Nhịp đập Thị trường 07/03: Xả hàng ATC
VN-Index biến động ngược trong phiên chiều, với xu hướng giảm dần, tuy vậy vẫn duy trì sắc xanh trên tham chiếu. Song, ngay khi bước vào đợt ATC, lượng đặt bán tăng vọt, áp đảo bên mua, nhiều mã xuất hiện giá dự kiến sàn, khiến bên mua phải “chơi chiêu” che lệnh. Kết thúc phiên chiều, VN-Index chuyển sang giảm nhẹ 0.05% về 994.03 điểm. Chỉ số vượt mốc 1,000 2 lần trong cùng ngày hôm nay, nhưng vẫn không giữ được thành quả.
Nhóm VN30 giảm sâu hơn chỉ số chính, với diễn biến tiêu cực cũng tập trung vào đợt ATC. Cổ phiếu họ nhà Vin vẫn xanh, nhưng đà tăng giảm. Quan trọng hơn, số mã giảm tăng lên, dẫn đầu là HPG (-2.6%). Một số mã vốn hóa lớn khác đổi màu là GAS, MWG… cũng tác động mạnh thêm lên chỉ số.
2 chỉ số chính sàn HNX và UPCoM may thay vẫn giữ được sắc xanh, dù cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ vào đợt ATC. HNX-Index đóng cửa tăng 0.37% lên 108.88 điểm, trong khi ở UPCoM-Index là +0.34% lên 56.25 điểm. SHB vẫn tăng 3%, ACB, VCG vẫn xanh, nhưng VGC lùi về tham chiếu, DBC giảm tới 5%, VCS giảm 1.5%.
Ngân hàng vẫn là nhóm ngành giữ được trạng thái giao dịch tốt nhất đến cuối phiên chiều. Chỉ có duy nhất EIB giảm giá, HDB đã quay lại tham chiếu, SHB là mã tăng tốt nhất đến cuối ngày (+3.95%).
Chứng khoán, dệt may cũng là những nhóm có sắc xanh đa số, nhưng bất động sản, dầu khí đã phân hóa mạnh hơn, nhiều nhóm nhỏ như cao su, sắt thép, thủy sản.. đã tràn đầy sắc đỏ.
HPG trở thành cổ phiếu giảm sâu nhất nhóm VN30, với mức giảm 2.6%. Khối ngoại hôm nay bán ròng nhẹ, quan trọng hơn là họ bị “phân hóa” khi giao dịch sôi động cả 2 chiều mua bán. Không chỉ HPG, cổ phiếu thép cũng đồng loạt đỏ, trừ DNY.
BSR hôm nay bất ngờ tăng giá nhẹ dù bị dự báo tiêu cực về kết quả làm ăn 2 tháng đầu năm, cũng như bị khối ngoại bán ròng hơn 500,000 cp. Tổng lượng giao dịch khớp lệnh cả ngày hôm nay cũng tăng gần gấp 3 lần hôm qua, và chỉ kém so với 2 hôm trước.
Phien sáng: Vượt 1,000 lần thứ hai trong phiên sáng
Đà tăng phiên sáng đã được giữ vững sau 1 khoảng thời gian rung lắc. Đến cuối phiên sáng, VN-Index quay trở lại 1,002.37 điểm, tăng 0.79% và lên gần đỉnh cũ đã thiết lập trước đó. Công lao lớn của mức tăng này là nhóm VN30, trong đó là bộ ba VIC – VHM – VRE. Nhóm ngân hàng cũng góp vai trò tích cực nhất lên chỉ số, nhìn từ góc độ ngành. Dù vậy, VN-Index vẫn đang chạy nhanh hơn chính động cơ của nó là VN30 (+0.5%).
Với đà tăng thuận lợi cuối phiên của VN-Index, chỉ số HNX-Index thậm chí còn tăng vượt đỉnh trong phiên, và đang tạm đứng ở 109.37 điểm (+0.83%). VGC, VCG… đóng vai trò dẫn dắt chỉ số suốt phiên sáng, đến gần cuối còn có thêm đóng góp từ SHB.
