Thứ Năm, 16/05/2019 13:22

Người dân háo hức bán điện mặt trời cho ‘nhà đèn’

Bình Thuận là một trong những địa phương có "đặc sản" nắng và được xem là thủ phủ của điện mặt trời. Mô hình điện mặt trời trên mái nhà ở Bình Thuận đang bắt đầu phát triển khi chính sách thông thoáng.

Nhiều người dân Bình Thuận nhận thấy lợi ích của mô hình điện mặt trời trên mái nhà. Ảnh: Chí Nhân

Nhiều người ví von, trước giờ chỉ biết "đóng" tiền cho nhà đèn, nhờ có mô hình bán điện mặt trời mà lần đầu tiên họ được thu lại tiền từ ngành điện.

Từ mua điện chuyển sang bán điện

Trần Trọng Tưởng, chủ khách sạn Moon, ở khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (Bình Thuận), cho biết: Khách sạn có 24 phòng, trước đây bình quân mỗi tháng tiền điện khoảng 10 triệu đồng. Gần đây có nghe nói nhiều về điện mặt trời trên mái nhà nên tìm hiểu và đầu năm nay quyết định đầu tư dự án 10 kWp trên sân thượng khách sạn, với tổng vốn đầu tư 230 triệu đồng. Từ khi có hệ thống này, tiền điện trung bình mỗi tháng chỉ còn khoảng 6,5 triệu đồng. Theo anh Tưởng, vào giờ cao điểm phát điện từ 10 - 14 giờ, hệ thống này đủ sức tự cung tự cấp điện cho toàn bộ các phòng hoạt động. Tuy nhiên thường thì ít khi đầy khách vào thời điểm trên nên một lượng điện dư ra được bán lên lưới điện quốc gia. “Cách đây mấy ngày ngành điện đã tiến hành chi trả tiền điện của tôi bán lên lưới. Tổng số tiền của 3 tháng qua cũng khoảng 3,5 triệu đồng”, anh Tưởng vui mừng chia sẻ.

Tương tự, anh Trương Quang Huy, ở C55 khu dân cư Hùng Vương (Phan Thiết, Bình Thuận), vừa mới lắp đặt xong hệ thống điện mặt trời trên mái nhà cách đây khoảng chục ngày. Công suất hệ thống nhà anh Huy cũng 10 kWp. Tuy nhiên do nhà cung cấp khác nên giá trị đầu tư chỉ chưa tới 200 triệu đồng. Khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà được cấp quyền truy cập phần mềm theo dõi (trên điện thoại thông minh) lượng điện năng sản xuất, tiêu thụ và phát lên lưới. “Qua theo dõi, công suất điện mặt trời phát ra, gia đình và doanh nghiệp (kinh doanh dược phẩm) chỉ xài hết khoảng 50%, phần còn lại phát lên lưới. Thấy tình hình như vậy cũng phấn khởi lắm”, anh Huy nói.

Cũng theo anh Huy, việc đăng ký với ngành điện và làm thủ tục cũng đơn giảm chỉ trong 3 ngày là xong. Đơn vị cung cấp thiết bị đến khảo sát và thiết kế mất một ngày và thi công trong vòng một ngày. Việc đầu tư cũng tương đối đơn giản và nhanh chóng.

Hứa hẹn bùng nổ

Ông Phan Minh Chính, Phó giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận, cho biết: Tính đến ngày 14.5, tiếp nhận được 82 giấy đề nghị bán điện. Công ty đã kiểm tra hòa lưới và lắp đặt điện kế 2 chiều và đã ký hợp đồng mua bán điện. Tổng 82 dự án có công suất lắp đặt 616 kWp,  tổng sản lượng đã phát lên lưới lũy kế đến nay là 99.099 kWh. Hiện nay, nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để sử dụng và bán điện lại cho ngành điện đang tăng cao, công ty đã chủ động dự trù công tơ 2 chiều để lắp đặt cho khách hàng.

Cũng theo ông Chính, nếu từ trước tới nay chỉ có 82 khách hàng sản xuất điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất 616 kWp thì hiện tại có khoảng 30 dự án chuẩn bị triển khai và sẽ hoàn thành trong quý 2 năm nay. Trong số 30 khách hàng này có một số họ đầu tư quy mô tương đối lớn, cụ thể chỉ rêng 3 khách hàng trong số này dự báo công suất lên tới 610 kWp.

Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng lớn về điện mặt trời với cường độ bức xạ lớn. Song hiện nay mô hình điện mặt trời trên mái nhà ở địa phương vẫn chưa phát triển. Nguyên nhân trước đây còn “vướng” nhiều thứ và mới được tháo gỡ. Hiện nay ngành điện địa phương cũng đang tích cực tuyên truyền, phổ biến thông tin đến người dân có điều kiện, đầu tư sớm để được hưởng cơ chế giá ưu đãi 2.134 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent Mỹ). Sắp tới cơ chế giá này có thể thay đổi theo dự thảo mới mà Bộ Công thương đang trình Chính phủ - phân giá theo vùng.

Số lượng mái nhà ở miền Nam đang làm ra "tiền" ngày càng nhiều. Ảnh: Đ.Hoàng

Ông Dư Tấn Long, Trưởng phòng quản lý điện và năng lượng, Sở Công thương Bình Thuận, cho biết: Dù có nhiều tiềm năng nhưng loại hình điện mặt trời trên mái nhà vẫn chưa phát triển. Để góp phần khai thác tốt tiềm năng này, Sở đã có văn bản trình UBND tỉnh về kế hoạch khuyến khích phát triển loại hình này bắt đầu bằng việc khuyến khích đầu tư điện mặt trời tại các trụ sở làm việc của các cơ quan, ban ngành, cơ sở hành chính sự nghiệp nhà nước. Về lâu dài, nên đưa hợp phần dự án điện mặt trời vào các quy hoạch xây dựng trụ sở cơ quan ban ngành…

Hợp đồng bán điện có thời hạn 20 năm, theo quy định của Chính phủ

Đến ngày 31.4.2019, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã có trên 1.200 khách hàng (không bao gồm TP.HCM) lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà; với sản lượng điện phát lên lưới đạt khoảng 3.200.000 kWh.

Khách hàng có nhu cầu liên hệ Tổng đài 19001006 và 19009000 của Trung tâm chăm sóc khách hàng Điện lực miền Nam hoặc truy cập trang web chăm sóc khách hàng https://cskh.evnspc.vn. Nhân viên ngành điện sẽ đến tận nơi tư vấn và hỗ trợ.  

Chí Nhân

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Yêu cầu đề xuất giải pháp "cứu" doanh nghiệp vận tải biển (16/05/2019)

>   Chuỗi bán lẻ Auchan rút khỏi Việt Nam (16/05/2019)

>   Phát triển ngành du lịch Việt Nam: Cần chọn lọc để bền vững (16/05/2019)

>   Ông Tất Thành Cang có chỉ đạo IPC 'bán rẻ' Sadeco? (16/05/2019)

>   Sadeco trả lại Nguyễn Kim toàn bộ tiền mua 9 triệu cổ phiếu (16/05/2019)

>   GDP Việt Nam có thể tăng 1,1% mỗi năm nhờ chuyển đổi số (16/05/2019)

>   Bộ Công an điều tra việc thu phí BOT hầm Đèo Ngang (15/05/2019)

>   TP.HCM ngập vì hộp xốp, túi ni lông... (15/05/2019)

>   Ngành gỗ bắt tay kiến trúc sư 'bán' không gian nội thất (15/05/2019)

>   Bắt Tổng giám đốc Sadeco Hồ Thị Thanh Phúc (15/05/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật