Tại sao Singapore, Malaysia và Việt Nam bị thêm vào danh sách theo dõi tiền tệ của Mỹ?
Bộ Tài chính Mỹ đã thêm Singapore, Malaysia và Việt Nam vào danh sách theo dõi về hành vi thao túng tiền tệ, tức Mỹ sẽ giám sát chặt chẽ chính sách tỷ giá của những quốc gia này.
Singapore lọt vào danh sách vì khoản thặng dư tài khoản vãng lai lớn và khoản mua ngoại tệ ròng ít nhất 17 tỷ USD trong năm 2018, tương đương 4.6% GDP Singapore, theo Bộ Tài chính Mỹ. Malaysia và Việt Nam được thêm vào danh sách vì khoản thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư tài khoản vãng lai.
* Mỹ vẫn chưa gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ
Mới đây, Mỹ đã hạ các tiêu chí để thêm các quốc gia vào danh sách theo dõi tiền tệ. Hiện nay, các quốc gia có khoản thặng dư tài khoản vãng lai với Mỹ tương đương 2% GDP đã đủ điều kiện để thêm vào danh sách theo dõi tiền tệ, thay vì 3% trước đó. Các tiêu chí khác bao gồm liên tục can thiệp vào thị trường tiền tệ và khoản thặng dư thương mại với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD. Các quốc gia đáp ứng 2 trong 3 tiêu chí trên sẽ bị thêm vào danh sách.
Việc bị gắn nhãn thao túng tiền tệ không đi kèm với các biện pháp trừng phạt tức thì nhưng có thể làm xáo trộn thị trường tài chính.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết Singapore nên thực hiện các cuộc cải cách để hạ mức lãi suất tiết kiệm cao và thúc đẩy mức tiêu thụ nội địa, đồng thời cố gắng đảm bảo tỷ giá hối đoái thực phù hợp với các nguyên tắc kinh tế cơ bản, để thu hẹp khoản thặng dư bên ngoài lớn và liên tục của họ. Mỹ cũng hoan nghênh việc Singapore cam kết báo cáo thêm dữ liệu về hành vi can thiệp vào thị trường tiền tệ, đồng thời thừa nhận rằng việc điều chỉnh tiền tệ là công cụ chính sách tiền tệ chính.
Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) cho biết trong một tuyên bố rằng họ không thao túng tiền tệ để có lợi thế xuất khẩu. MAS sử dụng tỷ giá để đảm bảo sự ổn định giá và không sử dụng nó để dành lấy lợi thế xuất khẩu hoặc có thặng dư tài khoản vãng lai với các nước khác.
Malaysia
“Việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của Singapore chủ yếu được thực hiện thông qua đồng tiền nước họ, do đó các hoạt động can thiệp vào thị trường là khá nặng nề”, Christy Tan, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại National Australia Bank, nhận định. “Tôi không cho là điều này sẽ có tác động quá lớn”.
Malaysia được thêm vào danh sách theo dõi tiền tệ vì có khoản thặng dư thương mại song phương với Mỹ ở mức 27 tỷ USD trong năm 2018 và khoản thặng dư tài khoản vãng lai chiếm 2.1% GDP. Bộ Tài chính Mỹ lưu ý, Malaysia can thiệp vào thị trường ngoại hối ở cả hai chiều hướng tăng/giảm trong quá khứ và có lượng bán ngoại hối ròng tương đương 3.1% GDP trong năm 2018 để ngăn chặn sự suy yếu của đồng Ringgit.
Ngân hàng Trung ương Malaysia cho biết họ ủng hộ thương mại tự do và công bằng, đồng thời không có hành vi tiền tệ không công bằng. NHTW Malaysia cũng nói thêm việc bị thêm vào danh sách theo dõi tiền tệ không có tác động tới nền kinh tế Malaysia.
“Tỷ giá đồng Ringgit được thị trường xác định và không phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh về xuất khẩu”, NHTW Malaysia cho biết trong một tuyên bố.
Chiến tranh thương mại
Hai quốc gia châu Á khác cũng có mặt trong danh sách là Nhật Bản và Hàn Quốc. Ấn Độ được loại bỏ khỏi danh sách vì chỉ đáp ứng duy nhất 1 tiêu chí – khoản thặng dư thương mại song phương lớn với Mỹ.
Kim Hwan, Chuyên gia kinh tế tại NH Investment & Securities ở Seoul, cho biết căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có lẽ góp phần dẫn tới động thái của Bộ Tài chính Mỹ. Việc Singapore, Việt Nam và Malaysia được thêm vào danh sách “báo hiệu Mỹ đang tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc”, ông Kim cho hay. “Những quốc gia này đều thuộc khu vực Đông Nam Á và có mối quan hệ kinh tế thân thiết với Trung Quốc”.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, Nhật Bản nên tiến hành cải cách cấu trúc để giảm bớt gánh nặng nợ công và tình trạng mất cân bằng thương mại. Còn Hàn Quốc được kêu gọi hạn chế can thiệp tiền tệ mặc dù Mỹ ca ngợi động thái tiết lộ dữ liệu về hoạt động can thiệp vào thị trường tiền tệ của Hàn Quốc.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|