Chủ Nhật, 14/04/2019 13:00

Dự án BT, BOT liên quan Út 'trọc': Không đủ năng lực, vẫn được Bộ GTVT giao thầu

Qua thanh tra một số dự án BT, BOT có liên quan đến Út “trọc”, Thanh tra Chính phủ phát hiện mặc dù Công ty Thái Sơn Bộ Q.P thiếu cả năng lực, kinh nghiệm lẫn tài chính, song vẫn được Bộ GTVT chấp thuận giao thầu...

BOT Cầu Việt Trì

Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Út “trọc” và Công ty Cổ phần phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P (gọi tắt Công ty Thái Sơn Bộ Q.P), Thanh tra Chính phủ (TTCP) xác định công ty này có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu để xin vay vốn ngân hàng, tham gia dự thầu nhưng vẫn được các chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền trình, thẩm định, phê duyệt chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, trúng thầu thi công xây lắp nhiều gói thầu, dự án với giá trị lớn. Sau khi được lựa chọn là nhà thầu, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chuyển nhượng thầu trái quy định cho các doanh nghiệp khác để hưởng lợi.

Kiểm toán không chấp nhận quyết toán nhiều gói thầu

Tháng 12/2013, Bộ GTVT đã quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì theo hình thức Hợp đồng BOT là Liên danh Cienco 1 - Thái Sơn - Yên Khánh mặc dù các nhà đầu tư này đều không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định. Dự án này được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng; dự kiến thời gian xây dựng từ năm 2013 đến năm 2015; thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 20 năm 8 tháng.

Tuy nhiên qua thanh tra, TTCP xác định, hồ sơ yêu cầu mời thầu do Ban Quản lý dự án Thăng Long lập, Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt lại chỉ yêu cầu “có Báo cáo tài chính năm 2012 và Báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất được kiểm toán” là không đúng quy định.

“Tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia dự thầu, Cienco 1 là doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước chưa được Bộ GTVT chấp thuận cho phép tham gia dự thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án, vi phạm các quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là thành viên Liên danh cũng không đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm và các thành viên trong liên danh chưa đáp ứng yêu cầu mời thầu theo quy định nhưng vẫn được Ban Quản lý dự án Thăng Long chấp thuận và trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt chỉ định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì theo hình thức BOT tại Quyết định 3567/QĐ-BGTVT ngày 07/12/2013” - kết luận của TTCP chỉ rõ.

Ngoài ra, TTCP còn cho biết thêm, các vi phạm trong việc lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công xây lắp đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán nêu rõ, trong đó: không chấp nhận quyết toán tại các gói thầu XL.01-1, XL.01-2 và XL.01-3 với tổng số tiền 74,7 tỷ đồng.

Bộ GTVT chưa kiểm tra, xử lý, dù đã có kiến nghị

Tương tự, mặc dù Công ty Thái Sơn Bộ Q.P thiếu năng lực cả về tài chính, máy móc, thiết bị, kinh nghiệm nhưng vẫn được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận giao thầu xây lắp Gói thầu số 23 thuộc Dự án Quốc lộ 20.

Theo TTCP, cũng vào tháng 12/2013, Bộ GTVT có quyết định số 4208/QĐ-BGTVT, trong đó chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 đến Km268+000 theo hình thức BOT kết hợp BT (tổng vốn đầu tư 4.110 tỷ đồng) là liên  danh Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và Công ty Yên Khánh trong khi cả ba nhà đầu tư này đều không đạt yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo các quy định.

Mặt khác, nhà đầu tư đề xuất “Mức thu phí từ năm 2016 bằng 3,5 lần mức thu phí đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước quy định”, không đúng với quy định của Bộ Tài chính nhưng vẫn được Ban Quản lý dự án 7 đánh giá “đạt” để Bộ Giao thông vận tải lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài ra, năm 2016, Bộ Giao thông vận tải còn chấp thuận giao cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P thực hiện thi công Gói thầu số 23, sau đó, đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty TNHH MTV Vạn Tường thực hiện.

