Thứ Tư, 10/04/2019 16:44

EU có thể gia hạn thêm cho Brexit nhưng sẽ kèm theo nhiều điều kiện

Liên minh châu Âu (EU) sẽ đồng ý với yêu cầu gia hạn Brexit lần thứ hai của Thủ tướng Anh Theresa May tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp diễn ra vào ngày thứ Tư (10/04), nhưng các lãnh đạo của khối liên minh này có khả năng sẽ đề nghị bà May chấp nhận thời gian gia hạn dài hơn kèm theo nhiều điều kiện.

Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Tổng thống Pháp (phải).

Trong một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng Brexit đã làm suy yếu sức mạnh của nước Anh đến nhường nào, bà May đã vội vã đến Berlin và Paris vào ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra để tìm tới sự giúp đỡ của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong việc gia hạn thêm thời gian Brexit đến ngày 30/06/2019.

Nhưng ở Brussels, một “khoảng gia hạn linh hoạt” đến cuối năm 2019 hoặc đến tháng 3/2020 đang dần trở thành lựa chọn khả dĩ nhất, các nhà ngoại giao EU cho biết. Lựa chọn này sẽ cho phép nước Anh được rời khỏi khối liên minh sớm hơn ngay khi sự bế tắc về thỏa thuận Brexit ở Luân Đôn được giải quyết.

Trong khi vẫn chưa ai biết được bà May và ông Macron – hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất của châu Âu – có đồng ý với bà May hay không, thì một dự thảo mới về kết quả của hội nghị thượng đỉnh EU cho thấy nước Anh sẽ được gia hạn thêm thời gian nhưng đi kèm với một số điều kiện nhất định.

“Vương quốc Anh sẽ phải tạo điều kiện để EU thực hiện những mục tiêu của họ và hạn chế bất cứ hành động nào có thể gây hại cho các mục tiêu mà EU đang nhắm đến”, hãng Reuters đưa tin dựa theo bản dự thảo.

Khi vẫn còn là thành viên của EU, về lý thuyết, nước Anh có quyền phủ quyết bất cứ quyết định lớn nào về chính sách của EU.

Bản dự thảo còn để trống hạn chót được gia hạn thêm cho Brexit và đang chờ quyết định của 27 lãnh đạo EU vào tối ngày thứ Tư (10/04) ở Brussels.

“Theo tôi, khả năng Anh được gia hạn thêm một thời gian ngắn là không khả thi cho lắm”, Detlef Seif, Phó phát ngôn viên về vấn đề EU thuộc nhóm nghị sĩ của bà Merkel, cho biết. “Không ai hứng thú với việc cứ 6 tuần lại phải tổ chức một cuộc họp Ủy ban châu Âu (EC) mới để quyết định có nên gia hạn Brexit thêm nữa hay không”.

Tại các thủ đô của châu Âu, người dân đã thể hiện sự mệt mỏi và bực tức với vụ “ly hôn” quanh co của Anh sau khi đã “kết hôn” được 46 năm.

“Người dân đã quá mệt mỏi và chán ngấy với sự thiếu quyết đoán của Anh – nhưng làm được gì bây giờ?”, một nhà ngoại giao EU cho biết. “Chúng tôi sẽ không làm người đẩy Anh xuống vực”.

Cuộc khủng hoảng mang tên Brexit

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May (phải).

Một quan chức EU khác có liên quan đến Brexit cho biết không quốc gia châu Âu nào lại muốn sự hỗn loạn từ “Brexit không thỏa thuận” bởi vì kịch bản Brexit đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính và nền kinh tế trị giá 16 ngàn tỷ USD của EU.

Tính đến nay là đã gần hai tuần kể từ thời hạn gốc của Brexit (29/03/2019), bà May nói rằng bà lo sợ rằng Brexit không thể diễn ra nữa khi bà đã thất bại ba lần trong việc khiến Quốc hội Anh phê chuẩn bản thỏa thuận “ly hôn” của bà.

Sau khi cam kết từ chức nếu như bản thỏa thuận của Thủ tướng Anh không được thông qua, bà đã tổ chức những cuộc đàm phán gây tranh cãi với Đảng Lao động đối lập, với hy vọng sẽ phá vỡ được sự bế tắc đang bao trùm đất nước.

Nhưng cho đến khi bà May đến Brussels, nhiều khả năng bà vẫn không đạt được bất cứ bước đột phá nào với Đảng Lao động. Sau vòng đàm phán ngày thứ Ba (09/04), Đảng Lao động cho biết họ vẫn chưa thấy được sự thay đổi rõ ràng nào trong lập trường của bà May.

Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland, đảng đã hỗ trợ cho chính quyền bà May, nói rằng bà đang làm xấu mặt cả nước Anh.

“Đã gần ba năm trôi qua kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, thế mà hôm nay nước Anh lại phải đi cầu xin những nhà lãnh đạo châu Âu khác”, Phó Lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ, Nigel Dodds, cho biết.

Một quan chức thuộc văn phòng của ông Macron cho hay “đối với kịch bản Brexit được gia hạn thêm, một năm cũng là quá dài đối với chúng tôi”.

Quan chức này còn nói thêm rằng nếu Anh hoãn thêm thời hạn rời khỏi khối liên minh, quốc gia này sẽ không được tham gia vào các cuộc đàm phán chỉ tiêu của EU cũng như tham gia lựa chọn Chủ tịch tiếp theo của EC – và 27 thành viên còn lại của EU có khả năng sẽ xem xét lại “mối hợp tác thân mật” giữa Anh và EU.

Trân Võ (Theo Reuters)

Fili

Các tin tức khác

>   Vì sao IMF nâng dự báo tăng trưởng năm 2019 của Trung Quốc? (10/04/2019)

>   Thông điệp của ông Trump tới thế giới: Cuộc chiến thương mại vẫn chưa kết thúc (10/04/2019)

>   Mây đen u ám bao trùm, IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu lần thứ ba trong 6 tháng (09/04/2019)

>   Bà May quay sang nhờ cậy Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp trước thềm hội nghị thượng đỉnh về Brexit (09/04/2019)

>   Tăng trưởng lợi nhuận ở châu Á vẫn ổn định bất chấp tín hiệu đáng ngại về kinh tế toàn cầu? (09/04/2019)

>   Nước Anh lại đối mặt với nguy cơ Brexit không thỏa thuận (09/04/2019)

>   Fed phản pháo trước những chỉ trích của Tổng thống Mỹ (09/04/2019)

>   Chính quyền Mỹ dọa áp thuế mới lên hàng hóa EU (09/04/2019)

>   Đông Nam Á vẫn không thể giành ngôi vị “công xưởng thế giới” của Trung Quốc (08/04/2019)

>   Trung Quốc đã làm gì để “chiều lòng” Mỹ về thương mại? (08/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật