Trái phiếu toàn cầu dậy sóng khi chiến tranh thương mại leo thang
Cuộc thương chiến Mỹ-Trung và những vết vụn vỡ trong nền kinh tế toàn cầu đang thôi thúc nhà đầu tư chuyển sang những kênh trú ẩn an toàn, như trái phiếu. Điều này đã đẩy lợi suất trái phiếu xuống mức đáy nhiều năm và càng gia tăng xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm 2019.
Dữ liệu kinh tế Mỹ đáng thất vọng đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi xuống 2.29% trong ngày thứ Năm (23/05), thấp nhất kể từ năm 2017. Việc giao dịch hợp đồng tương lai cũng gia tăng giữa lúc nhà đầu tư phòng hộ rủi ro liên quan tới các khoản thế chấp. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017, tại mức 2.73%. Kỳ vọng lạm phát lại tụt dốc và chỉ số Bloomberg Dollar Spot tăng lên mức cao nhất trong năm nay trước khi thụt lùi trở lại.
Đà tăng của giá trái phiếu đã “thổi bay” tác động của 5 đợt nâng lãi suất của Fed kể từ thời điểm gần nhất mà lợi suất trái phiếu 10 năm ở mức thấp như thế này. Các trader hiện cho rằng Fed sẽ thực hiện một đợt giảm lãi suất hơn 30 điểm trước khi kết thúc năm 2019, trong đó các hợp đồng quyền chọn cho thấy nhiều nhà đầu tư đã thực hiện phòng hộ đợt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản của Fed. Các cuộc xung đột thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến nhà đầu tư chú ý hơn tới những tín hiệu giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu – vốn đã xuất hiện trong ngày thứ Năm (23/05) ở Mỹ và châu Âu.
Gần đây, đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã rơi vào thế bế tắc và hai quốc gia cũng tiến hành nâng thuế lên hàng hóa lẫn nhau.
Hôm thứ Năm (16/05), Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Huawei và 68 thực thể khác vào danh sách đen, qua đó khiến Huawei gần như không thể mua hàng hóa sản xuất tại Mỹ.
Theo Chính phủ Mỹ, việc thêm Huawei vào danh sách đen là do một vụ án đang chờ xét xử, trong đó cáo buộc Huawei có dính dáng trong một vụ gian lận ngân hàng để lấy đi hàng hóa và dịch vụ Mỹ bị cấm vận tại Iran và chuyển tiền ra khỏi quốc gia này thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế. Huawei không nhận tội.
“Nếu nỗi lo sợ ghê gớm nhất của nhà đầu tư trở thành hiện thực và chiến tranh thương mại leo thang trong dài hạn, lợi suất trái phiếu có thể giảm thêm”, Jon Hill, Chiến lược gia lãi suất tại BMO Capital, nhận định.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm đã phá vỡ mức đáy năm 2019 được xác lập trong tháng 3/2019.
Cũng góp phần khiến nhà đầu tư chuyển sang các kênh trú ẩn an toàn là việc căng thẳng chính trị đã leo thang ở Anh, trong đó rủi ro xảy ra Brexit hỗn loạn đã trở lại.
Lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 10 năm đã giảm 3 điểm cơ bản xuống -0.12%, trong khi lợi suất trái phiếu Anh kỳ hạn 10 năm rơi xuống dưới mức 1% lần đầu tiên trong 7 tuần qua.
Trái phiếu ở Nhật Bản, Australia và New Zealand đều leo dốc trong ngày thứ Sáu (24/05), trong đó lợi suất trái phiếu Australia kỳ hạn 10 năm có lúc giảm 5 điểm cơ bản xuống mức 1.53%, gần mức lãi suất chính sách 1.5% của NHTW. Lợi suất trái phiếu New Zealand kỳ hạn 10 năm giảm 3 điểm cơ bản xuống 1.73%, còn lợi suất trái phiếu Nhật Bản kỳ hạn 10 năm giảm 0.5 điểm cơ bản xuống -0.07%, thấp nhất kể từ ngày 02/04/20-19. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 1 điểm cơ bản lên 2.33% trong phiên giao dịch châu Á ngày thứ Sáu (24/05).
“Đà giảm của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ hôm thứ Năm (23/05) dường như đã hơi quá trớn”, Masahiko Loo, Chuyên gia quản lý danh mục trái phiếu tại AllianceBernstein Japan, nhận định. “Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại khiến thị trường cổ phiếu lao dốc thì lợi suất trái phiếu có thể giảm thêm”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|