2 nhóm lớn là BĐS dân dụng và dầu khí nhìn chung có diễn biến khá tốt sáng nay, dù có sự phân hóa từ khoảng giữa phiên. Những cổ phiếu đầu ngành như VIC, GAS xanh, nhưng có không ít mã khác chuyển sang đỏ như HDG, NLG, PVD, PVT…
Có không ít nhóm ngành khác duy trì tích cực suốt phiên sáng, hoặc nổi lên hiệu ứng tích cực về cuối phiên như dệt may, chứng khoán, điện… tuy nhiên cũng có 1 số nhóm đi ngược thị trường như sắt thép, xi măng, than hay cao su.
Trên mạng mới nổi lên thông tin cá tra bỗng dưng giảm giá và sản lượng nuôi hao hụt trong mấy ngày qua, tuy nhiên dường như chưa phản ánh vào giá cổ phiếu nhóm này, hoặc nếu có, khiến nhiều mã không tăng giá theo thị trường.
HPG vẫn đang muốn chốt lời dù có thông tin doanh nghiệp bán được 450,000 tấn sản phẩm trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng 24.5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện HPG giảm giá 1.6% về 34,450 đ/cp, với thanh khoản trung bình và khối ngoại bán ròng nhẹ (có cả mua lẫn bán với tỷ lệ hơn 20% lượng khớp lệnh. Rộng hơn, không chỉ HPG giảm giá, mà rất nhiều mã khác cùng ngành cũng giảm giá, trong đó mạnh nhất là TVN giảm -9.5% với chỉ 1,000 cp khớp lệnh, tiếp theo là POM giảm 4.2%. Duy nhất có DNY tăng hơn 9% cũng với chỉ 1,000 cp khớp lệnh.
YEG sau 1 hồi náo loạn vì khối ngoại giao dịch cả 2 chiều mua và bán, thì hiện tại quay lại sàn cứng với dư bán sàn gần 200,000 cp. Tổng lượng khớp lệnh tăng mạnh gấp nhiều lần so với cả phiên hôm qua, 2 cả 3 phiên sàn trước đó, trong đó khối ngoại góp tỷ trọng lớn. Tuy vậy khối nội vẫn tăng đáng kể lượng mua bắt đáy, chỉ có điều với dư bán sàn lúc này thì khả năng chiến thắng sau T3 vẫn còn khá mờ mịt.
11h: “Ô tô đang chạy nhanh hơn chính động cơ của nó”
VN-Index một lần nữa chạm mốc 1,000 điểm rồi lại lùi tiếp. Diễn biến này khá giống cách đây 2 ngày, có thể khiến cho nhà đầu tư suy luận rằng mốc 1,000 điểm là vật cản khó chơi.
Chỉ số VN30-Index là động cơ chính, nhưng điều khá khó hiểu ở đây là khi VN30 đã thêm các mã hot như VHM thì đúng ra mức tăng của VN30 phải sát với mức tăng của VN-Index? Nếu VNIndex chạy nhanh hơn VN30-Index, thì cổ phiếu nào ngoài nhóm VN30 giúp đẩy VN-Index? Câu trả lời có lẽ là không phải cổ phiếu, mà do cách tính trọng số của các mã lớn trong 2 chỉ số này khác nhau, dẫn đến mức tác động là khác nhau.
Lúc này bộ ba cổ phiếu nhà Vingroup đang dẫn dắt chỉ số. VHM đang tăng 2.2%, VRE tăng 1.7% còn riêng VIC tăng tới hơn 3.3%. Sáng nay báo chí đồng loạt đăng tin Vinfast đã cho chạy chiếc ô tô đầu tiên, có lẽ tác động tích cực lên cổ phiếu VIC.
Một điều khá thú vị xảy ra trong phiên sáng nay là chỉ số nhóm Mid Cap sàn HOSE đang đỏ, dù có khởi đầu thuận lợi.
Nhóm ngân hàng vẫn giữ được vị thế tích cực trên hầu hết cổ phiếu, kể cả 2 mã giảm từ đầu phiên là EIB và HDB. Tuy nhiên một số nhóm lớn khác như BĐS hay dầu khí bắt đầu có phân hóa.
Nhóm BĐS dân dụng bắt đầu có phân hóa, DIG, DXG, VCG… vẫn tăng nhưng một số mã khác đã đổi màu, ví dụ như HDG, KDH, NLG… Sáng nay có thông tin Hiệp hội BĐS Tp.HCM đã đưa ra đề xuất xây dựng luật chung cư, nhưng có vẻ chưa phản ánh vào giá cổ phiếu BĐS.
YEG đã có lúc thoát giá sàn, có lẽ nhờ khối ngoại mua vào. Lượng mua khối ngoại đang chiếm tới hơn 80% tổng lượng mua, tuy nhiên cũng chính khối ngoại (khác) cũng đang bán ra với số lượng còn lớn hơn bên mua. Bắt đáy luôn là cuộc chơi đầy kích thích, dù rủi ro.
ACV có vẻ như đang là trụ tốt nhất cho sàn UPCoM lúc này, với mức tăng tuy chỉ khoảng 3% nhưng ổn định.
QCG đang âm thầm trần cứng phiên thứ hai liên tiếp dù chưa có công bố tin gì mới. Cổ phiếu này đang đứng ở mức giá 5,370 đ/cp với dư mua trần 650,000 cp. Tương tự là KDC, hiện là một đại gia trong lĩnh vực dầu ăn, cổ phiếu này tuy không tăng trần, nhưng trong 3 phiên gần đây, tính cả sáng nay đều tăng khoảng 5%.
Mở cửa: Đà tăng đang được củng cố
VN-Index sáng nay khởi động ở mức 995.65 điểm, nhỉnh hơn 1 điểm so với tham chiếu, nhưng như vậy cũng đủ để cho thấy đợt hồi cuối phiên chiều qua không phải là “giả”. Hơn nữa, mức tăng này cũng là chỉ báo cho thấy NĐT không có gì phải e ngại diễn biến trên sàn… Mỹ.
Chỉ số nhóm VN30 tăng chậm hơn một chút so với VN-Index, nhưng cũng là dấu hiệu tích cực. Nên nhớ rằng chiều qua VN-Index rớt sâu chính là do nhóm này, do đó diễn biến của VN30 vẫn sẽ có vai trò rất quan trọng trong phiên sáng nay.
Nhóm ngân hàng đang quay lại vai trò dẫn dắt, khi một loạt cổ phiếu đều xanh. Chỉ có EIB và HDB đang giảm nhẹ.
Tương tự ngân hàng, 2 nhóm lớn khác là bất động sản dân dụng và dấu khí đều có diễn biến tích cực.
Dường như biết trước điểm số của VN-Index, chỉ số 2 sàn HNX và UPCoM cũng tăng trước đó vài phút. VGC và VCG vẫn là 2 trụ lớn của HNX, trong khi trên UPCoM là BSR, HVN… đặc biệt VGT bỗng dưng tăng tới gần 7.5%.
Nhóm dệt may tiếp tục hút tiền, lần này là VGT và STK. TCM đang giảm nhẹ một chút sau khi bất ngờ được kéo trong đợt ATC. Dù gì cũng còn sớm để lo ngại TCM bị bán đỉnh.
AAA sáng nay tăng nhẹ 1.8% sau khi tin tức được tung ra dồn dập. Cổ phiếu này đang vượt đỉnh tháng 12 năm trước và tiến tới đỉnh tháng 9. Tin mới nhất là lãnh đạo doanh nghiệp tự tin với khả năng đạt doanh thu 10,000 tỷ cho năm nay, tăng hơn 20% so với năm 2018, nhưng điều mà NĐT quan tâm có lẽ là lợi nhuận, liệu có song hành cùng doanh thu?
Hoàng Nam
FILI
|