Qua kiểm tra gói thầu nêu trên, TTCP đánh giá các điều kiện về năng lực, hồ sơ của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P chưa đáp ứng yêu cầu và không đúng quy định nhưng vẫn được Tổ chuyên gia đấu thầu, Ban Quản lý dự án 7 trình Bộ GTVT tải phê duyệt, chỉ định nhà đầu tư. Sau đó, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc cho các doanh nghiệp khác, vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Vẫn theo TTCP, công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình còn có nhiều tồn tại, thiếu sót, sai phạm đã được các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị… nhưng chưa được Bộ GTVT kiểm tra, xử lý. “Theo kết quả kiểm toán của KTNN đối với Dự án Đầu tư cây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km123- Km268 cần phải xử lý với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng; theo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ: chênh lệch tăng sai tại gói thầu số 23 thuộc dự án thành phần 1 (BOT) là hơn 299  triệu đồng, tại các gói thầu XL2.1, XL2.2, XL2.9 thuộc dự án thành phần 2 (BT) cần phải điều chỉnh giảm khi quyết toán hơn 836 triệu đồng, việc xác định giá trị thu hồi quyền thu phí Trạm Bảo Lộc chưa đúng quy định 284 tỷ đồng” - TTCP dẫn chứng.

TTCP cũng cho rằng, trước khi lập dự án và quyết định đầu tư, Bộ GTVT không rà soát, tổng hợp cân đối kế hoạch bố trí vốn thanh toán cho các dự án, đảm bảo bố trí vốn đúng kế hoạch và hiệu quả, tránh gây thiệt hại cho Nhà nước và doanh nghiệp dự án.

“Đến nay, Dự án khôi phục và cải tạo Quốc lộ 20 chưa được phê duyệt kế hoạch bố trí vốn trung hạn để thanh toán cho phần BT, do đó theo hợp đồng BT, Bộ GTVT sẽ phải thanh toán toàn bộ vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư từ năm 2018 đến năm 2022; trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải đã và đang phải thực hiện nhiều dự án BT khác (như: QL 20 đoạn Dầu Giây- Bảo Lộc; đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Tuý Loan…), nguy cơ thiệt hại cho cả doanh nghiệp và nhà nước” - TTCP nêu cảnh báo.

“Chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, các ban quản lý dự án, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P” - TTCP chỉ rõ trách nhiệm.

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm đã nêu tại Kết luận thanh tra.

Kiểm tra, rà soát, xử lý đối với giá trị quyền thu phí Trạm thu phí Bảo Lộc khi quyết toán Dự án sửa chữa và nâng cấp mở rộng một số đoạn qua thị trấn trên QL20 (đoạn từ Km76-Km206) đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Chấn chỉnh công tác quản lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó, cần có quy định chế tài cụ thể, chặt chẽ hơn đối với công tác thẩm định, xác minh tính chính xác của hồ sơ dự thầu, đề xuất của nhà đầu tư.

Kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm (nếu có) đối với các dự án khác có liên quan đến ông Ðinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) và Công ty Thái Sơn Bộ Q.P. Kết quả thực hiện và kiến nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, gửi TTCP để theo dõi, phối hợp.

 Dương Lê

Tiền Phong

Các tin tức khác

>   Thông tin bất ngờ về công ty AMAX bị điều tra 'thổi giá' AVG (14/04/2019)

>   65.000 tỉ đồng/năm giải quyết tai nạn liên quan đến rượu bia (14/04/2019)

>   Trung Quốc cung cấp hơn 40% lượng sắt thép nhập vào Việt Nam (14/04/2019)

>   Thủ tướng yêu cầu 2021 phải khánh thành tuyến Metro số 1 Tp.HCM (13/04/2019)

>   Khởi tố Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch AVG về tội “Đưa hối lộ” (13/04/2019)

>   Loạt doanh nghiệp niêm yết rót hàng ngàn tỷ đồng vào điện mặt trời (16/04/2019)

>   Bộ Tư pháp lên tiếng về vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ (13/04/2019)

>   Xăng, điện đẩy giá hàng hóa tăng (13/04/2019)

>   Đang kiểm toán mà rượu bia, karaoke, liệu có khách quan? (13/04/2019)

>   Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm 100% kinh phí động thổ, khởi công (12/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật