Phía sau con số dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục
Sau khi sụt giảm trong những tháng cuối năm 2018, dự trữ ngoại hối (DTNH) của Việt Nam đã tăng mạnh mẽ trở lại trong quý 1 đầu năm nay nhờ vào động thái mua ròng ngoại tệ liên tục của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Phía sau diễn biến này là gì?
Giảm cuối năm tăng đầu năm
63.5 tỷ USD là số liệu DTNH của NHNN theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 5 Quốc Hội khóa 14 hồi tháng 5/2018. Sau những biến động tỷ giá trong nửa cuối quý 3 kéo dài sang quý 4/2018, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất đẩy đồng USD vọt mạnh trên thị trường quốc tế, DTNH theo thống kê thời điểm cuối tháng 10 chỉ còn xấp xỉ 60 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, số liệu tính đến cuối năm 2018 chỉ còn quanh 59 tỷ USD, tức đã giảm 5.5 tỷ USD so với con số đạt được nửa đầu năm, sau hàng loạt động thái bán ngoại tệ để bình ổn thị trường ngoại hối của nhà điều hành. Dù vậy, theo báo cáo của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra vào đầu tháng 1, NHNN trong năm 2018 vẫn mua ròng được 6 tỷ USD.
Trong những báo cáo được chia sẻ mới đây cho thấy, NHNN trong giai đoạn trước tết Âm lịch đã mua thêm được 4 tỷ USD, và kể từ sau Tết mua thêm được 2.5 tỷ USD, đưa mức DTNH lên khoảng 65.5 tỷ USD vào cuối quý 1/2019 vừa qua. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, “kho đạn” ngoại tệ của cơ quan này đã tăng thêm được 6.5 tỷ USD.
Nếu so với mức gần 28 tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2015, thì chỉ trong vòng hơn 3 năm qua DTNH của quốc gia đã tăng xấp xỉ 2.3 lần, cho thấy chính sách điều hành trên thị trường ngoại hối lẫn tiền tệ có những hiệu quả nhất định, cũng như phản ánh xu hướng nguồn cung ngoại tệ đổ vào trong nước đầy mạnh mẽ.
Dòng vốn ròng
Đánh giá về sự gia tăng của DTNH, có thể lý giải ở một số nguyên nhân sau. Thứ nhất là nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng tăng mạnh. Thống kê cho thấy trong năm 2018 có đến 19 tỷ USD vốn chảy vào Việt Nam, gồm 9.1 tỷ USD là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện và gần 9.9 tỷ USD là vốn đầu tư gián tiếp (FPI). Và chỉ trong quý 1 đầu năm nay, con số này đã hơn 9.8 tỷ USD, tương đương hơn 50% so với cả năm 2018, trong đó hơn 4.1 tỷ USD là vốn FDI thực hiện và gần 5.7 tỷ USD là vốn FPI.
Theo như phân tích của các tổ chức, ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy một lượng vốn lớn đầu tư tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc và tìm đến Việt Nam để hạn chế rủi ro. Ngoài ra, với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019, cũng giúp thúc đẩy vốn đầu tư đổ vào Việt Nam để tận dụng những điều khoản ưu đãi dành cho các thành viên.
Ở vốn đầu tư gián tiếp, lộ trình cổ phần hóa hay thoái vốn, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những thương vụ gây chú ý gần đây nhất là Ngân hàng Vietcombank bán cổ phần cho cổ đông chiến lược Mizuho Bank để duy trì tỷ lệ sở hữu 15% và bán thêm 2.55% cổ phần cho quỹ đầu tư GIC của Singapore vào cuối tháng 12/2018, thu về gần 6.2 ngàn tỷ đồng (xấp xỉ 270 triệu USD) để tăng vốn lên 37 ngàn tỷ đồng.
Điều này làm nhớ lại cùng thời điểm năm trước, NHNN cũng đã mua ròng xấp xỉ 8 tỷ USD chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2018, nhờ vào dòng vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ và hoạt động thoái vốn thành công tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước, nổi bật nhất là khoản 5 tỷ USD thu về từ thương vụ bán Sabeco giúp NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ ngay từ đầu năm 2018.
Hoạt động thương mại cũng tiếp tục thể hiện diễn biến tích cực. Sau khi xuất siêu đến 7.2 tỷ USD trong năm 2018, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xuất siêu gần 540 triệu USD trong 3 tháng đầu năm nay, dù kim ngạch xuất khẩu bị ảnh hưởng đáng kể từ hoạt động sản xuất điện thoại thông minh của Samsung vốn đang găp nhiều khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện quý 1 đầu năm nay chỉ đạt 12.1 tỷ USD, giảm 4.3% so với cùng kỳ, trong khi nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản giảm 1.2% còn nhóm hàng thủy sản giảm 1.4%.
Các ngân hàng dư thừa ngoại tệ
Trong khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào, cầu ngoại tệ thời điểm hiện nay lại khá thấp, phản ánh qua diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do và tại các ngân hàng ngày càng thu hẹp mức chênh lệch so với trần tỷ giá trung tâm của NHNN. Thực tế là thời điểm đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh còn chậm nên các doanh nghiệp cũng chưa có nhu cầu nhập khẩu nhiều.
Ngoài ra, với việc tiền gửi USD tại các ngân hàng tiếp tục xu hướng chuyển dịch sang tiền đồng khi trần lãi suất tiền gửi USD đã về 0% từ cuối năm 2015, trong khi giữ ngoại tệ gần như không có lợi khi biến động tỷ giá quá thấp so với lãi suất tiền gửi VNĐ, nhờ đó các ngân hàng tiếp tục mua được lượng lớn ngoại tệ từ người dân từ dòng kiều hối lẫn vốn ngoại tệ tích trữ.
Ở chiều ngược lại, hoạt động cho vay ngoại tệ ngày càng bị hạn chế, gần đây là nhất là Thông tư 42/2018-TT-NHNN về cho vay ngoại tệ đã đưa ra lộ trình đến 31/3/2019 dừng việc nhu cầu nhập khẩu ngoại tệ ngắn hạn với khách hàng có nguồn thu ngoại tệ. Điều này càng khiến nguồn vốn ngoại tệ trở nên dư thừa và ứ đọng tại các ngân hàng thương mại. Trước tình hình trên, các nhà băng càng có động lực bán ngoại tệ cho NHNN, nhất là khi NHNN đã tăng mạnh giá mua USD vào ngay từ đầu năm nay.
Theo quy định thì đến ngày 30/09/2019 các ngân hàng cũng phải dừng cho vay trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Như vậy, các khách hàng sẽ phải tất toán dần các khoản vay ngoại tệ và càng giúp lượng thanh khoản ngoại tệ của các nhà băng tiếp tục dư thừa.
Điều này làm nhớ lại cùng thời điểm năm trước, NHNN cũng đã mua ròng xấp xỉ 8 tỷ USD chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2018, nhờ vào dòng vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ và hoạt động thoái vốn thành công tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước, nổi bật nhất là khoản 5 tỷ USD thu về từ thương vụ bán Sabeco giúp NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ ngay từ đầu năm 2018.
|
Phan Thụy
FILI
|