Tăng hơn 200 điểm, Dow Jones nhẹ nhàng vượt ngưỡng 26,000 điểm
Chứng khoán Mỹ khởi đầu tháng 4/2019 bằng đà tăng mạnh khi dữ liệu sản xuất công nghiệp tích cực từ Mỹ và Trung Quốc xoa dịu nỗi lo về khả năng giảm tốc toàn cầu.
Vào lúc 21h37 ngày thứ Hai (01/04 – giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 215.41 điểm (tương đương 0.83%), đồng thời vượt ngưỡng 26,000 điểm, dẫn dầu là đà tăng của hai cổ phiếu United Technologies và Goldman Sachs. Chỉ số S&P 500 tiến 20.71 điểm (tương đương 0.73%) nhờ lĩnh vực tài chính có thành quả vượt bậc. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 58.72 điểm (tương đương 0.76%) nhờ đà leo dốc từ 4 ông lớn Facebook, Amazon, Netflix và Alphabet.
Nguồn: CNBC
|
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt khởi sắc. Các cổ phiếu Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bank of America và J.P. Morgan Chase đều tăng ít nhất 2%. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Bank ETF (KBE) tiến 1.2%.
Hoạt động sản xuất công nghiệp Mỹ mở rộng trong tháng trước, phục hồi trở lại từ mức thấp nhất kể từ cuối năm 2016, dựa trên dữ liệu từ Viện Quản lý Nguồn cung (ISM). Chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng lên mức đỉnh trong ngày nhờ vào dữ liệu tích cực này.
Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc từ Caixin/Markit tăng lên mức 50.8 trong tháng 3/2019, cao nhất trong 8 tháng và cao hơn nhiều so với dự báo 49.9 của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Refinitiv. Chỉ số PMI trên 50 ám chỉ sự mở rộng và dưới 50 ám chỉ sự thu hẹp.
Chứng khoán châu Á tăng trên diện rộng nhờ dữ liệu hoạt động sản xuất tích cực từ Trung Quốc, trong đó chỉ số Shanghai Composite vọt 2.6%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và chỉ số S&P 500 của Hàn Quốc đều tăng hơn 1% trong phiên ngày thứ Hai (01/04). Chứng khoán châu Âu cũng leo dốc, chỉ số Stoxx 600 tiến 0.9%.
Các số liệu thống kê tích cực này đã giúp nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm phần nào về khả năng giảm tốc kinh tế trên toàn cầu. Đầu tuần trước, thị trường cổ phiếu hứng chịu nhiều áp lực khi thị trường trái phiếu phát tín hiệu suy thoái sắp ập đến.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm gần đây rơi xuống dưới lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng, tức xảy ra hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược – vốn được xem là một chỉ báo đáng tin cậy về suy thoái.
“Chu kỳ hiện tại đã được nới rộng và hiện tượng đảo ngược đường cong lợi suất khiến chúng tôi tỏ ra cảnh giác hơn về nền kinh tế và thị trường tài chính, nhưng chúng tôi không nghĩ rắc rối sẽ xuất hiện liền”, Doug Peta, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư khu vực Mỹ ở BCA Research, cho biết trong một báo cáo. “Chúng tôi không bỏ qua hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược, nhưng các chỉ báo suy thoái khác chưa xác nhận tín hiệu cảnh báo về suy thoái. Xét tới những dự báo mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chúng tôi cho rằng suy thoái sẽ không đến trước giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020”.
Đà tăng ngày thứ Hai (01/04) diễn ra sau khi S&P 500 ghi nhận khởi đầu năm tốt đẹp nhất kể từ năm 1998 và quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2009. Chỉ số này tăng 13.1% trong quý 1/2019, dẫn đầu là lĩnh vực công nghệ.
Trong những thông tin tích cực khác, Mỹ và Trung Quốc đã khép lại vòng đàm phán thương mại mới nhất trong tuần trước và sắp tiếp tục đàm phán ở Washington trong tuần này.
Tuần trước, các quan chức Mỹ cho biết Mỹ và Trung Quốc đã có thêm bước tiến về tất cả vấn đề trong các cuộc đàm phán thương mại, trong đó đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc đưa ra đề xuất chưa từng có về vấn đề chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Một quan chức cho biết Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất chưa từng có trước đây, qua đó làm dấy lên hy vọng về một thỏa thuận sẽ đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ về việc cải cách cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc.
“Họ đang trao đổi về chuyển giao công nghệ bắt buộc theo một cách chưa từng có trước đây – cả về phạm vi và các chi tiết cụ thể”, vị quan chức này cho hay.
Trước đó, Reuters ghi nhận rằng hai bên đang đàm phán về các thỏa thuận viết tay ở 6 lĩnh vực: Chuyển giao công nghệ bắt buộc, đánh cắp thông tin qua mạng, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, tiền tệ, nông nghiệp và các rào cản phi thuế quan đối với hoạt động thương mại.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|