Ngành Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực của TPHCM
Ngày 18/4/2019, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết từ năm 2014, NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là DNNVV trong quan hệ tín dụng ngân hàng.
Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực của tăng trưởng kinh tế như tín dụng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 61.19% tổng dư nợ nền kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 24%. Riêng lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đến cuối năm 2018 đạt hơn 1.3 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18% với gần 200,000 doanh nghiệp.
Trong 03 tháng đầu năm 2019 tăng khoảng 2.8% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3.63%
TPHCM là địa phương triển khai tích cực các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt đi đầu trong cả nước về triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Các hình thức kết nối được tổ chức phong phú, đa dạng như: ký kết cho vay theo chuyên đề (nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...) giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn; tổ chức kết nối do UBND các quận/huyện chủ trì phối hợp với NHNN chi nhánh thành phố, các TCTD và các đơn vị, tổ chức khác trên địa bàn; các TCTD chủ động xây dựng và đăng ký triển khai các Gói tín dụng cho vay đối với khách hàng là cá nhân, tổ chức trên địa bàn với lãi suất ưu đãi.
Kết quả là, trong năm 2018, các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã cho vay theo Chương trình được 10,593 khách hàng với số tiền 285,544 tỷ đồng; trong đó giải ngân cho vay theo Gói tín dụng ưu đãi lãi suất là 269,493 tỷ đồng cho 10,092 khách hàng với lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 6.5%/năm, trung dài hạn xoay quanh 9%/năm.
Kết quả triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã góp phần giúp TP. Hồ Chí Minh đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 14.69%, dư nợ cho vay DNNVV đạt 346,248 tỷ đồng, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế của TPHCM đạt 8.3%.
Các kết quả trên đã cho thấy những cố gắng của ngành Ngân hàng, các doanh nghiệp trong thời gian qua, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế TPHCM, cũng như hiệu quả của Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, vẫn còn nhiều khó khan, vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh như công tác cải cách thủ tục hành chính và các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh tại một số địa phương chưa đạt hiệu quả cao, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng, hạn chế khả năng tiếp cận vay vốn của doanh nghiệp.
Đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ định hướng, giải pháp hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp thời gian tới. Thứ nhất là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần liềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Thứ hai là thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng hiệu quả, chú trọng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm sát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, và Nghị quyết 02 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Cát Lam
FILI
|