Kiểm tra giá điện thế nào?
Phải làm rõ và công khai chi phí đầu vào của ngành điện để thuyết phục người dân
Sau khi Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện lên 8.36% từ ngày 20-3, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; cơ quan thanh tra cho biết công tác kiểm tra sẽ được thực hiện từ ngày 6-5 và báo cáo kết quả trong tháng 6.
Công khai mọi chi phí
TS Bùi Đức Thụ - đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia - góp ý để công tác kiểm tra đạt hiệu quả cao, đoàn kiểm tra cần kiên quyết yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải trình đầy đủ, cụ thể về các loại chi phí đầu vào như: chi phí sản xuất; vốn đầu tư; vật tư, nguyên liệu; lương, thưởng, chế độ cho người lao động… "Các chi phí này khi đưa ra phải chứng minh được tính hợp lý, tránh lợi dụng độc quyền để nâng chi phí, dẫn đến tăng giá bất lợi cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, chi phí lương, thưởng cho người lao động thì ngành nào cũng phải có, cũng phải thực hiện theo đúng lộ trình của Chính phủ nhưng thực tế, nhiều ý kiến phản ánh lương của lãnh đạo các tập đoàn độc quyền thường rất cao. Nếu xem xét thấy chưa hợp lý thì phải chấn chỉnh sớm" - TS Bùi Đức Thụ lưu ý.
Bày tỏ chia sẻ với ngành điện về áp lực vốn đầu tư quá lớn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ ngừng bảo lãnh tín dụng cho EVN nên tập đoàn phải vay vốn thương mại lãi suất cao, song ông Thụ cũng cho rằng việc tính toán chi phí về vốn thực tế cũng phải làm rõ để phân bổ đưa vào giá điện một cách hợp lý.
"Một vấn đề khác cũng cần sự vào cuộc làm rõ của đoàn kiểm tra là chi phí thất thoát điện năng. Theo công bố của EVN, tổn thất điện năng đã giảm đáng kể, đạt gần đến mức cơ bản. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận nhưng điều này cần được chứng minh. Nếu không đạt chỉ tiêu thì trách nhiệm do quản lý yếu kém chiếm bao nhiêu phần trăm, cũng cần làm rõ" - ông Thụ nói thêm.
PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhấn mạnh cần kiểm tra giá thành sản xuất mỗi KWh điện của hệ thống, nhằm bảo đảm công bằng trước quyết định tăng giá điện; đồng thời, tránh được sự hoài nghi, thắc mắc của người dân.
Chú thích: Người dân đóng tiền điện tại Công ty Điện lực Sài Gòn. Nguồn ảnh: Hoàng Triều
|
Bên cạnh đó, theo PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, ngành điện cần công khai các yếu tố giúp giảm chi phí. Chẳng hạn, một số nhà máy điện đã hết khấu hao như thủy điện Hòa Bình, Thác Mơ, Thác Bà; việc vận hành thị trường điện cạnh tranh… giúp giảm được bao nhiêu chi phí. "Phải công khai chi phí ở 2 chiều, không chỉ đưa ra chi phí sản xuất, lỗ tỉ giá để xin tăng giá mà cần nói rõ chi phí tiết kiệm để cân đối lại. Có như vậy mới thuyết phục được người tiêu dùng" - ông Duệ lưu ý.
Xem xét lại biểu giá bậc thang
Biểu giá điện là vấn đề khiến người dân và giới chuyên gia phản ứng dữ dội bởi nó trực tiếp "đội" tiền điện mỗi hộ phải trả lên rất lớn trong mùa nắng nóng. Mặc dù đa phần ủng hộ nguyên tắc tính giá lũy tiến song cần tổng kết và đánh giá lại tính hợp lý giữa các bậc để sửa đổi kịp thời.
TS Bùi Đức Thụ kiến nghị: "Chính phủ phải chỉ đạo bộ, ngành liên quan vào cuộc tổng kết, đánh giá mặt được, mặt tồn tại của cách tính giá điện bậc thang, hình thành phương án bậc thang giá điện mới, đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân".
Ông Thụ cũng phân tích bậc thang đầu tiên với mức sử dụng 50 KWh là cách ngành điện thực hiện chính sách đối với người nghèo, người thu nhập thấp. Do đó, giữ nguyên bậc thang này là cần thiết. Song, cũng cần tính đến yếu tố mức sống bình quân của người dân đã tăng, chuẩn nghèo cũng tăng theo để cân nhắc có nên tiếp tục duy trì bậc thang như hiện nay không, hay cần điều chỉnh giãn ra để phù hợp với mức tiêu dùng tối thiểu. "Khi chuẩn nghèo đã tăng lên thì các bậc giá điện cũng cần điều chỉnh theo. Giá điện tăng lên kéo theo thu nhập thực tế của người dân giảm xuống. Bởi vậy, mọi quyết định đều cần cân nhắc kỹ lưỡng" - vị đại biểu Quốc hội bày tỏ.
Thực tế, không phải Bộ Công Thương và ngành điện không lắng nghe ý kiến góp ý về biểu giá điện. Trả lời báo chí cuối tuần qua, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thừa nhận khi nhu cầu điện sinh hoạt tăng cao, việc đưa ra biểu giá điện bậc thang mới là cần thiết. Vì thế, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới nhằm giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Bộ, ngành, EVN chuẩn bị gì cho kiểm tra?
Để chuẩn bị cho công tác kiểm tra về giá điện, trả lời báo chí, Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn để kiểm tra theo đúng yêu cầu của Thủ tướng. Trong trường hợp cần thiết, sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia độc lập nhằm bảo đảm khách quan và kết quả được công khai trước dư luận.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 6-5, đại diện Bộ Tài chính cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Cục Quản lý giá thuộc bộ sẽ tham gia đoàn kiểm tra dưới sự chủ trì của TTCP và kế hoạch đã thống nhất giữa các bên liên quan. "Cục Quản lý giá sẽ cử và phân công cán bộ tham gia cùng đoàn kiểm tra" - đại diện Bộ Tài chính cho hay. Tuy vậy, hiện cơ quan quản lý ngành điện là Bộ Công Thương không lên tiếng thông tin về tình hình chuẩn bị cho cuộc kiểm tra giá điện, dù phóng viên đã nhiều lần liên hệ.
Về phía EVN, đại diện tập đoàn cho hay cơ quan này chưa nhận được văn bản chính thức về chương trình làm việc cụ thể của TTCP và đoàn công tác. "Tuy nhiên, tinh thần của ban lãnh đạo EVN và các đơn vị là sẽ phối hợp tích cực, cầu thị, giải trình đầy đủ theo yêu cầu của đoàn thanh tra" - đại diện EVN khẳng định.
M.Chiến - P.Nhung
|
Phương Nhung
Người lao động
|