Nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc hủy niêm yết trên sàn NYSE để lánh nạn
Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất Trung Quốc dự định rút khỏi Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) – vì khối lượng giao dịch thấp và chi phí nặng nề, qua đó chấm dứt 15 năm niêm yết tại Mỹ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lan sang lĩnh vực công nghệ.
Vào đêm ngày thứ Sáu (24/05), công ty Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) cho biết họ đã thông báo với NYSE về dự định nộp đơn hủy niêm yết Chứng chỉ Tín thác Mỹ (ADR) của họ vào ngày 03/06/2019.
Trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông – nơi họ niêm yết cổ phiếu, SMIC đề cập tới các lý do sau: Khối lượng giao dịch ADR thấp và chi phí cao từ việc duy trì niêm yết và tuân thủ các yêu cầu công bố thông tin và các điều luật liên quan.
Việc hủy niêm yết tự nguyện của SMIC được dự báo diễn ra sau ngày 13/06/2019 và hoạt động giao dịch ADR của SMIC sẽ chuyển sang thị trường OTC (over-couter-market), trích từ tuyên bố.
NYSE đã chấp thuận đơn đăng ký hủy niêm yết của SMIC, mặc dù Công ty cũng sẽ cần có sự cho phép từ Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC).
Phát ngôn viên của NYSE không bình luận về vấn đề trên khi tờ SCMP liên lạc.
Nhà đầu tư bỗng hoảng hồn trước thông báo trên. Cổ phiếu SMIC rớt 4.9% xuống 5.23 USD trong ngày thứ Sáu (24/05).
Cổ phiếu này có lúc rơi xuống mức 5.11 USD trong phiên ngày thứ Sáu (24/05) khi phiên giao dich chỉ mới bắt đầu. Cổ phiếu của SMIC ở Hồng Kông tụt dốc 4.3% xuống 8.42 HKD (tương đương 1.07 USD) vào lúc khép phiên ngày thứ Sáu (24/05).
Khối lượng giao dịch ADR của SMIC vượt ngưỡng 1 triệu đơn vị trong ngày thứ Sáu (24/05), lần đầu tiên khối lượng chạm mức này kể từ tháng 2/2018.
Một người đứng đầu bộ phận giao dịch cổ phiếu tại công ty môi giới lớn ở Mỹ cho biết các công ty làm vậy để tiết kiệm tiền.
“Và nếu không có đủ khối lượng trên thị trường ADR so với thị trường nội địa thì nó có thể tạo ra mức giá không khớp nhau. Với việc giao dịch toàn cầu trở nên liền mạch hơn, đó có thể là một lý do dẫn tới động thái trên”, ông nói.
Tuy nhiên, ông thừa nhận việc hủy niêm yết ADR không phải là điều thường thấy.
Động thái bất ngờ trên xảy ra khi Washington tăng cường nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ của Mỹ, trong lúc các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào thế bế tắc.
Chính quyền Trump đã liệt Huawei Technologies – công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất của Trung Quốc – vào danh sách đen, qua đó sẽ gần như cấm Công ty này mua công nghệ và sản phẩm quan trọng từ các công ty Mỹ.
Lệnh trừng phạt này có thể được mở rộng và nhắm tới 5 công ty giám sát bằng video của Trung quốc, bao gồm cả Hangzhou Hikvision Digital Technology và Zhejiang Dahua Technology, theo nguồn tin từ truyền thông.
Để đối phó với động thái này, Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ về chính sách cho ngành sản xuất chip nội địa để tránh phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Sau tuyên bố từ Bộ Tài chính Trung Quốc trong tuần này, các nhà sản xuất mạch tích hợp và nhà phát triển phần mềm của Trung Quốc sẽ được miễn nộp thuế doanh nghiệp trong hai năm bắt đầu từ năm 2019, và mức thuế sẽ giảm một nửa trong ba năm tới.
SMIC có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc, trong đó các doanh nghiệp Nhà nước hoặc các quỹ đầu tư có liên kết với Nhà nước là các cổ đông lớn.
Quỹ China National Integrated Circuit Industry Investment Fund – vốn do Chính phủ Trung Quốc thành lập trong năm 2014 để đẩy mạnh sự phát triển của công nghệ ở quê nhà và thâu tóm các bằng sáng chế và thiết kế ở nước ngoài – có góp vốn tại SMIC thông qua công ty đầu tư liên kết.
Cổ phiếu SMIC bắt đầu giao dịch ở Hồng Kông và Mỹ vào cùng thời điểm, tháng 3/2004.
Tính từ đầu năm 2019, cổ phiếu SMIC ở Hồng Kông đã tăng 23%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5.8% của chỉ số Hang Seng. Doanh thu của Công ty tăng 8.3% so với cùng kỳ năm trước và lên mức kỷ lục 3.36 tỷ USD trong năm 2018.
SMIC có mối liên kết với công ty sản xuất chip hàng đầu của Mỹ Qualcomm dưới dạng một công ty liên doanh có trụ sở ở Thượng Hải – vốn tập trung vào nghiên cứu và phát triển vào việc thiết kế chip thế hệ kế tiếp.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|