VDSC: TCB có tiềm năng tăng trưởng cao về bancassurance
Theo báo cáo cập nhật mới nhất về ngành Ngân hàng của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), quý 4/2018 là quý thứ 13 liên tiếp của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) đạt tăng trưởng dương về cả thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế (không tính đến các khoản thu nhập bất thường).
Tính cho cả năm 2018, TCB đạt lợi nhuận trước thuế 10,661 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của TCB năm 2018 đến từ việc duy trì tăng trưởng tín dụng cao, tăng trưởng thu nhập dịch vụ và giảm chi phí dự phòng.
Tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 tăng lên mức 20%
Từ mức tăng trưởng khiêm tốn 4% của hai quý đầu năm. TCB là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết, chủ yếu nhờ danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 175%, lên mức gần 60 nghìn tỷ đồng. Nếu xét tổng dư nợ tín dụng (tính cả cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) thì tỷ trọng tín dụng cấp cho phân khúc bán lẻ có sự giảm nhẹ từ 36% về 33%.
Về tăng trưởng huy động, huy động khách hàng tăng 18%, nhưng phát hành giấy tờ có giá giảm từ 17,640 tỷ đồng, còn 13,178 tỷ đồng, do đó tổng huy động chỉ tăng trưởng 14% và hệ số LDR điều chỉnh tăng từ 97% lên 102%. Do đó, NIM vẫn được cải thiện từ 3.9% lên 4.0%. TCB đang duy trì được tỷ lệ CASA cao và tăng dần (2018: 27.1%) nhờ việc áp dụng chính sách “Zero fee” từ cuối năm 2016. Theo chính sách này, khách hàng được miến phí chuyển khoản online và phí quản lý tài khoản nếu duy trì được số dư tối thiểu ở một mức nhất định. Như vậy, nhờ cả việc tín dụng được đẩy mạnh và NIM tăng nhẹ nên thu nhập lãi thuần năm 2018 tăng 25%, là mức tương đối cao trong số các ngân hàng niêm yết.
Thu nhập dịch vụ tăng trưởng tốt so với năm ngoái, đạt gần 50% (không tính đến khoản phí trả trước một lần theo hợp đồng phân phối bảo hiểm nhân thọ với Manulife năm 2017). Động lực tăng trưởng của phí dịch vụ chủ yếu đến từ phí bảo lãnh phát hành chứng khoán và môi giới kinh doanh chứng khoán (tổng cộng thu về 1,249 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với năm 2017, chiếm 35% thu nhập dịch vụ) và thu nhập từ bancassurance (đạt 723 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2017, chiếm 20% thu nhập dịch vụ). Cho đến nay, TCB tuyên bố vị trí dẫn đầu thị trường trong một số lĩnh vực của mảng bán lẻ như bancassurance (21% thị phần phí), môi giới trái phiếu doanh nghiệp (81% thị phần) và khối lượng giao dịch thẻ Visa, do đó thúc đẩy tăng trưởng phí dịch vụ của ngân hàng.
Năm 2018, TCB có một khoản thu nhập không thường xuyên từ thoái vốn Techcom Finance hơn 894 tỷ đồng. Nếu không tính khoản này và khoản thu nhập bất thường của năm trước (gồm phí bảo hiểm trả trước 1,500 tỷ và thoái vốn HVN 355 tỷ) thì thu nhập hoạt động lõi của TCB tăng trưởng 21% so với 2017.
Nhờ chi phí dự phòng giảm mạnh 49% nên LNTT tăng trưởng 33% (nếu loại bỏ các thu nhập bất thường là 58%). VDSC nhận thấy chi phí dự phòng giảm chủ yếu do TCB được hoàn nhập dự phòng các khoản nợ đã bán lên tới 1,221 tỷ đồng, cũng như không còn phải trích lập cho nợ VAMC nữa (năm 2017 khoản này lên tới 1,664 tỷ đồng). Tuy nhiên, nếu không tính đến phần VAMC và hoàn nhập trên thì tổng trích lập dự phòng cho nợ nội bảng đã tăng khá mạnh từ 2,138 tỷ đồng lên 3,054 tỷ đồng (+42.9% yoy). Theo đó, mặc dù tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đã được nâng từ 73% lên 85%, việc tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1.6% lên 1.8% và nợ đã xóa tăng từ 1.1% lên 1.6% cho thấy xu hướng hình thành nợ xấu đang tăng lên. Nếu xu hướng này tiếp diễn thì chi phí dự phòng của TCB có thể sẽ tăng đáng kể trong năm 2019.
Về chi phí hoạt động, chi cho tài sản không tăng nhiều nhưng chi phí nhân viên tăng 25%, chi quản lý công vụ tăng 25% và chi hoạt động khác tăng 65% khiến chi phí hoạt động tăng 24%, và CIR tăng lên mức 32% (nếu không tính thu nhập từ bán công ty tài chính là 34%). Tuy vậy, TCB vẫn giữ vững vị trí ngân hàng có hiệu quả cao nhất khi đây là mức CIR thấp nhất trong số các ngân hàng niêm yết.
Với hệ số ROAA đạt mức 2.9% và ROAE đạt mức 21.5%, TCB là một trong các ngân hàng có khả năng sinh lời tốt nhất tại Việt Nam.
Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch vốn 2019
Năm 2019, TCB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13%, bằng với hạn mức hiện tại được giao bởi NHNN và kỳ vọng rằng sau khi hoàn thành tuân thủ Thông tư 41 về yêu cầu an toàn vốn theo Basel 2 thì có thể sẽ được giao thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Ngân hàng cũng nhắm tới việc phân phối 80% danh mục trái phiếu doanh nghiệp của mình cho các khách hàng cá nhân, qua đó (1) thu phí môi giới trái phiếu và (2) dành thêm hạn mức tín dụng để cho vay khách hàng. VDSC cho rằng nếu TCB có thể cân đối hiệu quả danh mục cho vay và trái phiếu của mình thì ngân hàng có thể tận dụng tốt hơn hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao (so với năm 2018) cũng như nâng cao lợi suất tài sản có.
Trong năm này, TCB đặt mục tiêu tăng trưởng LNTT đạt 10.2% Tuy đây là mục tiêu tương đối khiêm tốn, nhưng nếu không tính khoản lợi nhuận không thường xuyên từ bán công ty tài chính năm 2018 thì mục tiêu tăng trưởng so với năm trước là 20.3%.
Như vậy, cho đến nay TCB đã tương đối thành công khi tập trung vào tăng doanh thu thông qua mở rộng cơ sở khách hàng, tăng số sản phẩm cung cấp cho khách hàng, và giảm chi phí giao dịch. VDSC nhận thấy TCB có tiềm năng tăng trưởng cao về bancassurance và phí dịch vụ trái phiếu, cũng như có khả năng sinh lời tốt.
Dù vậy, VDSC vẫn lưu ý rằng, đóng góp một phần khá lớn cho mức tăng trưởng thu nhập cao của năm 2017 và 2018 của TCB là nhờ các khoản lợi nhuận không thường xuyên đến từ việc thoái vốn và ký kết hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền. Ngoài ra, định hướng kinh doanh hiện tại của TCB tiềm ẩn nhiều rủi ro tập trung như việc cho vay nhiều trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả đầu tư trái phiếu của chủ đầu tư và cho vay mua nhà đối với cá nhân (đặc biệt là phân khúc cao cấp).
Khang Di
FILI
|