Sắc xanh đã lan tới chứng khoán châu Á
Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương khởi sắc vào sáng ngày thứ Ba (02/04), nối tiếp đà leo dốc trên Phố Wall đêm qua, khi nỗi lo về khả năng suy thoái kinh tế dịu bớt.
Tính tới lúc 9h40 ngày thứ Ba (02/04 – giờ Việt Nam), chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 7.24 điểm (tương đương 0.23%), còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cộng 64.61 điểm (tương đương 0.22%).
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cộng 50 điểm (tương đương 0.23%), còn Topix tiến 0.16%. Đồng JPY – vốn được xem là đồng tiền trú ẩn an toàn – được giao dịch ở mức 111.31 đổi 1 USD, suy giảm từ mức gần 110 đổi 1 USD trong tuần trước khi nhà đầu tư chấp nhận thêm rủi ro.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 9h40 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi tiến 6.32 điểm (tương đương 0.29%).
Bên cạnh đó, chỉ số ASX 200 của Australia tăng 48.9 điểm (tương đương 0.79%), khi phần lớn lĩnh vực đều leo dốc. Chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – cộng 1.24%, còn chỉ số năng lượng cộng 1.29%.
Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) sắp công bố quyết định chính sách tiền tệ vào lúc 14h30 giờ địa phương và kế đó là báo cáo Ngân sách Liên bang. Cả hai thông tin trên có khả năng cung cấp xu hướng về đồng AUD – vốn được giao dịch ở mức 0.7103 USD vào lúc 9h37 giờ HK/SIN.
“Rủi ro là RBA chấp nhận quan điểm ‘bồ câu’ hơn, qua đó sẽ ảnh hưởng tới kỳ vọng lãi suất Australia và cả đồng AUD”, Richard Grace, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ và Trưởng bộ phận kinh tế quốc tế tại Commonwealth Bank (Australia), viết trong báo cáo buổi sáng.
“Tuy nhiên, tín hiệu đáng khích lệ từ đà tăng trưởng của các hoạt động kinh tế toàn cầu đã làm giảm bớt rủi ro đó và rủi ro thực hiện gói kích thích tài khóa lớn của Chính phủ Australia”, ông nói thêm.
Dữ liệu công bố trong ngày thứ Hai (01/04) cho thấy tín hiệu đầy hứa hẹn ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – qua đó xoa dịu nỗi lo ngại về đà giảm tốc kinh tế toàn cầu.
Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc bất ngờ phục hồi trong tháng 3/2019 sau khi giảm 3 tháng liên tiếp, một cuộc khảo sát tư nhân cho thấy. Chỉ số PMI sản xuất của Caixin đạt 50.8 trong tháng 3/2019.
Chỉ số PMI chính thức cũng tăng lên 50.5 trong tháng 3/2019, từ mức 49.2 của tháng 2, qua đó đánh dấu tháng mở rộng đầu tiên trong 4 tháng qua, dựa trên dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) trong ngày Chủ nhật (31/03). Được biết, chỉ số PMI trên 50 biểu hiện sự mở rộng.
“Đây là tháng đầu tiên trong 4 tháng qua mà hoạt động sản xuất Trung Quốc trở lại với đà tăng trưởng và cho thấy sự hỗ trợ từ các chính sách vĩ mô đã bắt đầu ‘thấm’ vào nền kinh tế”, David de Garis, Giám đốc và Chuyên gia kinh tế cấp cao tại National Australia Bank, cho biết trong một báo cáo.
Các chỉ số phụ khác cũng được cải thiện, trong đó số đơn đặt hàng mới và đơn xuất khẩu mới đều tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng.
“Các biện pháp chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng và các chính sách tài khóa chủ động đã góp phần ổn định khoản đầu tư”, Zhou Hao, Chuyên gia kinh tế tại Commerzbank AG ở Singapore, nhận định. “Trong ngắn hạn, kỳ vọng Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể sẽ giảm”, ông cho biết.
“Dữ liệu kinh tế Mỹ tốt hơn dự báo cũng góp phần xoa dịu nỗi lo về tăng trưởng kinh tế Mỹ (tại thời điểm này), còn đà hồi phục của dữ liệu sản xuất Trung Quốc tiếp tục tạo ảnh hưởng tích cực tới các thị trường toàn cầu”, các chuyên viên phân tích tại ANZ Research cho biết trong báo cáo buổi sáng. “Lời bàn tán về suy thoái đã lắng xuống khi đường cong lợi suất Mỹ lại dốc lên”.
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 97.336, tăng từ mức gần 96.600 trong tuần trước.
Các hợp đồng dầu thô tương lai khởi động quý 2/2019 với đà tăng mạnh vào ngày thứ Hai (01/04), nhờ các dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt và nỗi lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu dịu bớt.
Cụ thể, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex vọt 1.45 USD (tương đương 2.4%) lên 61.59 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 07/11/2018. Hợp đồng này đã bứt phá 32.4% trong 3 tháng đầu năm 2019, đánh dấu quý tăng mạnh nhất kể từ quý 2/2009.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn cộng 1.43 USD (tương đương 2.1%) lên 69.01 USD/thùng. Dầu Brent đã leo dốc 25% trong quý 1, cũng là quý có thành quả tốt nhất kể từ năm 2009.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|