Chuyên gia Đại học Harvard: Trung Quốc giảm tốc sẽ là cơn ác mộng với kinh tế toàn cầu
Bên cạnh rủi ro từ thương chiến Mỹ-Trung và sự bất ổn trong triển vọng chính sách tiền tệ, thấp thoáng xuất hiện là nguy cơ Trung Quốc giảm tốc mạnh hơn dự báo, theo Chuyên viên kinh tế của Đại học Harvard Carmen Reinhart.
“Nếu bạn hỏi tôi đâu là thông tin cực xấu đối với nền kinh tế toàn cầu, thì đó là Trung Quốc giảm tốc mạnh hơn và kéo dài hơn dự báo, vì nó sẽ gây tác động lan truyền tới quá nhiều thứ”, bà Reinhart – vốn chuyên về tài chính quốc tế – cho biết bên lề hội nghị đầu tư châu Á do Nomura Holdings tổ chức ở Singapore trong ngày thứ Ba (28/05).
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu sẽ lắng xuống, trong đó nền kinh tế toàn cầu có thể giảm 600 tỷ USD nếu tác động lên tới đỉnh điểm. Thậm chí trước động thái leo thang gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đang dần mất đà tăng trưởng, như đã thể hiện trong dữ liệu yếu hơn dự báo hồi tháng 4/2019.
Reinhart cho biết các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể “kiên nhẫn” trong việc đưa ra các động thái điều chỉnh lãi suất trong tương lai, khi các dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ có khả năng giảm tốc trong nửa cuối năm 2019, dù rằng thị trường lao động vẫn mạnh.
Bà cho biết “vẫn còn quá sớm để nói là thái độ của các NHTW đối với lạm phát đã thay đổi quá nhiều”. Mặc dù thương chiến Mỹ-Trung tập trung vào sự thay đổi của chuỗi cung ứng, tác động của bất ổn từ cuộc chiến này đến hoạt động đầu tư và tác động giá từ hàng rào thuế quan, nhưng “cú sốc thương mại cũng giống như cú sốc bất lợi về phía cung” và “nó có thể gia tăng rủi ro tăng mạnh của lạm phát”.
Ngoài ra, Bloomberg cũng dẫn lại những nhận định của bà về những vấn đề khác:
Công cụ an toàn vĩ mô
Bà cho hay: “Tôi không xem các công cụ an toàn vĩ mô (Macro-prudential) là một phương án thay thế mà là sự bổ sung vào bộ công cụ. Các nền kinh tế mở bị tác động bởi sự đổi thay của dòng vốn quốc tế”. “Việc sử dụng công cụ an toàn vĩ mô ngày càng tăng trong thập kỷ vừa qua. Không chỉ ở châu Á mà còn ở Mỹ Latinh, bạn đã chứng kiến nhiều chuyên gia nhấn mạnh tới việc sử dụng các biện pháp an toàn vĩ mô để giới hạn rủi ro tỷ giá, giới hạn tác động từ trái phiếu kỳ hạn ngắn…”.
“Biện pháp an toàn vĩ mô được các quốc gia thị trường mới nổi sử dụng rộng rãi và ngày càng nhiều, và tôi nghĩ các biện pháp đó đang tạo nhiều lợi ích cho những quốc gia đó”, bà cho hay. Sự đảo ngược của dòng vốn không lập tức tạo ra cuộc khủng hoảng tín dụng toàn diện ở các thị trường mới nổi và một phần tín dụng là để dành cho sử dụng biện pháp an toàn vĩ mô”.
Các ngân hàng trung ương
“Các ngân hàng trung ương đang lo ngại về những công cụ họ có để đối phó với đợt suy thoái tiếp theo. Tôi không nói là đợt suy thoái kế tiếp sắp diễn ra. Dĩ nhiên, tôi nghĩ là đã có những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ có khả năng giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2019”, mặc dù Mỹ vẫn còn nhiều ‘đạn dược’ hơn so với ECB và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Câu hỏi lớn dành cho các ngân hàng trung ương lớn là “bạn sẽ điều chỉnh chính sách như thế nào để lãi suất âm không gây tổn thương tới các ngân hàng?”.
Một câu hỏi lớn khác dành cho các nhà hoạch định chính sách: “Các ngân hàng trung ương có thể làm gì để dẫn dắt kỳ vọng lạm phát? Ngân hàng trung ương có thể làm những gì để dẫn thị trường đến điểm mà họ muốn?”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|