Thị trường dầu đang đối mặt với nguy cơ gì?
Khi nguồn cung dầu toàn cầu ngày càng ít đi, các chuyên gia ngành dầu đồng tình cho rằng thị trường dầu thô đang dần trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết trước những sự kiện gián đoạn đột ngột hoặc bất ngờ. Tuy nhiên, họ lại không mấy đồng nhất về rủi ro lớn nhất của thị trường dầu là gì.
Giá dầu đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2019, nhờ các đợt cắt giảm sản lượng (do OPEC khởi xướng), xung đột leo thang ở Libya và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela.
Hai hợp đồng dầu Brent tương lai và dầu WTI tương lai đã tăng tương ứng 30% và 40% so với thời điểm đầu năm 2019.
Lý do chính dẫn tới đà tăng ấn tượng của giá dầu là rất đơn giản: Thị trường dầu đang thắt chặt. Nói cách khác, tình trạng dư cung toàn cầu đã dần tan biến, cung và cầu trên thị trường dần tiến tới trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, nguy cơ thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung lại gia tăng.
Các chuyên viên phân tích năng lượng thường đồng tình rằng các chỉ báo rủi ro trên thị trường dầu là ngọn nguồn cho những lo ngại. CNBC đã tổng hợp quan điểm của các trader và chuyên viên phân tích dầu về những sự kiện có khả năng ảnh hưởng mạnh nhất tới thị trường dầu.
Bất ổn ở Libya
“Đối với tôi, sự kiện có tác động mạnh nhất tới thị trường dầu tại thời điểm này là bất ổn ở Libya”, Stephen Brennock, Chuyên viên phân tích dầu tại PVM Oil Associates, nói với CNBC thông qua email.
“Hoạt động sản xuất dầu ở Libya vẫn chưa bị gián đoạn, nhưng tôi ngờ rằng tình trạng gián đoạn sẽ tới chỉ là không biết lúc nào. Tướng Haftar và các lực lượng phía đông Libya của ông quyết tâm chiếm giữ Tripoli và đi kèm với đó là nguy cơ không thể tránh khỏi khi hết nguồn cung”, Brennock cho hay.
Tình trạng xung đột hiện tại đã khuếch đại nỗi lo sợ rằng cuộc chiến tranh có thể sớm nổ ra giữa hai phe phái chính trị ở quốc gia sản xuất dầu này.
Các lệnh trừng phạt lên Iran
“Thị trường vẫn đang rất kiên cố, trong trạng thái khá chặt, và chúng tôi nghĩ giá dầu sẽ trong phạm vi 70 USD/thùng trong suốt quý 2 và sang tới quý 3/2019 tùy thuộc vào những gì sắp xảy ra. Và có nhiều biến số giữa thời điểm hiện tại và thời điểm sau này”, Edward Morse, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Citi Group, nói với CNBC trước đó trong tháng này.
Một biến số là liệu chính quyền Mỹ có gia hạn thời hạn miễn lệnh trừng phạt đối với 8 quốc gia đang nhập khẩu dầu từ Iran hay không và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn còn thời hạn tới ngày 02/05/2019 để đưa ra quyết định. Ông Morse tin rằng trọng tâm của Mỹ sẽ là các lệnh trừng phạt và Venezuela. Có khả năng, Mỹ sẽ đưa ra động thái “mềm mỏng” hơn đối với các quốc gia nhập khẩu dầu từ Iran.
Hợp đồng dầu Brent tương lai dao động quanh mức 71.75 USD/thùng vào chiều ngày thứ Năm (18/04), tăng 0.2%. Còn hợp đồng dầu WTI tương lai tăng 0.3% lên 63.94 USD/thùng.
“Tôi lo ngại nhất về các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran… Đây là vấn đề quan trọng nhất về phía nguồn cung và dĩ nhiên cũng là vấn đề cực kỳ phức tạp”, Cailin Birch, Chuyên gia kinh tế toàn cầu tại The Economist Intelligence Unit (EIU), nói với CNBC thông qua điện thoại.
“Bản chất khó lường” về chính sách ngoại giao Mỹ tạo ra rủi ro rất lớn là chính quyền Trump sẽ không gia hạn thời gian miễn thuế đối với các quốc gia nhập khẩu dầu từ Iran vào tháng tới, Birch nhận định. Vào ngày 02/05/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump phải quyết định có gia hạn miễn lệnh trừng phạt đối với các quốc gia nhập khẩu dầu từ Iran hay không.
Mặc dù đưa ra chính sách gây áp lực lớn lên Iran, nhưng Tổng thống Mỹ cho biết ông đưa ra lệnh miễn trừng phạt đối với 8 quốc gia trong tháng 11/2018 nhằm ngăn chặn giá dầu tăng mạnh. Các lệnh miễn trừng phạt được xem là cách xoay sở mối quan hệ với các quốc gia bên ngoài, phần lớn đều phản đối chính sách của ông Trump đối với Iran.
Sự kiện thiên nga đen
“Nhà đầu tư đang tràn đầy kỳ vọng rằng Washington sẽ thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran cho phù hợp với mục tiêu giảm kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran xuống mức 0. Không cần phải nói, thị trường dầu hiện đang bị thiếu hụt nguồn cung và nếu nguồn cung từ Libya và Iran giảm thêm thì sẽ đẩy thị trường vào trạng thái thiếu cung trầm trọng và giá sẽ tăng vọt”, Brennock nhận định.
“Điều này có thể là một sự kiện thiên nga đen vì nó sẽ buộc liên minh OPEC+ tăng sản xuất dầu trở lại”, ông nói thêm.
Nhóm OPEC+ ý muốn nói tới liên minh năng lượng giữa OPEC và các thành viên bên ngoài OPEC. Họ đang muốn cắt giảm 1.2 triệu thùng/ngày cho tới tháng 6/2019, sau khi giá dầu thô rớt mạnh vào cuối năm 2018.
“Từ những bài học của năm 2018, OPEC cho thấy họ có khả năng tăng sản lượng rất mạnh, giảm sản lượng cũng mạnh, do đó có khả năng tùy cơ ứng biến cao”, Jeff Currie, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Goldman Sachs, cho biết trước đó trong tháng này. “Chúng tôi học được gì về Trung Quốc? Họ có thể kích thích rồi cũng có thể giảm đòn bẩy. Chúng tôi chứng kiến gói kích thích lớn trong tháng 1/2019, nhưng lại giảm đòn bẩy trong năm 2018. Chúng tôi đã chứng kiến điều gì ở Mỹ? Đôi lúc quá diều hâu, nhưng lại có khi quá bồ câu”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|