Đông Nam Á vẫn không thể giành ngôi vị “công xưởng thế giới” của Trung Quốc
Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đang thúc đẩy các công ty đa quốc gia của Mỹ di dời các nhà máy và điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh cho chuỗi cung ứng trong vòng 12 tháng tới, dựa trên một cuộc khảo sát của công ty tư vấn Bain & Company.
Gerry Matios trong cuộc phỏng vấn trên chương trình "Squawk Box" của CNBC. Nguồn: CNBC.
|
“Việc chuyển dịch đang diễn ra”, Gerry Mattios, Phó Chủ tịch của công ty tư vấn Bain & Company, cho hay.
“Hãy quay lại thời điểm cuối năm 2018, khi chúng tôi công bố một bản báo cáo tương tự, chúng tôi đã nhận thấy có khá nhiều công ty – hơn 50% – thật sự đang ở sát mép vực… nhưng vẫn chưa có động thái nào được đưa ra”, ông Mattios trả lời trên chương trình “Squawk Box” của CNBC vào ngày thứ Hai (08/04).
Nhưng hiện tại, có đến 60% những công ty tham gia khảo sát trả lời rằng họ đã sẵn sàng hành động ngay khi nhận thấy những yếu tố tác động tiêu cực tới bảng cân đối kế toán của họ, ông Mattios nói thêm. “Họ biết được rằng các khách hàng của họ phải trả một phần trong đó và họ đang cố gắng tìm cách để đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ”.
Chuỗi cung ứng là một mạng lưới kết nối giữa một công ty và những nhà cung cấp để công ty đó có thể sản xuất và phân phối những sản phẩm của công ty.
Mặc dù Trung Quốc có lợi thế lớn về mặt giá cả, chính lợi thế này đã đẩy nước này lên vị trí dẫn đầu và trở thành trung tâm đặt nhà máy sản xuất của cả thế giới, nhưng lợi thế đó đang dần biến mất khi giá cả tăng lên, ông Mattios nói.
Cuộc khảo sát của công ty Bain được thực hiện với sự tham gia của hơn 200 giám đốc điều hành và các quản lý cấp cao của chuỗi cung ứng tại những công ty đa quốc gia Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, và tìm hiểu quan điểm của họ về cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra.
Tuy nhiên, một vài nhà máy sản xuất vẫn sẽ ở lại Trung Quốc khi nước này trở thành nền kinh tế có động lực thúc đẩy là tiêu dùng, ông Mattios nói. Những mặt hàng vốn được xuất khẩu từ trước đến giờ sẽ di chuyển dây chuyền lắp ráp đến khu vực Đông Nam Á.
Nhưng, ông Mattios nói thêm, “chúng tôi không cho rằng Đông Nam Á sẽ trở thành ‘nhà máy của thế giới’ như cách mà Trung Quốc đã làm 20 năm trước”.
‘Sản xuất phân mảnh’
“Những gì chúng ta đang thấy hiện giờ đều dựa vào công nghệ tự động hóa và các tiến bộ công nghệ. Chúng ta đang dịch chuyển dần khỏi những trung tâm sản xuất hợp nhất của thế giới khi xưa để đi theo con đường sản xuất phân mảnh”, dựa theo công ty Bain.
Chẳng hạn, các công ty sẽ cho sản xuất sản phẩm ở hàng loạt các cơ sở gần hơn với các khách hàng của họ ở Mỹ hoặc châu Âu, ông Mattios nói.
Các công ty đa quốc gia đang rục rịch hành động trong bối cảnh những tranh chấp thương mại song phương của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu và tâm lý doanh nghiệp.
Một vài công ty đang tìm kiếm những nhà cung cấp mới, những nguồn cải tiến mới và cả những khu vực sản xuất mới.
“Suy cho cùng, người nào đó phải trả giá cho việc tranh chấp thương mại kéo dài và đó chính là việc các chuỗi cung ứng tăng giá”, ông Mattios nói, thêm vào đó khách hàng hoặc các nhà sản xuất phải “hấp thụ” một vài chi phí để có thể giữ được thị phần – thậm chí phải cắt giảm biên lợi nhuận của công ty.
Tuy nhiên, mặc cho các chiến lược có thay đổi như thế nào, thì ông Mattios vẫn chắc chắn về một điều: “Những bất ổn mà tranh chấp thương mại Mỹ-Trung gây ra sẽ không đem lại lợi ích cho ai cả”.
“Mặc dù các công ty đã sẵn sàng để dịch chuyển, nhưng vẫn còn thiếu một dấu hiệu của sự ổn định để những công ty này có thể bắt đầu thực hiện kế hoạch của họ”, ông Mattios nói.
Trân Võ (Theo CNBC)
Fili
|