Đại diện VKS phát biêu quan điểm luận tội - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM (VKS) phát biểu quan điểm.
DAB thiệt hại 3.608 tỉ đồng
Theo VKS, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB) được thành lập năm 1992. DAB có vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng, trong đó nhóm gia đình Trần Phương Bình chiếm 10,24%, người đại diện theo pháp luật là Trần Phương Bình, giữ chức vụ Tổng giám đốc từ ngày 25-3-1998 đến ngày 20-8-2015.
Trong các ngày 21 và 22-8-2015, DAB tiến hành kiểm tra kho quỹ trên toàn hệ thống, kết quả kiểm tra xác định kho quỹ hội sở DAB thiếu hụt 2.089 tỉ đồng và 62.154 lượng vàng, kho quỹ DAB sở giao dịch thiếu hụt 416,7 tỉ đồng.
Trên cơ sở thanh tra, kiểm tra của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra làm rõ. Kết quả điều tra xác định Trần Phương Bình và các nhân viên DAB đã thực hiện các hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái quy định gây thiệt hại cho DAB 3.608 tỉ đồng.
Bị cáo Xuyến tại toà - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Đối với kháng cáo kêu oan của Nguyễn Thị Kim Xuyến, VKS cho rằng Xuyến chỉ đạo các bị cáo là cấp dưới thực hiện các hành vi nhằm che giấu tiền âm quỹ. Đối với số tiền 40 tỉ đồng, Xuyến chỉ đạo cấp dưới chuyển 20 tỉ đồng vào tài khoản Đỗ Thị Minh Giang và chuyển 20 tỉ vào tài khoản mẹ của Xuyến. Sau đó chỉ đạo chuyển tiền lòng vòng để chiếm đoạt cá nhân.
Ngoài ra, bà Xuyến còn đồng phạm với Trần Phương Bình khi cho ông Bình mượn pháp nhân 2 công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam để đứng ra vay 197 tỉ đồng. Số tiền ông Bình sử dụng, sau đó ông Bình chỉ đạo phòng ngân quỹ hội sở và DAB sở giao dịch lập chứng từ thu khống để trả khoản vay các công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam.
Theo VKS, án sơ thẩm xử phạt bị cáo Xuyến 30 năm tù về 2 tội lạm dụng chức vụ và cố ý làm trái quy định là có cơ sở, không oan sai.
Tại phiên toà, bị cáo chưa thừa nhận hết hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, HĐXX đã làm rõ thêm về hành vi lạm dụng chức vụ của bị cáo. Các tài liệu lời khai tại tòa phù hợp với lời khai của bà Xuyến trong quá trình điều tra.
Các bị cáo đứng nghe VKS luận tội - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Đề nghị bác kháng cáo kêu oan của Vũ "nhôm"
Đối với kháng cáo kêu oan của bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), VKS cho rằng năm 2013 DAB bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng ảnh tiền, vàng trong kho quỹ. Trần Phương Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng để thu hút vốn đầu tư, mong muốn doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, quan hệ đầu tư vào DAB để có tiền xử lý khó khăn tại DAB.
Do quen biết nhau từ trước, Trần Phương Bình và Vũ "nhôm" thống nhất Vũ mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỉ đồng. Nguồn tiền mua cổ phần, Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng vay 400 tỉ đồng của DAB và DAB xuất quỹ chi 200 tỉ đồng cho Vũ bằng cách Vũ ký chứng nộp khống 200 tỉ đồng tại DAB.
Do việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỉ không thành, Trần Phương Bình chỉ đạo DAB chuyển 600 tỉ và hơn 9 tỉ tiền lãi vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 tại DAB chi nhánh Đà Nẵng.
Theo VKS, Vũ biết rõ mình không nộp tiền nhưng vẫn ký vào các giấy nộp tiền. Sau đó, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền của DAB vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 nhưng Vũ không trả lại cho DAB mà dùng tiền này để mua cổ phần của DAB.
Từ đó, VKS nhận định có cơ sở kết luận Phan Văn Anh Vũ phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm trong việc chiếm đoạt 203 tỉ đồng của DAB là có căn cứ và đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo kêu oan của Vũ "nhôm", y án sơ thẩm.
Đối với kháng cáo phần dân sự của ông Trần Phương Bình, VKS cho rằng các khoản lãi được tính theo quy định của pháp luật. Các bị cáo thuộc cấp của bị cáo đã có hành vi giúp cho bị cáo Bình chiếm đoạt tiền của DAB, do vậy phải có trách nhiệm liên đới bồi thường theo quy định.
Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên không chấp nhận kháng cáo kêu oan, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 17 bị cáo, không chấp nhận kháng cáo phần dân sự của bị cáo Trần Phương Bình, không chấp nhận kháng cáo của DAB và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ngoài ra, VKS cho rằng trong vụ án, Phạm Văn Tân là trợ lý của Trần Phương Bình, có hành vi giúp sức cho ông Bình, liên quan đến nhiều khoản tiền mà ông Bình chiếm đoạt nhưng chưa được điều tra, truy tố, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Đồng thời, VKS cũng cho rằng 8 kiến nghị trong bản án sơ thẩm là cần thiết, cần tiếp tục kiến nghị.