Chứng khoán Trung Quốc lao đao khi Chính phủ báo hiệu giảm bớt hỗ trợ
Đợt tháo chạy tồi tệ nhất trong nhiều tháng qua của chứng khoán Trung Quốc thể hiện một điều: Các chính sách kinh tế của Bắc Kinh vẫn có ảnh hưởng quá lớn tới thị trường chứng khoán.
Tuần này, nhà đầu tư đã có cái nhìn rõ ràng hơn về việc thị trường cổ phiếu sẽ ra sao khi không có triển vọng Chính phủ đưa ra thêm các gói kích thích bổ sung (một yếu tố đã giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc khôi phục 2.3 ngàn tỷ USD vốn hóa so với tháng 1/2019). Chứng khoán Thượng Hải mất 4.7%, chẩn bị ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2018, sau khi Trung Quốc báo hiệu sẽ giảm bớt hỗ trợ cho nền kinh tế khi xuất hiện những dấu hiệu hồi phục rõ ràng. Trái phiếu Chính phủ Trung Quốc – vốn nhanh chóng trở thành tài sản có thành quả tệ nhất châu Á – cũng tụt dốc.
Đây là một khoảng khắc đánh dấu đợt xoay chiều của thị trường Trung Quốc. Hàng loạt báo cáo lợi nhuận từ các công ty lớn nhất Trung Quốc có thể làm thay đổi tâm lý thị trường theo cả hai hướng, mặc dù bức tranh lợi nhuận cho tới nay chẳng đáng khích lệ chút nào. Các trader cũng hướng mắt tới các cuộc đàm phán thương mại tuần tới với Mỹ, mặc dù việc thị trường Trung Quốc tạm ngưng giao dịch trong 3 ngày (bắt đầu từ ngày 01/05) có thể tác động tiêu cực tới hoạt động giao dịch.
Hồng Kông sẽ tạm ngưng giao dịch chỉ trong ngày thứ Tư (01/05).
Đồng Nhân dân tệ bắt đầu dịch chuyển
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) dường như bắt đầu hành động để ngăn chặn đà giảm của đồng Nhân dân tệ trong ngày thứ Sáu (26/04) khi họ thiết lập mức neo tỷ giá mạnh hơn dự báo của các chuyên viên phân tích. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cam kết không dùng tới phương án phá giá tiền tệ - một yếu tố có thể gây tổn hại tới các quốc gia khác. Đồng Nhân dân tệ đã giảm xuống đáy 2 tháng so với đồng bạc xanh giữa lúc xuất hiện làn sóng rút vốn ra khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu.
Động thái cung cấp các khoản cho vay trung hạn của PBoC được xem là một sự dịch chuyển trở lại lập trường chính sách tiền tệ trung lập, cho thấy tham vọng của PBoC trong việc giữ tiền di chuyển qua cả hệ thống, đồng thời kìm hãm kỳ vọng thị trường về khả năng nới lỏng chính sách. Các chuyên viên phân tích dự báo điều này sẽ dẫn tới sự biến động mạnh hơn của chi phí đi vay liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu.
Đà tăng của chỉ số Shanghai Composite trong năm 2019 càng ngày càng bấp bênh hơn. Nhà đầu tư đang tự hỏi liệu có nên tháo chạy nếu như đồng USD tăng giá hay không. Đồng bạc xanh mạnh hơn thường là tin xấu đối với chứng khoán nước này vì nó có thể khuyến khích dòng vốn chảy vào các tài sản Mỹ và né xa các thị trường mới nổi như Trung Quốc.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|