Thứ Sáu, 26/04/2019 11:15

Tin xấu dồn dập ập tới thị trường chứng khoán Hàn Quốc

Sau khi trải qua 1 năm 2018 đầy thảm khốc giữa lúc nhà đầu tư lo ngại về chiến tranh thương mại và bất ổn từ lĩnh vực chip điện tử, nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán Hàn Quốc có nhiều lý do hơn để tỏ ra lo ngại.

Khoảng 2/3 công ty thuộc chỉ số Kospi (bao gồm 50 cổ phiếu, chủ yếu là vốn hóa lớn) – vốn đã thông báo kết quả lợi nhuận quý 1/2019 kể từ đầu tuần này – không đạt kỳ vọng của các chuyên viên phân tích, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg. Các chuyên viên phân tích đã hạ dự báo lợi nhuận quý 1/2019 của các công ty thuộc chỉ số Kospi bớt 3.7 điểm phần trăm trong tháng 4/2019, theo KB Securities ở Seoul.

Trong khi đó, thu nhập ước tính trên mỗi cổ phiếu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2016. Mức định giá của các công ty thuộc Kospi cũng là một gánh nặng – hệ số P/E cao hơn 11 lần, cao nhất kể từ năm 2016 (xét trên lợi nhuận dự phóng 12 tháng tới).

Chẳng cần phải xem đâu xa, hãy nhìn tới nhóm cổ phiếu công nghệ – vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Kospi, gần 30%. Sự thất vọng về lợi nhuận từ LG Display – một công ty sản xuất màn hình LCD – đã làm hủy hoại tâm lý nhà đầu tư về lĩnh vực công nghệ trong ngày thứ Tư (24/04). Trước đó, Samsung Electronics càng làm gia tăng nỗi lo ngại khi đưa ra kết quả rất đáng thất vọng, lợi nhuận hoạt động thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

“Tất cả thành phần tham gia thị trường tỏ ra lo ngại về lợi nhuận quý 1/2019 đối với cả công ty ở Mỹ và Hàn Quốc”, Seo Sang-young, Chiến lược gia tại Kiwoom Securities, nhận định. “Họ đã sai về Mỹ, nhưng lại đúng về Hàn Quốc”.

Chỉ số Kospi vẫn còn tăng 7.3% từ đầu năm 2019, mặc dù vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức tăng 15% của chỉ số MSCI All-Country World.

Rắc rối về lợi nhuận quý 1/2019 xuất hiện khi nền kinh tế nước này cho thấy những dấu hiệu căng thẳng, ghi nhận mức tăng trưởng quý 1/2019 thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ. Trong quý 1/2019, Hàn Quốc ghi nhận tăng trưởng 1.8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với ước tính 2.4%. Trong khi đó, so với quý trước đó, nền kinh tế Hàn Quốc thu hẹp 0.3%, trong khi các chuyên gia kinh tế kỳ vọng nền kinh tế này sẽ tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu suy giảm 2.6% so với quý trước.

Trong khi dữ liệu GDP quý 1/2019 đã được dự báo trước phần nào, nhưng điều khiến nhà đầu tư kinh ngạc là “cú sốc về lợi nhuận” của các công ty vốn hóa lớn, theo Park So-yeon, Chuyên viên phân tích tại Korea Investment & Securities. Nằm trong số đó là Samsung Biologics, công ty công nghệ sinh học thuộc Tập đoàn Samsung, bất ngờ ghi nhận lỗ, gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ – những người đã rót tiền vào một cổ phiếu yêu thích trên thị trường giữa lúc Chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh nuôi dưỡng ngành này.

Ngay cả với những “cơn gió ngược” gần đây, nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy cơ hội tăng giá ở Hàn Quốc. Họ đã mua ròng 6.8 ngàn tỷ Won (tương đương 5.8 tỷ USD) cổ phiếu thuộc chỉ số Kospi trong năm nay, phần lớn là Samsung và SK Hynix. Dòng vốn vào thị trường cổ phiếu Hàn Quốc xuất hiện chủ yếu là lập trường bồ câu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tâm lý lạc quan về dấu chấm hết của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và các gói kích thích của Trung Quốc, theo KB Securities.

“Những nỗi lo về chiến tranh thương mại đã được phản ánh vào giá”, Heo Pil-Seok, Giám đốc điều hành tại Midas International Asset Management, cho biết. “Một số người bắt đầu nói rằng đây là thời điểm để bắt đáy trước khi đảo chiều trong nửa cuối năm 2018 đối với một số lĩnh vực”.

Giá hàng hóa

Thế nhưng, không thể ngó lơ những thách thức. Một thách thức khác ở đây là: Đà tăng mạnh của giá hàng hóa (bao gồm cả dầu) cũng tác động tiêu cực tới nhiều nhà xuất khẩu ở Hàn Quốc. Posco – công ty sản xuất thép lớn nhất của Hàn Quốc – ghi nhận sự suy giảm về lợi nhuận, đồng thời lên tiếng cảnh báo về sự suy yếu của nhu cầu và chi phí đầu vào cao hơn khi giá quặng sắt tăng mạnh. Các nhà lọc dầu như SK cũng cho biết quyết định chấm dứt thời hạn miễn lệnh trừng phạt Iran của Mỹ khiến chi phí gia tăng.

Công ty hóa chất OCI Co. ghi nhận mức lỗ nặng nề hơn dự báo khi ngành điện mặt trời gặp khó khăn vì sự trì hoãn của các biện pháp kích thích từ Chính phủ Trung Quốc, theo Shinhan Investment Corp. Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc – cũng gây áp lực lên các nhà xuất khẩu Hàn Quốc giữa lúc Trung Quốc đang xung đột thương mại với Mỹ.

“Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang tác động tiêu cực tới các ngành truyền thống của Hàn Quốc”, Heo cho biết. “Đặc biệt, chip điện tử, lọc dầu và hóa chất – vốn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu Trung Quốc – bị tác động mạnh”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Nối gót Phố Wall, chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ (26/04/2019)

>   Dow Jones rớt hơn 100 điểm khi 3M chứng kiến phiên giảm mạnh nhất trong 30 năm (26/04/2019)

>   Chứng khoán Trung Quốc sắp có tuần tồi tệ nhất trong năm 2019 (25/04/2019)

>   Lo lắng về khả năng giảm quy mô kích thích, Shanghai Composite rớt mạnh (25/04/2019)

>   Chứng khoán Trung Quốc rơi gần 2.5% (25/04/2019)

>   Shanghai Composite sụt hơn 1%, kinh tế Hàn Quốc bất ngờ giảm mạnh (25/04/2019)

>   Chứng khoán Trung Quốc nhuốm sắc đỏ (25/04/2019)

>   Vốn hóa của Microsoft tíc tắc chạm mức ngàn tỷ đô (25/04/2019)

>   S&P 500 rút khỏi mức cao kỷ lục trước loạt báo cáo lợi nhuận trái chiều (25/04/2019)

>   Chứng khoán Trung Quốc vùng dậy thành công (24/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật