Thứ Tư, 29/05/2019 11:32

Đến lúc siết các ngành tốn nhiều điện như thép, ximăng...?

Nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, nhiều nhà máy chậm tiến độ làm hệ thống điện từ chỗ có mức dự phòng 20-30% hiện cơ bản không còn.

Đến lúc siết các ngành tốn nhiều điện như thép, ximăng...? - Ảnh 1.
Điện miền Nam đang chịu áp lực lớn do nhiều dự án nhà máy điện chậm tiến độ. Trong ảnh: tại Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) đang xây dựng thêm 2 nhà máy - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhiều ý kiến cho rằng cần hạn chế, tăng cường chọn lọc trong thu hút đầu tư các ngành tiêu tốn nhiều điện như thép, ximăng...

Nhu cầu tăng hơn 10%,nguồn thiếu hụt 24%

Tại hội thảo tìm giải pháp phát triển nguồn điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia do báo Tiền Phong tổ chức ngày 28-5 ở TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Minh - phó trưởng ban phụ trách ban chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - cho hay theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 là 21.650MW.

Tuy nhiên, tính tổng giai đoạn 2016-2020, nguồn phát điện chỉ đạt 16.500MW. "Nguồn điện từ chỗ có dự phòng 20-30% ở giai đoạn 2015-2016, đến năm 2018-2019 hầu như không còn dự phòng và sang giai đoạn 2021-2025 rơi vào tình trạng thiếu nguồn cấp điện" - ông Minh cảnh báo.

Về sự cố nhà máy điện ở Quảng Ninh gây mất điện một số quận huyện ở TP.HCM ngày25-5, ông Đinh Thế Phúc - vụ trưởng Vụ Năng lượng thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - giải thích:

"Các nguồn điện tập trung nhiều ở khu vực phía Bắc, việc truyền tải điện vào Nam dựa vào các đường dây 220 - 500kV, hiện lưới điện truyền tải không có dự phòng. Vì vậy, khi xảy ra sự cố các nhà máy điện, rơle tự động ngắt điện ở một số khu vực phía Nam để hệ thống không bị rã lưới".

Ông Nguyễn Quốc Minh cho hay EVN cũng có nhìn nhận, đánh giá lại hệ thống lưới điện truyền tải trong dự thảo chiến lược phát triển EVN đến năm 2025, tầm nhìn 2030 có đề xuất một số giải pháp liên quan đến hệ thống điện truyền tải này.

Trong đó, EVN rất kỳ vọng Nhà nước quan tâm, có chính sách để EVN đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải 220 - 500kV có chế độ dự phòng. Nội dung này trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thẩm định để trình Chính phủ phê duyệt, sau đó sẽ triển khai.

Phải hạn chếngành tiêu tốn điện

Theo ông Lê Văn Lực - phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch nhưng vận hành không ổn định, nên cần có nguồn dự phòng.

Nguồn nhiệt điện than được xem là nguồn có giá hợp lý (dự kiến đến năm 2030 nhiệt điện than chiếm 53,2% tổng sản lượng điện hệ thống), nhưng hiện nay nguồn điện này cũng không đầu tư kịp theo quy hoạch vì nhiều lý do.

Cụ thể, ông Lực cho biết nhiệt điện than ở Long An quy mô 2.800MW, nhiệt điện Bạc Liêu 1.200MW, nhiệt điện Tân Phước 2.400MW... không thể vận hành trong giai đoạn 2024 - 2030.

Nếu thay thế khoảng 2.000MW nhiệt điện than bằng nhiệt điện khí và điện mặt trời thì khả năng tăng chi phí thêm khoảng 7.000 tỉ đồng. Điều này sẽ góp phần làm tăng chi phí đầu vào giá điện.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế VN - cho rằng để đảm bảo an ninh năng lượng, cơ quan chức năng cần có những chính sách mạnh mẽ cho "cung" nhưng cũng đồng thời phải tăng kiểm soát "cầu".

Dẫn chứng một thời gian giá điện ở VN rẻ nên nhiều ngành sản xuất tiêu tốn điện đầu tư ồ ạt về VN, ông Thiên đề nghị: "Những ngành sản xuất, thiết bị sử dụng năng lượng kém hiệu quả chúng ta nên hạn chế. Song song đó khuyến khích đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng, việc này phải cụ thể hóa các chính sách, thậm chí chế tài cụ thể, chứ nói nhiều rồi còn thực hiện chậm".

Trong khi đó, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt VN, cho rằng việc thiếu điện từ năm 2020 không còn là nguy cơ, mà là hiện thực. Vì vậy, ông Nghĩa cũng đồng tình cần có chính sách kiểm soát từ đầu tư nguồn đến nhu cầu tiêu thụ.

Ông Nghĩa cho rằng chọn nhiệt điện than ưu tiên phát triển vẫn là hợp lý bởi giá rẻ. Vấn đề về môi trường nhiệt điện than, ông Nghĩa nhấn mạnh quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của VN cũng đã tiệm cận được với thế giới, vấn đề là làm sao kiểm soát cho hiệu quả.

Miền Nam thiếu nguồn điện dự phòng

Theo ông Lê Văn Lực, TP.HCM là vùng có nhu cầu điện rất lớn ở phía Nam, trong khi các nguồn phát điện ở miền Nam rất yếu. Do đó, khả năng "cứu hộ" không kịp thời, thậm chí không có, dẫn đến nguy cơ ngắt một số khu vực sử dụng điện rất cao khi các nhà máy phía Bắc bị sự cố lớn.

Vì vậy việc cấp bách sắp tới là người dân, các công xưởng, nhà máy phải tăng tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tăng cường điện mặt trời áp mái để giảm áp lực chuyển tải điện từ Bắc vào Nam.

Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo không phải là giải pháp cơ bản để giải bài toán thiếu điện ở miền Nam bởi cần có những nguồn lớn hơn, ổn định hơn có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cả ngày lẫn đêm.

* Ông Lê Văn Lực

(phó cục trưởng Cục Điện lực):

Mua điện nước ngoài không dễ

Một giải pháp là nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Hiện nay, chúng ta đang nhập khẩu khoảng 1.000MW từ hai nước này và tương lai sẽ tiếp tục nâng lượng điện nhập khẩu lên 3.000 - 5.000MW.

Tuy nhiên, việc mua điện nước ngoài không chỉ là vấn đề giá cả, mà còn phụ thuộc rất nhiều lượng điện mà các nước bạn có dư dả để bán cho mình không.

QUANG KHẢI - NGỌC HIỂN

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Đổ tội cho trời! (29/05/2019)

>   Việt Nam: 1 lít sữa giá bằng 2 chai bia, Singapore: giá bia gấp đôi sữa (29/05/2019)

>   Hết 5 tháng mới giải ngân được 24,8% kế hoạch vốn đầu tư (28/05/2019)

>   Vụ tôm 2019: Thức ăn tăng giá gấp 5 lần, khó khăn ập tới (28/05/2019)

>   DBS: Kinh tế Việt Nam có thể vượt mặt Singapore vào năm 2029 (28/05/2019)

>   Dừng tiểu dự án 13.6 triệu USD lập thiết kế khung kỹ thuật metro số 5 (28/05/2019)

>   Vũ 'nhôm': 'Anh Bình từng cho bị cáo mượn hàng triệu đôla' (28/05/2019)

>   Dòng vốn từ Trung Quốc đổ sang Việt Nam (28/05/2019)

>   Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy nhanh nhiều dự án trọng điểm (28/05/2019)

>   Phan Văn Anh Vũ: 'Bị cáo không biết 200 tỷ là tiền của DAB' (27/05/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật