Ngân hàng Trung Quốc “đau đầu” vì nợ xấu
Trung Quốc có thể sắp đón một cơn “lũ” về nợ xấu trong thời gian tới. Không phải là loại nợ mà bạn nhìn thấy trong các con số chính thức của năm 2018 đâu, mà là một loại nợ xấu “ẩn” – một điều cho thấy vấn đề này đã được che giấu phần nào.
Các cơ quan chức trách đã nỗ lực hết sức để giảm bớt đòn bẩy tài chính trong năm 2018. Lượng tín dụng của Trung Quốc tăng ở mức khá khiêm tốn 10%, trong đó tăng trưởng nợ mới giảm 14%. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện điều này bằng cách thắt chặt giới hạn đối với hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking) và chuyển nhu cầu vay đó sang hệ thống ngân hàng chính thức. Nhờ đó, nhóm ngân hàng chính thức ghi nhận mức tăng trưởng 13% về khoản vay mới trong năm 2018.
Để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động cho vay của các ngân hàng khi lượng tiền gửi mới giảm 1% trong năm trước, các ngân hàng đã bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản (AMC). Tổng lượng nợ bán cho AMC và các khoản thanh toán khác lên tới gần 1.8 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 268 tỷ USD), dựa trên báo cáo của Jason Bedford, Giám đốc phụ trách bộ phận nghiên cứu tài chính châu Á tại UBS Group AG tại Hồng Kông.
Được biết, Trung Quốc khởi đầu năm 2018 với mức nợ xấu là 1.7 ngàn tỷ Nhân dân tệ và khép lại năm trước với mức 2 ngàn tỷ Nhân dân tệ. Nói cách khác, sau khi bán nợ xấu, các ngân hàng vẫn kết thúc năm 2018 ở mức còn cao hơn cả thời điểm đầu năm.
Điều này có một vài ngụ ý. Đầu tiên, các ngân hàng phải dành nhiều thu nhập hơn để trích lập dự phòng rủi ro cho vay. Trong nửa đầu năm 2018, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã phân bổ 43% lợi nhuận trước dự phòng để tăng phần dự trữ vốn. Tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, dự phòng rủi ro cho vay chiếm tới khoảng 56% lợi nhuận 6 tháng đầu năm, tăng từ mức 41% của cùng kỳ năm trước.
Thứ hai, con số nợ xấu trên cho thấy rằng Trung Quốc dường như chỉ mới hiểu được bề nổi của những khó khăn về nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu được ghi nhận khá thấp: Tỷ lệ nợ xấu tại ICBC đã là 1.53%, giảm từ 1.56% (cuối năm 2017). Thế nhưng, thị trường từ lâu đã hoài nghi về mức độ chính xác của những con số này.
Thứ ba, lĩnh vực tài chính ngày càng bị hạn chế về vốn. Các ngân hàng ngày càng khó huy động vốn khi không có sự can thiệp đáng kể từ khu vực công. Các AMC (được biết tới là những ngân hàng nhận nợ xấu) cũng cần thêm vốn và không có kế hoạch giải quyết vấn đề ở các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ – vốn đang là những tổ chức cần thêm vốn nhất.
Trong khi đó, các ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước đã bắt đầu triển khai các chương trình tái cấp vốn. Trong tháng 1/2019, Bank of China Ltd. đã trở thành tổ chức đầu tiên bán trái phiếu vĩnh viễn (perpetual bonds), huy động được 40 tỷ Nhân dân tệ. China Citic Bank Corp cũng lên kế hoạch bán trái phiếu để nâng vốn cấp 1 (tier-1 capital).
Những vấn đề này có thể cần tới sự trợ giúp từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). Tháng trước, PBoC đã thực hiện hoán đổi 1.5 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu kỳ hạn 1 năm để đổi lấy trái phiếu vĩnh viễn. Đây là lần đầu tiên PBoC sử dụng công cụ mới với mục tiêu tăng sự chấp nhận của thị trường đối với loại trái phiếu vĩnh viễn này và khuyến khích các ngân hàng thương mại bán thêm.
Việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các nhà cho vay nhỏ nhằm thâm nhập thị trường Trung Quốc là động cơ để nước này cần minh bạch hơn về vấn đề nợ xấu và kế hoạch xử lý nó. Càng trì hoãn lâu, việc xử lý sẽ càng tốn kém và đau đớn.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|