Gần 1.000 tấn cá các loại vừa chết trắng trên sông La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) khiến 81 hộ làm nghề lồng bè thiệt hại nặng.
Các cơ quan hữu trách đã sớm vào cuộc tìm hiểu. Đối với người nuôi cá, lần này họ mong chờ một kết quả điều tra khác trước, gần với sự hoài nghi bấy nay của họ hơn, đó là có sự "can dự" của nhiều cơ sở sản xuất - chế biến công nghiệp ở đầu nguồn con sông.
Tuy nhiên, chỉ là bổn cũ soạn lại. Đúng một năm trước, cũng trên khúc sông này, cá nuôi chết đến gần 2.000 tấn, cơ quan chức năng kết luận "do mưa lớn, cá thiếu ôxy". Bây giờ cũng vậy, vẫn ra văn bản cả quyết: "lượng mưa lớn kéo dài (...) khiến môi trường thay đổi đột ngột, ô nhiễm hữu cơ cao dẫn đến hàm lượng ôxy trong nước giảm thấp cộng với chất rắn lơ lửng cao làm tăng độ đục của nước, làm ảnh hướng đến hô hấp của cá gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt".
Cá chết trắng trên sông La Ngà (Đồng Nai) - Ảnh: HOÀNG XUÂN
|
Tóm lại, cá chết là do thiên tai. Còn nhân tai thì không thấy đề cập trong khi yếu tố này đáng ra phải được tập trung làm rõ, tới nơi tới chốn. Không thể không nghi ngờ khi hai bên sông La Ngà có khu công nghiệp với cả chục công ty hoạt động cùng nhiều cơ sở sản xuất khác, đặc biệt là có cả nhà máy đường và nhà máy men hóa chất, tất cả đều xả thải ra khu vực thượng lưu. Dù rằng cơ quan chuyên trách về tài nguyên - môi trường cam đoan kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải của những công ty, nhà máy đó; có hệ thống quan trắc truyền dữ liệu về cơ quan quản lý để theo dõi nhưng làm sao tin được khi mà đến nay chưa ai có thể quên chuyện Sonadezi bức tử rạch Bà Chèo hay Vedan đầu độc sông Thị Vải năm nào, 2 vụ chấn động này đều xảy ra trên đất Đồng Nai.
Thêm cơ sở để nghi ngờ nữa là từ đơn thư tố cáo của người dân địa phương, trong đó có bà Lê Thị Tình, ngụ ấp 4, xã La Ngà - người theo sát tình hình ô nhiễm trên sông La Ngà. Bà Tình bức xúc nói với phóng viên Báo Người Lao Động: "Tôi lấy cả danh dự và tài sản gia đình "thách" cơ quan chức năng đào hệ thống cống ngầm của công ty M. lên để làm rõ, nếu chất thải từ đơn vị này đủ tiêu chuẩn, tôi sẽ chịu trách nhiệm!".
Tin người dân hay tin vào mấy bảng chứng nhận đạt chuẩn xả thải do cơ quan tài nguyên - môi trường cấp? Câu trả lời là phải có cơ quan độc lập đủ chuyên môn và sự công tâm vào cuộc. Không thì người dân nuôi cá lồng bè còn khổ dài dài, nhà nước lại phải tốn ngân sách hỗ trợ còn cán bộ chức trách thì vẫn phây phây!
Đổ lỗi cho trời là tình trạng phổ biến. Nguyên nhân gây ngập là do nước, đường cao tốc vừa khánh thành đã sớm bong tróc là tại mưa to, tượng đài mới xây xong đã bung vỡ là vì gió bão... (!?). Ông trời hay thiên tai cứ thế trở thành địa chỉ hứng mọi tội lỗi của nhân gian, bởi vì đổ cho đấng siêu hình là cách biện hộ giản đơn nhất, dễ thoái thác trách nhiệm nhất, lại an toàn vì chẳng bị phản kháng.
Mỗi khi hứng chịu thiên tai, dân gian thường quan niệm là bị "trời phạt". Vì sao "trời phạt"? Ấy là tại lỗi của con người. Chỉ con người mới có tội chứ chẳng phải trời đất nào cả, nên hãy chấm dứt đổ tội cho trời!