SCB: Cơ cấu lại danh mục tín dụng, tăng vốn 3,000 - 5,000 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sẽ tập trung cơ cấu lại danh mục tín dụng và cải thiện chất lượng nguồn thu cho Ngân hàng, đồng thời đề ra kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3,000 - 5,000 tỷ đồng trong năm 2019.
Tăng vốn từ 3,000 – 5,000 tỷ đồng
2019 là năm kết thúc quá trình tái cơ cấu lại theo Đề án tái cơ cấu gia đoạn 2015 – 2019 đã được NHNN phê duyệt. Đồng thời, với việc hoàn thiện Phương án cơ cấu lại gắn với Đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, SCB sẽ chú trọng cơ cấu lại danh mục tín dụng và cải thiện chất lượng nguồn thu cho Ngân hàng.
Cụ thể, các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2019 đều tăng trưởng so với năm 2018. Tổng tài sản theo kế hoạch đạt 558,015 tỷ đồng, tăng gần 10%. Cho vay khách hàng đạt 341,138 tỷ đồng, tăng 13%, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ dưới 5% và tỷ lệ nợ xấu trên tổng nợ nợ dưới 3%. Huy động thị trường 1 đạt 473,338 tỷ đồng, tăng hơn 13%.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2019 đạt 273 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với năm 2018. Các chỉ số tài chính như tỷ lệ ROA và ROE đạt lần lượt 0.04% và 1.11%, hệ số CAR đạt trên 9%.
Năm 2019, SCB cũng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 3,000 – 5,000 tỷ đồng bằng phương thức chào bán 500 triệu cp riêng lẻ với mệnh giá 10,000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu sở hữu từ 0.5% vốn điều lệ trở lên, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Như vậy, tổng giá trị dự kiến thu được từ đợt chào bán này khoảng 5,000 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong quý 2/2019 hoặc quý 3/2019 sau khi được NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Số vốn sau khi tăng thêm sẽ được tập trung đầu tư tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng, bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Tại Đại hội lần này, SCB sẽ trình ĐHĐCĐ bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, 2 thành viên BKS nhiệm kỳ 2017-2022.
Hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2022 là ông Chiêm Minh Dũng, ông Tạ Chiêu Trung và hai thành viên BKS là bà Phạm Thu Phong, bà Võ Thị Mười xin miễn nhiệm.
Ông Chiêm Minh Dũng vừa được bầu vào HĐQT SCB nhiệm kỳ 2017 – 2022 từ ĐHĐCĐ 2017. Trong Khi đó ông tạ Chiêu Trung trúng cử vào HĐQT SCB từ mùa ĐHĐCĐ 2014. Trước khi vào HĐQT SCB, ông Trung từng giữ chức vụ Tổng giám đốc Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú - Công ty sở hữu gần 183 triệu cp, tương đương 12.8% vốn điều lệ của SCB (tại ngày 31/12/2017).
Năm 2018: Phát triển theo hướng ngân hàng bán lẻ
Tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản của SCB đạt 508,954 tỷ đồng, tăng gần 15% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 301,892 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với đầu năm. SCB duy trì tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu lần lượt là 0.61% và 0.42%.
Về hoạt động đầu tư và góp vốn, danh mục đầu tư của SCB đến cuối năm 2018 đạt 64,397 tỷ đồng, giảm gần 17% so với đầu năm. Tính đến ngày 31/12/2018, SCB có 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác Tài sản Ngân hàng hàng (AMC) và Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long, tổng giá trị SCB góp vốn vào 2 công ty này 1,086 tỷ đồng.
Tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của SCB tăng 65,011 tỷ đồng, tăng 18.4%, đưa tổng quy mô huy động thị trường 1 đạt 418,338 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng đạt 35,391 tỷ đồng, tăng hơn 13%, nâng quy mô cho vay lên 301,892 tỷ đồng. SCB tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, các sản phẩm tín dụng tập trung vào phân khúc cho vay bổ sung vốn kinh doanh. Đầu tư tài sản và cho vay tiêu dùng, mua xe, mua nhà. Điểm sáng tín dụng năm 2018 của SCB là tập trung sản phẩm “Cho vay mua nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xây dựng nhà ở, cải tạo nhà ở”.
Kết quả kinh doanh năm qua của SCB chuyển dịch theo hướng tăng thu ngoài lãi, đẩy mạnh tăng trưởng khách hàng cá nhân. Tổng thu ngoài lãi thuần đạt 1,746 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của SCB đạt 229 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Mức lợi nhuận khiêm tốn này chủ yếu là do SCB vẫn đang trong quá trình củng cố nền tảng tài chính, các chi phí tái cơ cấu phát sinh trong năm tương đối cao cũng như việc SCB phải tập trung nguồn lực để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Tổng số dự phòng rủi ro tín dụng trích lập trong năm 2018 là 2,162 tỷ đồng, trong đó chi phí trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng và tài sản có khác là 847 tỷ đồng, chi phí trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC gần 1,315 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết dài 42/2017/QH14 về thí điểm xử ký nợ xấu, SCB tiếp tục bán nợ cho VAMC trong năm 2018. Tổng mệnh giá trái phiếu VAMC tính đến cuối năm 2018 mà SCB đang nắm giữ là 26,685 tỷ đồng và trong năm, SCB cũng đã thực hiện thoái thu để hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu là 938 tỷ đồng. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh doanh khiêm tốn năm qua.
Về vốn điều lệ, tính đến 31/12/2018, vốn điều lệ của SCB đạt 15,232 tỷ đồng, thấp hơn so với mục tiêu 16,000 tỷ đồng do năm 2018, SCB dự kiến tăng thêm 1,705 tỷ đồng nhưng trên thực tế, vì một số lý do khách quan dẫn đến chỉ tăng vốn thành công 937 tỷ đồng.
Cát Lam
FILI
|