối giao thông chưa được sự hỗ trợ, đồng thuận cao giữa các địa phương…
Cụ thể, về giao thông đường bộ, theo quy hoạch có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 365km. Hiện đã đầu tư 3 tuyến có chiều dài 172km, đang nghiên cứu 1 tuyến, còn 2 tuyến chưa có kế hoạch đầu tư.
Về đường vành đai theo quy hoạch, TP.HCM có 2 tuyến vành đai 3 và 4 với tổng chiều dài 287km, quy mô 6-8 làn xe, đảm nhận liên kết vùng. Hiện đã đầu tư đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn dài 16,3km và đang trong quá trình chuẩn bị để đầu tư đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.
Đang nghiên cứu đầu tư vành đai 3 đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Đường vành đai 4 từ Bến Lức - Hiệp Phước. Còn lại 152km chưa có kế hoạch đầu tư.
Về quốc lộ, TP cũng có 5 tuyến quốc lộ nhưng chưa được đầu tư mở rộng theo quy mô, quy hoạch. Đường sắt theo quy hoạch nghiên cứu TP.HCM - Cần Thơ. Luồng tuyến giao thông thủy dày đặc nhưng chưa đáp ứng, nhất về độ sâu, đặc biệt tuyến kênh Chợ Gạo.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển kết nối giao thông, kiến nghị Thủ tướng phê duyệt quy chế phối hợp giữa các địa phương. Trung ương nghiên cứu tập trung nguồn vốn ngân sách, ODA cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông...
Nhằm đảm bảo tiến độ một số dự án trọng điểm đang triển khai, ông Hoan kiến nghị cho phép tách dự án bồi thường thực hiện trước.
Với tuyến TP.HCM - Mộc Bài, giao TP kêu gọi đầu thực hiện PPP. Vành đai 3, 4 sớm thông qua chủ trương đầu tư, bổ sung vào kế hoạch trung hạn để TP có thể tạm ứng ngân sách thực hiện trước công tác bồi thường giai đoạn 2019 - 2020, Bộ GTVT đầu tư hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025.
Với quốc lộ 50B, TP đã thống nhất với Long An đầu tư tới Cần Giuộc hơn 8km theo hình thức PPP trong giai đoạn 2021-2025, kiến nghị bổ sung quy hoạch cho đồng bộ.
QUANG KHẢI
Tuổi trẻ