Chứng khoán châu Á: Xanh đỏ đan xen
Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương rơi vào trạng thái trái chiều trong ngày thứ Sáu (24/05) khi nỗi lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục đeo bám tâm trí nhà đầu tư.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0.67% vào phiên chiều.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Sáu (24/05), thị trường chứng khoán Trung Quốc trái chiều: Chỉ số Shanghai Composite tăng 0.02% lên 2,852.99 điểm, còn Shenzhen Composite lùi 0.48%.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cộng 86.8 điểm (tương đương 0.32%) lên 27,353.93 điểm.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 24/05
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 33.92 điểm (tương đương 0.16%) xuống 21,117.22 điểm, còn chỉ số Topix tăng nhẹ lên 1,541.21 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc lùi 0.69% xuống 2,045.31 điểm.
Chỉ số ASX 200 của Australia lùi 0.55% xuống 6,456 điểm, trong đó chỉ số tài chính hạ 0.45%.
“Đàm phán thương mại Mỹ - Trung chuyển sang giai đoạn tiêu cực, và tác động tiêu cực đến các thị trường”, các chuyên viên phân tích tại ANZ Research cho biết. “Trung Quốc đã sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân thay vì chịu lép vế trước áp lực tài chính được tạo ra bởi Mỹ”.
Các chuyên viên phân tích tại ANZ chỉ ra rằng, cả hai bên “sẽ chỉ thương lượng về những điều khoản của riêng họ, do đó sẽ mất nhiều năm trước khi hai bên tìm được tiếng nói chung”.
Trong ngày thứ Năm (23/05), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có thể đưa những vấn đề liên quan đến Huawei vào các cuộc đàm phán thương mại. Tuần trước, chính phủ Mỹ cấm các công ty Mỹ có mối quan hệ kinh doanh với Huawei vì vấn đề an ninh quốc gia.
Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa của nhau kể từ đầu năm 2018, vùi dập thị trường tài chính và tác động tiêu cực đến giao thương và tâm lý người tiêu dùng. Căng thẳng leo thang vào đầu tháng này khi cả 2 bên nâng thuế đối với hàng hóa của nhau.
Đêm qua, chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày thứ Năm (23/05), khi nhà đầu tư bắt đầu lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài hơn dự kiến trước đó.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones rớt 286.14 điểm xuống 25,490.47 điểm khi cổ phiếu United Technologies có thành quả yếu kém. Chỉ số S&P 500 lùi 1.2% xuống 2,822.24 điểm còn chỉ số Nasdaq Composite mất 1.6% còn 7,628.28 điểm. Dow Jones đã “bốc hơi” hơn 400 điểm tại mức đáy, nhưng đã xóa bớt phần nào đà giảm điểm trong giờ giao dịch cuối cùng của phiên khi cổ phiếu Intel quay đầu tăng 1.2%.
IHS Markit cho biết vào ngày thứ Năm rằng hoạt động sản xuất tại Mỹ trong tháng này tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ tháng 9/2009. Dữ liệu đã khiến nhà đầu tư đổ xô mua vào trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Ở Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi và đảng của ông đã giành chiến thắng vang dội trong các cuộc bầu cử. Trong ngày thứ Năm (23/05), khi đảng của Thủ tướng Modi dẫn đầu trong khoảng thời gian đếm phiếu bầu, nhà đầu tư đã ăn mừng vì thông tin này. Tại một thời điểm, chỉ số Nifty 50 vượt ngưỡng 12,000 điểm, còn Sensex vượt 40,000 điểm. Cả hai chỉ số này đều xóa bớt đà tăng và khép phiên ở mức thấp hơn.
Thị trường tiền tệ và dầu
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 97.696, sau khi giảm từ mức 97.906 trước đó.
Đồng JPY – vốn được xem là đồng tiền trú ẩn an toàn – được giao dịch ở mức 109.53 đổi 1 USD, tăng từ mức trên 110.4 đổi 1 USD trước đó trong tuần này. Còn đồng AUD được “sang tay” ở mức 0.6896 USD, tăng nhẹ từ mức dưới 0.6880 USD.
Giá dầu quay đầu tăng vọt trong phiên giao dịch châu Á ngày thứ Sáu (24/05), phục hồi trở lại sau phiên giảm mạnh hôm qua. Các hợp đồng dầu Brent tương lai nhảy vọt 0.99% lên 68.43 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai tiến 1.1% lên 58.55 USD/thùng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|